LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CÁC MÁC VÀ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Ngày 5 tháng 5 năm 2023, loài người tiến bộ cùng với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế long trọng kỷ niệm 205 năm ngày sinh Các Mác – Nhà bác học lỗi lạc, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận cách mạng kiệt xuất, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Thời đại là phạm trù khoa học dùng để chỉ một thời kỳ lịch sử phát triển lâu dài của nhân loại với những nội dung, đặc điểm và xu hướng phát triển riêng biệt (không lặp lại), bao quát tất cả các lĩnh vực xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Các Mác (1818 – 1883). Ảnh: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/home/index

Trong những thập niên đầu thế kỷ XIX, C. Mác (cùng với Ph. Ăngghen) đã sáng tạo ra chủ nghĩa Mác (bao gồm: Triết học mácxít, kinh tế chính trị học mácxít và chủ nghĩa xã hội khoa học) – Một học thuyết khoa học cách mạng, nhân văn, trở thành tiền đề lý luận cho sự ra đời của thời đại mới. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào nước Nga, thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, tạo ra nền tảng thực tiễn để không chỉ đưa chủ nghĩa Mác từ lý luận khoa học trở thành hiện thực, mà còn mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển nhân loại – Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới (và cũng từ đó, chủ nghĩa Mác được V.I. Lênin phát triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin).

  1. Những biến đổi to lớn và những đặc điểm quan trọng của thời đại.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay, sự phát triển đi lên của nhân loại có những bước thăng trầm và biến đổi to lớn.

Thứ nhất, thắng lợi to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô gắn với thành tựu của công nghiệp hóa (1927 – 1937) đã đưa Liên xô trở thành nước xã hội chủ nghĩa có nền công nghiệp hiện đại. Trong khi đó, cuộc đại khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản (1929 – 1933) đã làm cho nhiều nước tư bản “phá sản” và làm xuất hiện chủ nghĩa phát xít ở Đức, Ý, Nhật.

Thứ hai, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) do chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật thực hiện nhằm tiêu diệt Liên xô và nhiều nước khác đã bị Liên xô (đứng đầu phe đồng minh) đánh tan, cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sự giúp đỡ của Liên xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời (gồm 13 nước) do Liên xô đứng đầu đối trọng với hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu.

Trong giai đoạn này, trên thế giới luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản, giữa con đường phát triển xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển tư bản chủ nghĩa. Trong đó, hệ thống xã hội chủ nghĩa luôn là thành trì của cách mạng thế giới và tiến bộ xã hội, thể hiện sức mạnh chính nghĩa và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, vào thập niên 80 của thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, tiến hành cải tổ và dẫn đến tan vỡ; trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam thực hiện cải cách, đổi mới thành công và hiện đang kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa. Mặc dù “mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết” thất bại và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan vỡ; song chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý luận khoa học (do C. Mác và Ph. Ăngghen kiến tạo) với lý tưởng và bản chất tốt đẹp của nó vẫn tòn tại và phát triển; chủ nghĩa xã hội hiện thực với các mô hình mới đang nảy sinh, phát triển ở Trung Quốc và Việt Nam có sức hấp dẫn với nhiều nước; và, phong trào xã hội chủ nghĩa gắn với tiến bộ xã hội vẫn đang là xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử. Nhận định về thời đại ngày nay, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vộng và thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[1].

Thứ tư, chủ nghĩa tư bản sau hơn 300 năm tồn tại đã ngày càng bộc lộ rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất bóc lột và phản động. Tuy nhiên, với việc tận dụng tối đa những thành tựu khoa học – công nghệ, với lợi thế về vốn và bề dày kinh nghiệm, cùng với việc đổi mới và điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – giáo dục… nên chủ nghĩa tư bản đã vượt qua được các cuộc khủng hoảng và tiếp tục có những bước phát triển mới. Điều đó tạo ra sự ngộ nhận rằng, “chủ nghĩa xã hội thất bại”, “chủ nghĩa tư bản thành công và là tương lai nhân loại”. Trên thực tế và về thực chất, chủ nghĩa tư bản càng phát triển càng làm cho những mâu thuẫn và khuyết tật vốn có trong lòng nó thêm trầm trọng, mà trong khuôn khổ tư bản chủ nghĩa cùng với tầm hạn chế của hệ tư tưởng tư sản thì không thể giải quyết được. Do vậy, theo tính tất yếu lịch sử, sớm hay muộn chủ nghĩa tư bản phải thực hiện bước phủ định biện chứng để nhường chỗ cho một xã hội mới ở trình độ cao hơn.

