LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

C.MÁC – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Bài viết kỷ niệm 206 năm ngày sinh C. Mác (05/5/1818 – 05/5/2024)

 

Ngày 14 tháng 3 năm 1883, trái tim vĩ đại của C.Mác đã ngừng đập, kép lại 65 năm sống và cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội. Cùng với người bạn, người đồng chí là Ph. Ăngnghen, C.Mác đã tìm ra quy luật vận động, phát triển của lịch sử và xây dựng một học thuyết cách mạng mới, nhằm cung cấp cho nhân loại công cụ nhận thức, đồng thời đề xuất những chỉ dẫn khoa học có tính hệ thống, toàn diện nhằm cải tạo lịch sử, triệt để giải phóng con người. Trong học thuyết đó, các ông đã xuất sắc kế thừa thành tựu khoa học và tư tưởng của thế giới để cống hiến cho nhân loại 3 đóng góp quan trọng là: chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Những cống hiến vĩ đại đó đã đưa tên tuổi của C.Mác và Ph. Ăngnghen trở thành những nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại và học thuyết mang tên các ông có giá trị trường tồn. Năm tháng qua đi, kẻ thù của chủ nghĩa Mác tìm mọi cách xuyên tạc nhằm phủ nhận giá trị của nó. Nhưng thực tế những gì đang diễn ra trong xã hội đương đại, chứng minh sức sống bền bỉ của chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân đã nghi dấu ấn của nó trong lịch sử nhân loại và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, cả trong lĩnh vực sản xuất vật chất và cuộc đấu tranh cải tạo xã hội. Trong sự nghiệp vĩ đại đó, học thuyết Mác tiếp tục là ngọn đuốc dẫn đường cho các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân tìm kế sách và con đường phát triển cho quốc gia dân tộc mình, hướng tới lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. 

Tuổi trẻ và lý tưởng phục vụ xã hội, phụng sự con người 

C.Mác sinh ra trong một gia đình trí thức. Cha ông (Henrich Mác) là một luật sư, người chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do và rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Trong số 9 người con của mình, Henrich Mác quan tâm đến người con thứ 5 – cậu bé C.Mác hiếu động, thông minh, ưa khám phá và có tính độc lập sáng tạo. Năm 1830, khi 13 tuổi, C. Mác bước vào học bậc trung học, ông đặc biệt yêu thích các môn triết học, lịch sử, kinh tế, luật học. Thời kỳ này, lý tưởng phục vụ cho xã hội, phụng sự con người dần hình thành trong suy nghĩ và trở thành lẽ sống của chàng thanh niên trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết. Điều này thể hiện rõ trong bài luận với chủ đề: “Suy nghĩ của người thanh niên khi chọn nghề”, bài luận có đoạn: “Ta phải chọn một nghề nào khả dĩ, mở ra một trường hoạt động rộng lớn về mặt xã hội và có thể đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhân loại khổ đau. Nếu chỉ vì hạnh phúc riêng của ta thôi, ta có thể trở thành một nhà bác học, một luật sư, một nhà báo, một nhà văn danh tiếng nhưng điều đó thì thật là tầm thường vì nó chỉ là hạnh phúc riêng chật hẹp trong cá nhân ta thôi. Không, đời ta phải dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng người nghèo”. Ở tuổi vị thành niên, C. Mác đã sớm hình thành nhân sinh quan tiến bộ, chống lại những định kiến cũ nát của xã hội Phổ, vốn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của các chế định phong kiến và tôn giáo. Suy nghĩ: chọn một nghề nào khả dĩ, mở ra một trường hoạt động rộng lớn về mặt xã hội và có thể đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhân loại khổ đau đã ảnh hưởng đến việc chọn ngành học của C. Mác khi bước vào đại học. Ông chọn học ngành luật, sau đó tiếp tục nghiên cứu lịch sử, triết học, nhất là những vấn đề lịch sử triết học cổ đại. Trong môi trường đại học, Ông được tiếp cận kho tàng tri thức đồ sộ của các nhà tư tưởng lớn của nhân loại; dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của các giáo sư tài giỏi là những người theo chủ nghĩa duy vật và có xu hướng tự do; cùng tố chất thông minh vượt trội và tư duy tiếp thu phê phán có chọn lọc, C. Mác đã trang bị cho mình một nền tảng tri thức cần thiết và phương pháp luận khoa học để độc lập xây dựng hệ tư tưởng mang tên mình. Song điều khiến Mác trở nên vĩ đại ở chỗ: không chỉ là nhà tư tưởng, lý luận kiệt xuất, mà Ông còn nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc. Hệ tư tưởng của Ông là học thuyết hành động, thông qua các hoạt động truyền bá không mệt mỏi của Ông và các đồng chí của mình đã trở thành vũ khí lý luận sắc bén cho các hoạt động cải tạo hiện thực.  

