LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn – “người thầy của những người thầy” qua đời

(Khoa Hóa – ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM) – GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Giảng viên khoa Hóa học qua đời vào rạng sáng ngày 11/8/2024 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM, thượng thọ 89 tuổi.

GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn sinh ngày 10/4/1936, nguyên quán: Hưng Yên, là Chủ tịch Hội Hóa học Thành phố Hồ Chí Minh và giữ nhiều chức vụ trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật. GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà khoa học, nhà giáo danh tiếng tại Việt Nam, người thầy có nhiều sáng kiến, đóng góp cho khoa học kỹ thuật và cho sự phát triển của TP.HCM.

Thầy là “người thầy của những người thầy” đối với thế hệ sinh viên đang học tập tại khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG – HCM. Thầy đã hướng dẫn bao lớp sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong suốt bề dày lịch sử 70 năm của Khoa.

Sinh thời, thầy đã từng nói: “Khi khoa học trở thành niềm đam mê thì công việc trong phòng thí nghiệm trở thành niềm hạnh phúc hơn là nỗi vất vả. Tôi xem phòng thí nghiệm là nhà, đồng nghiệp là người thân nên việc đến đây mỗi ngày là niềm vui.” Tâm nguyện của GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn là luôn cố gắng gắn chặt nghiên cứu khoa học với phục vụ đất nước, góp sức đào tạo nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, vững về đạo đức của người làm khoa học, đồng thời, nâng cao nghiên cứu khoa học của nước nhà ngang tầm quốc tế.

Trong sự nghiệp, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã công bố hơn 200 báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, có 5 công trình được đưa vào sản xuất. Sau năm 1975, các giáo trình sau đây của Thầy đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia in thành sách:

– Cơ sở lý thuyết Hóa Đại cương (Cấu tạo chất), 2000

– Cơ sở lý thuyết Hóa Đại cương (Các quá trình hóa học), 2000

– Nhiệt động hóa học cơ bản, Tập 1, năm 2001 và tái bản năm 2006

– Nhiệt động hóa học cơ bản, Tập 2, năm 2001 và tái bản năm 2006

Sinh viên đang học tập khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG – HCM cho biết, các bạn vẫn tiếp tục sử dụng sách – giáo trình của thầy để đọc và nghiên cứu.

Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học, GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn đã đóng góp cho sự phát triển của khoa Hóa học nói riêng và nền Hóa học Việt Nam nói chung. Thầy luôn nghiên cứu những vấn đề thực tiễn như: tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục nước tương bị nhiễm 3-MCPD, giải quyết nước cấp bị nhiễm đục, nghiên cứu và chiết xuất tinh dầu lá trầu, kháng virus EV.71 gây bệnh Tay – Chân – Miệng,…Những đóng góp to lớn này đã nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Với nhiều đóng góp to lớn, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy chương về sự nghiệp giáo dục, Huân chương vì sự nghiệp khoa học và kỹ thuật, Huy chương về thế hệ trẻ…

Tiểu sử, quá trình công tác của GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn

– Năm 1954: Theo học tại Khoa học Đại học đường Sài Gòn.

– Năm 1955: Sau khi thi đỗ chứng chỉ lý hóa sinh PCB (Physique, Chimie, Biologie) và chứng chỉ khoa học lý hóa và tự nhiên SPCN (Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles). Làm nghiệm chế viên tại phòng Hóa học, Khoa học Đại học đường Sài Gòn (làm công việc lau rửa chai lọ thí nghiệm, vệ sinh các cân phân tích, bàn thí nghiệm, chuẩn bị và làm một số thí nghiệm hóa học minh họa trong khi giáo sư đứng trên bục giảng dạy lý thuyết).

– Năm 1957: Đỗ cử nhân Lý Hóa. Làm Giảng nghiệm viên tại phòng Hóa học, trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

– Năm 1958: Đỗ cử nhân Toán.

– Năm 1959: Bảo vệ thành công luận văn cao học tại Khoa học Đại học đường Sài Gòn (PGS. TS. Nguyễn Thanh Khuyến là Giảng viên hướng dẫn).

– Năm 1962: Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Hóa lý Hữu cơ tại Đại học Delaware, Mỹ.

– Năm 1962: Giảng dạy tại Khoa học Đại học đường Sài Gòn.

– Năm 1964 – 1969: Chủ nhiệm Ban Hóa học

– Năm 1969: Ban Hóa học được tách thành 3 ban: Ban Hóa học Hữu cơ; Hóa lý và Hóa lý Hữu cơ; Hóa Vô cơ và Ứng dụng. Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn làm Chủ nhiệm Ban Hóa lý và Hóa lý Hữu cơ tới năm 1975.

– Năm 1977: Thành lập Khoa Hóa học trực thuộc Trường Đại học tổng hợp TP.HCM với 3 Bộ môn: BM Hóa Hữu cơ; BM Hóa lý; BM Hóa Vô cơ và Phân tích. Thầy tiếp tục giảng dạy tại Khoa Hóa học.

– Năm 1980: Được Nhà nước phong học hàm Giáo sư.

– Năm 1986 – 2002: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh các khóa I, II, III.

– Năm 1987 – 2002: Đại biểu Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, IX, X. Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

– Năm 1987 – 2002: Giám đốc Trung tâm dịch vụ Phân tích Thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 2002-2007, Thầy làm cố vấn Khoa học cho Trung tâm.

– Năm 1988 – 2024: Thành viên của Hội đồng Tư vấn về Khoa học – Kỹ thuật – Môi trường của Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh; Phó chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phân tích Lý – Hóa – Sinh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM, Chủ tịch Hội Hóa học TP. HCM.

– Năm 1989 – 2024: Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiệm kỳ IV đến nhiệm kỳ XI.

– Năm 2002 – 2018: Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh các khóa IV, V, VI.

– Năm 2004 – 2016: Cố vấn khoa học Công ty CP Dịch vụ Khoa học Công Nghệ Sắc Ký Hải Đăng (sau này là Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng).

– Năm 2019 – 2024: Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh các khóa IV, V, VI.

Một cây đại thụ của khoa Hóa học ra đi, đây là một sự mất mát to lớn, để lại niềm tiếc thương cho người, nhưng những giá trị mà thầy để lại vẫn còn mãi trong lòng bao thế hệ học trò. GS.TS.Chu Phạm Ngọc Sơn là một người thầy không chỉ dạy về Hóa học mà còn truyền cảm hứng, niềm đam mê, tính trung thực và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Thầy đã ra đi nhưng chia sẻ của Thầy sẽ vẫn còn mãi nguyên giá trị: “Điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi, và nếu được phép thì gửi đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam, chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ sau đây: trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước”.

Nguồn: Khoa hoá học – ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM

Xem bài viết gốc tại đây