LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh

(LHH TP.HCM) – Báo cáo đề dẫn tại hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay”, ngày 29/11/2024 tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh của PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa

Trong tiến trình lịch sử hơn 300 năm tồn tại và phát triển, nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo dựng nền văn hóa giàu có, đa dạng, phong phú và đặc sắc. Trong đó, nổi bật là những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trong hội nhập quốc tế, dưới tác động của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và những vấn đề toàn cầu, cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại (nhất là cách mạng công nghiệp 4.0), văn hóa nói chung và những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đã và đang có những biến đổi quan trọng. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc yêu cầu không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mà điều quan trọng là phải giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống – cái làm nên sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững của đất nước.

  1. Tiếp cận văn hóa và giá trị văn hóa tinh thần truyền thống

Văn hóa, theo nghĩa chung nhất là toàn bộ giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra để đáp ứng nhu cầu tồn tại, phát triển của con người và xã hội. Văn hóa cũng là tiêu chí phân biệt xã hội với tự nhiên, hoạt động của con người với hoạt động của các loài sinh vật. Nói cách khác, văn hóa là giá trị, thể hiện bản chất người, mang tính tích cực, sáng tạo, nhân văn.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến văn hóa. Bởi vì, văn hóa không chỉ là “sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1], mà điều quan trọng là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Kế thừa những giá trị tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc và thực hiện chỉ dẫn của Bác Hồ, trong thời kỳ đổi mới Đảng ta đã khẳng định rằng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội” và “mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”[2]; rằng, cần tập trung nghiên cứu và triển khai “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại”[3].

– Giá trị văn hóa tinh thần truyền thống là những giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc, mang tính bền vững và trường tồn trong lịch sử, mà nhờ đó mỗi thế hệ mới ra đời có thể phát huy được giá trị quá khứ, tiếp thu được giá trị hiện đại và định hướng được giá trị tương lai để tồn tại và phát triển.

Cần lưu ý rằng, khi nói giá trị văn hóa tinh thần truyền thống là những giá trị tinh thần cốt lõi, mang tính bền vững và trường tồn, thì điều đó không có nghĩa nó là cái “bất biến” và “tuyệt đối” và “bảo thủ”. Trái lại, nó vừa là “trụ cột” trong nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là “bộ lọc” tinh nhạy để loại trừ yếu tố tiêu cực, lỗi thời; đồng thời, chắt lọc, tiếp thu những giá trị mới, góp phần nâng cao sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam có nhiều cuộc giao lưu, tiếp biến và “đụng độ” với văn hóa Đông – Tây, nhưng chúng ta không chỉ giữ gìn và phát huy được giá trị tinh thần truyền thống, mà còn biết làm giàu thêm hệ giá trị của mình. Cụ thể là: Ông cha ta đã hấp thụ tư tưởng “từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha” của Phật giáo để nuôi dưỡng lòng nhân ái, song không chấp nhận sự “nhẫn nhục” và “trì giới”; đã tiếp thu quan niệm “nhân, trí, dũng” của Nho giáo để “trừ yêu, diệt bạo, yên dân” và góp phần giáo dục đạo đức, chứ không tuân theo “tam cương, ngũ thường”, “tam tòng, tứ đức” một cách mù quáng; học triết lý sống “hòa đồng với vạn vật” của Đạo giáo để nuôi dưỡng cảnh quan môi trường và hình thành phong cách sống “ung dung, tự tại”, chứ không chấp nhận thái độ “vô vi, vô sự” và lối sống thụ động, lánh đời; tiếp thu tinh thần “dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái” của văn hóa thế kỷ ánh sáng phương Tây để tăng thêm nội lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chứ nhất định không theo lối sống thực dụng tầm thường và chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị kỷ[4].

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo và cùng trao đổi các vấn đề để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
  1. Khái quát giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 300 năm lịch sử, nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo dựng một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Trong đó, nổi bật những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc:

– Thứ nhất, tinh thần yêu nước.

Tinh thần yêu nước của nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật ở công cuộc “khai hoang mở cõi”, đấu tranh chống giặc ngoại xâm (chống giặc Xiêm ở thế kỉ XVIII, chống giặc Pháp ở thế kỷ XIX – XX và chống giặc Mỹ ở thế kỷ XX) và trong công cuộc “đổi mới, hội nhập quốc tế” ngày nay.

– Thứ hai, tính năng động sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”.

Đức tính năng động, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” của nhân dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước ta có chiến tranh, mà còn bộc lộ sâu sắc và quyết đoán trong điều kiện hòa bình xây dựng; nhất là trong thập niên 80 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế của đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng…. Trong điều kiện đó, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, kiên quyết xóa bỏ những rào cản lỗi thời, tạo ra những tiền đề và nhân tố quan trọng, góp phần cùng cả nước xây dựng và thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong những năm đổi mới, với sức sáng tạo của mình, Thành phố đã “cùng cả nước và vì cả nước” phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế và đang tiếp cận đến mục tiêu “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

– Thứ ba, tinh thần “nghĩa cử, nghĩa hiệp”, tâm hồn quảng giao nhân ái và lối sống “nhân văn, nghĩa tình”.

Những phẩm chất và lối sống nói trên của nhân dân Thành phố bắt nguồn từ thực tiễn, có sức hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ, luôn được lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ. Và ngày nay, chúng thể hiện sâu sắc trong các phong trào cách mạng: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Giúp đỡ đồng bào bị thiên tai”, “Vì Trường Sa thân yêu”…vv…vv… Và còn rất nhiều những phẩm chất tích cực, tốt đẹp khác.

  1. Vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Trong những năm đổi mới vừa qua, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó có vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo nhân dân Thành phố rất quan tâm và đã thu được những kết quả tích cực… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa (với những giải pháp tích cực hơn nữa) để không chỉ giữ gìn, mà còn phát huy cao độ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Thành phố mang tên Bác.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức xã hội (nhất là nhận thức của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy, chính quyền) về văn hóa (đặc biệt là về vai trò, ý nghĩa của giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đối với sự phát triển bền vững của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội); về trách nhiệm của các gia đình, các cơ quan, các tổ chức xã hội và công dân trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trị tinh thần truyền thống.

Thứ hai, nghiên cứu, chắt lọc và đưa các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống vào giáo dục học đường, vào các chuẩn mực và quy tắc ứng xử văn hóa trong hệ thống chính trị và trong tất cả các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và quần chúng.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, lồng ghép và kết hợp hài hòa giá trị văn hóa tinh thần truyền thống với giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và tình hoa văn hóa hiện đại.

Thứ tư, tập trung các nguồn lực (vật chất, tinh thần, cơ chế, chính sách, tài chính…) để xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và đào tạo hội nhập đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp nghiệp làm công tác văn hóa.

– Thứ năm, phát triển công nghiệp văn hóa và sử dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) như một trong những phương thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc trong xã hội hiện đại.

Như vậy, Hội thảo “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” góp phần làm sáng tỏ hơn lý luận văn hóa và những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, đề xuất những giải pháp hữu ích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3
  4. Văn hóa và phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988

—————

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.431

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.110-111

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.141

[4] Xem: Văn hóa và phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.31