Chỉ mới 30 tuổi, Mác đã dần hiện thực hoá khát vọng cống hiến của mình là mở ra  một trường hoạt động rộng lớn về mặt xã hội và có thể đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhân loại khổ đau. Đó là, xây dựng học thuyết khoa học và cách mạng, thành bộ công cụ nhận thức kiến giải sự vận động và phát triển của xã hội loài người cho các lực lượng tiến bộ, các dân tộc bị áp bức đoàn, kết đấu tranh để tự giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, cùng nhau xây dựng một xã hội mới, với những tiền đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cần thiết cho sự phát triển tự do và toàn diện cho con người.      

Một sự nghiệp lẫy lừng 

C. Mác (1818 – 1883)

Ngày 15 tháng 4 năm 1840, khi mới 23 tuổi, C. Mác nhận bằng tiến sĩ triết học với luận án về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Démocrite và triết học tự nhiên của epicure. Năm 30 tuổi, Ông trở thành nhà triết học lỗi lạc khi xây dựng phép biện chứng duy vật, vận dụng nó vào nghiên cứu sự vận động và phát triển của xã hội loài người. Từ đó, C. Mác xây dựng chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà cốt lõi là Học thuyết Hình thái kinh tế – xã hội. Đóng góp to lớn này của C. Mác đã mở ra hướng nghiên cứu mới về lịch sử xã hội, đoạn tuyệt với các quan điểm duy tâm, thần bí, siêu hình trong nghiên cứu lĩnh vực xã hội trước đó.  

Chủ nghĩa duy vật lịch sử là sự kết hợp giữa thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật vào nghiên cứu đời sống xã hội và sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Từ đó chỉ ra quy luật vận động và phát triển của lịch sử là các hoạt động vật chất, các yếu tố vật chất, của tồn tại xã hội quyết định. Từ việc vận dụng triết học duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu xã hội tư bản chủ nghĩa, Mác tìm ra những quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, luận giải quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó, làm tiền đề cho việc xây dựng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học – học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chỉ ra lực lượng, con đường và giải pháp để giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hoá. 

Học thuyết Mác chỉ rõ: kể từ cuộc cách mạng tư sản Anh (1640) đến nay, chủ nghĩa tư bản dần định hình và qua nhiều giai đoạn phát triển: từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đến chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại. Việc tổ chức nền sản xuất xã hội theo mô hình kinh tế công nghiệp đã hình thành nên những thành phố công nghiệp lớn, kéo theo là những trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ mọc lên làm thay đổi diện mạo của đời sống xã hội. Mặt khác, giai cấp tư sản – giai cấp đại diện cho chủ nghĩa tư bản còn vận dụng hiệu qủa các quy luật kinh tế thị trường nên“đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.”1 Đại diện cho sức sản xuất mới của xã hội lúc bấy giờ, giai cấp tư sản đã xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, cùng những thiết chế thượng tầng tương ứng đã trở nên lạc hậu, chật hẹp, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất đang phát triển mạnh mẽ. Thay vào đó là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cùng với kiểu quan hệ sản xuất phù hợp và thiết chế thượng tầng tương ứng đã đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn, hiện đại hơn. Ngay trong điều kiện bùng nổ khoa học công nghệ và kinh tế số như hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn còn khả năng điều chỉnh để khắc phục những khuyết tật và bất cập ngày càng lộ rõ. Việc nhanh chóng ứng dụng rộng rãi các thành tựu của khoa học công nghệ vào nền sản xuất nhằm tăng năng xuất lao động, cùng những biện pháp điều chỉnh quan hệ sản xuất và những giải pháp xoa dịu nguy cơ xung đột xã hội, đã giúp chủ nghĩa tư bản vẫn duy trì tiềm năng phát triển nhất định.  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những điều chỉnh trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản đã không giải quyết được những mâu thuẫn vốn tồn tại trong lòng của nó. Vẫn còn đó tình trạng bần cùng người lao động; phân hoá giàu nghèo; chiến tranhv.v.. nay còn diễn biến trầm trọng hơn, xuất hiện những thách thức an ninh phi truyền thống, phi quân sự đe doạ phá huỷ lực lượng sản xuất xã hội; sự an toàn của mỗi con người, mỗi quốc gia và cộng đồng dân tộc. Nguyên nhân của tình trạng này đã được Mác chỉ ra là từ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, là từ mục đích bóc lột giá trị thặng dư của của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, con người không thể có hạnh phúc thực sự, xã hội không thể có bình đẳng trong chế độ tư bản. Mác còn luận giải rất lo gic và khoa học rằng chủ nghĩa tư bản càng phát triển, thì càng tạo lập ra các tiền đề để phủ định chính nó. Tính cách mạng của lực lượng sản xuất sẽ phá bỏ tất cả những quan hệ đã trở thành xiềng xích trói buộc chúng. C.Mác và Ph. Ăngghen phân tích: “Xã hội tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với chế độ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên … những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa, trái lại chúng đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng. 