Thứ năm, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại không chỉ giữ vai trò trọng yếu của nền sản xuất và làm biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội, mà còn tác động làm trầm trọng thêm những vấn đề toàn cầu của nhân loại (khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, thất học làm gia tăng nghèo đói; sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu; bệnh dịch và các tiêu cực, tệ nạn xã hội; xung đột lợi ích giữa các quốc gia dân tộc, chiến tranh triền miên, chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ chiến tranh hạt nhân…).

Vận dụng thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật của Các Mác vào xem xét những biến đổi to lớn nói trên, có thể khái quát một số đặc điểm quan trọng của thời đại, được thể hiện trong giai đoạn hiện nay như sau:

Một là, trên thế giới đã và đang có sự tồn tại, cùng chung sống và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc có các chế độ chính trị – xã hội khác nhau với trình độ phát triển không giống nhau. Trong đó, tồn tại những mâu thuẫn và diễn ra quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, giữa các nước giàu và các nước nghèo; giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (giữa con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và con đưởng phát triển xã hội chủ nghĩa, giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng vô sản…); giữa các quốc gia, dân tộc có lợi ích khác nhau; và đặc biệt là, cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân loại tiến bộ chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Hai là, kinh tế thị trường, cách mạng khoa học – công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, lôi cuốn tất cả các nước tham gia. Trong đó, diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các cường quốc khu vực và toàn cầu, giữa xu hướng phát triển đơn cực và đa cực… Điều đó, làm xuất hiện những điều kiện và nhân tố phức tạp, bất ổn, khó lường…

Ba là, vì sự tồn tại, phát triển của các quốc gia, dân tộc và loài người tiến bộ, trên thế giới đã và đang diễn ra xu thế hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc có chế độ chính trị – xã hội và trình độ phát triển khác nhau. Đa số các nước trên thế giới cùng hợp sức, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu vì tiến bộ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[2].

  1. Chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay

Một thời đại lịch sử thường có nhiều học thuyết xã hội, song có một học thuyết nổi bật trở thành chủ thuyết phát triển của thời đại. Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin phát triển trong cuộc đấu tranh với các học thuyết đối lập và trở thành chủ thuyết phát triển của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Gần hai thế kỷ qua, chủ nghĩa Mác – Lênin đã thể hiện sức sống mạnh liệt và ưu thế vượt trội với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn trong đời sống xã hội loài người. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trên thế giới có nhiều học thuyết xã hội như: “Chủ nghĩa tự do mới”, “Thuyết Hội tụ”, “Xã hội hậu công nghiệp”, “Chủ nghĩa hậu hiện đại”… Nhưng, tất cả chúng (mặc dù có một giá trị nhất định) đều không thể trở thành chủ thuyết phát triển của thời đại. Bỏi vì, chúng không phản ánh quy luật phát triển khách quan của loài người, không thể hiện và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích, khát vọng của nhân dân lao động với tư cách là lực lượng sản xuất hàng đầu của nhân loại.

– Triết học Mác – Lênin (gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử) được C. Mác và Ph. Ăngghen xây dựng và V.I. Lênin phát triển trên cơ sở những thành tựu cao nhất của tư tưởng nhân loại, của khoa học tự nhiên hiện đại và của kinh nghiệm thực tiễn loài người, cho đến nay không chỉ giữ nguyên giá trị với tư cách là thế giới quan, phương pháp luận khoa học duy vật biện chứng, mà còn trở thành vũ khí sắc bén cải tạo thế giới và động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội.

– Kinh tế chính trị học Mác – Lênin là kết tinh những thành tựu của kinh tế chính trị học nhân loại, được C. Mác, Ph. Ănghen và V.I. Lênin xây dựng, phát triển lên đỉnh cao với hệ thống các phạm trù và quy luật (thị trường, hàng hóa, hàng hóa sức lao động, giá cả, giá trị, cung cầu, cạnh tranh, giá trị thặng dư, lợi nhuận tối đa…) không chỉ khẳng định mục đích và bản chất đích thực của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư và theo đuổi lợi nhuận tối đa, mà còn vạch ra con đường, cách thức và phương pháp “tự phủ định” của chủ nghĩa tư bản để chuyển sang hình thái kinh tế – xã hội cao hơn.

– Chủ nghĩa xã hội khoa học là một học thuyết khoa học về hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa (ra đời sau và ở trình độ cao hơn hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa) được C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin xây dựng dựa trên những thành tựu cao nhất của triết học, kinh tế chính trị học, lý luận xã hội chủ nghĩa và khoa học xã hội – nhân văn hiện đại cùng những tinh hoa của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội khoa học là học thuyết khoa học, vừa là xu thế phát triển của thời đại, vừa là mục tiêu, lý tưởng của các Đảng cộng sản và giai cấp công nhân; đồng thời trở thành động lực thúc đẩy phong trào xã hội chủ nghĩa phát triển để biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học trở thành hiện thực.

Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và các nước Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể về chủ nghĩa xã hội (mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết), chứ tuyệt nhiên không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội khoa học, càng không phải là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa với tư cách là hình thái kinh tế – xã hội thay thế cho hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế và về thực chất, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn đang là kim chỉ nam cho hoạt động của nhân loại tiến bộ; chủ nghĩa xã hội hiện thực vừa mới ra đời với mô hình “chủ nghĩa xã hội Xô viết”, còn đang trong quá trình thử nghiệm nên khó tránh khỏi đổ vỡ. Hiện nay chủ nghĩa xã hội hiện thực với những mô hình mới đang phát triển trong công cuộc cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam.

  1. Các Mác và chủ nghĩa Mác – Lênin trong sự nghiêọ đổi mới ở Việt Nam

Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn và phức tạp (nền kinh tế tiểu nông bị chiến tranh tàn phá rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng, Mỹ bao vây cấm vận, trong khi đó, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan vỡ… làm cho lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và chế độ bị suy giảm). Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật (nhất là lý luận hình thái kinh tế – xã hội của C. Mác, chính sách kinh tế mới của V.I. Lênin và tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh) vào thực tiễn cách mạng và đưa ra quyết sách chiến lược: Đổi mới toàn diện đất nước trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” và “tuân theo quy luật khách quan”.

Từ quyết sách đổi mới toàn diện, Đảng ta chỉ ra “trước hết là đổi mới tư duy”; và trong đó, đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội là khâu đột phá. Bởi lẽ, “nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa…”[3]. Và, bởi lẽ, nếu “không có sự đổi mới đó” thì không có sự đổi mới khác…”[4].

Nếu đổi mới tư duy lý luận là khâu đột phá, thì đổi mới tư duy kinh tế và hiện thực kinh tế là trọng tâm của sự nghiệp đổi mới. Từ tư duy kinh tế mới, chúng ta đoạn tuyệt với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp để chuyển hẳn sang kinh tế thị trường định hường xã hội chủ nghĩa – đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa… có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”[5].

Trên cơ sở đổi mới đời sống kinh tế, tất yếu phải đi tới đổi mới đời sống chính trị và đời sống văn hóa của đất nước. Trong đó, vấn đề quan trọng là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sau vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển…”[6].

Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh định hướng đổi mới và phát triển đất nước một cách toàn diện, đồng bộ. Trong đó, nhấn mạnh: “phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[7].

PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM

————————————

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 60, tr. 163.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,  tr. 47.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.71.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.25.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75-76.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 17.