C.Mác và Ph. Ăngghen (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Như vậy, trình độ phát triển ngày càng cao và tính xã hội hoá của lực lượng sản xuất; sự trưởng thành của giai cấp công nhân hiện đại; những mâu thuẫn đối kháng xã hội không thể điều hoà được là những lực cản sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Để giải quyết triệt để những vấn đề này, phải tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp công nhân – đại diện cho lực lượng sản xuất mới tiến hành. Thực tế đã chứng minh những dự đoán thiên tài trên của Mác.  

  Ngay trong lòng xã hội tư bản hiện nay, những lý thuyết phát triển mới đang dần hình thành và nhanh chóng trở thành xu thế phát triển của nhân loại như: phát triển bền vững, phát triển bao trùm, phát triển vì con người, kinh tế xanh v.v.. tất cả đều hướng tới mục tiêu xã hội cao nhất là vì con người, cho con người, giải phóng con người dần thoát khỏi mọi hình thức tha hoá và nô dịch.  

Học thuyết Mác và sự nghiệp cách mạng của Việt Nam hiện nay        

Những cống hiến vĩ đại của C. Mác được V.I. Lênin phát triển và vận dụng vào thực tế nước Nga đã làm nên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chấn động lịch sử. Loài Người bước vào kỷ nguyên mới: thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin đang tiếp tục xâm nhập vào đời sống xã hội đương đại, mở ra một tương lai sáng lạn cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa, việc giải quyết những khủng hoảng kinh tế – xã hội vẫn phải áp dụng những biện pháp của chủ nghĩa xã hội mà C. Mác chỉ ra. Rõ ràng là chủ nghĩa tư bản hiện đại không thể thiếu Mác.   

 Ở Việt Nam, lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo đã soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, dành tự do, độc lập cho tổ quốc và nhân dân. Đường lối xây dựng và phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được hoạch định trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nguyên tắc cao nhất. Trên cơ sở vận dụng phép biện chứng duy vật; những tri thức, quy luật cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế –  xã hội, những vấn đề về xây dựng đảng cầm quyền v.v.., để khai phá con đường riêng, thiết kế mô hình chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam. Hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam không giống với mảnh đất hiện thực ở phương Tây – nơi sản sinh ra học thuyết Mác. Dẫu vậy, sự vận động và phát triển của đất nước ta vẫn không trật khỏi quy luật vận động và phát triển chung của lịch sử nhân loại do Mác đã chỉ ra. Vì vậy, việc phát huy di sản lý luận của Mác, của chủ nghĩa Mác – Lênin vào sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay, phụ thuộc rất lớn vào trình độ nhận thức lý luận và năng lực vận dụng sáng tạo di sản lý luận đó của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc chắn sẽ có những giải pháp mang tính quá độ, hoặc vượt trước; những mô hình, tổ chức kinh tế – xã hội chưa được Mác đề cập, nhưng phù hợp với điều kiện đất nước và xu thế phát triển của xã hội đương đại được áp dụng, cũng là điều dễ hiểu nhằm hiện thực hoá mục tiêu: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.   

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay đang được soi sáng bằng hệ tri thức lý luận của C. Mác, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần, vũ khí lý luận sắc bén của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do học thuyết ấy được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu khoa học trên nhiều lĩnh vực trong kho tàng tri thức nhân loại; là học thuyết hành động, giải thích thế giới trên tinh thần khách quan khoa học để phục vụ cho hoạt động cải tạo thế giới, vì mục đích nhân văn cao nhất là giải phóng con người, giải phóng xã hội.  

Trong sự nghiệp cao cả đó, những di sản lý luận của C. Mác mãi đồng hành cùng giai cấp công nhân, các đảng cộng sản và các lực lượng tiến bộ xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp của C. Mác sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta./.   

 TS. Vũ Thị Mai Oanh

Nhà Văn hóa – Khoa học,  Liên hiệp các Hội Khoa học  và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh