Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt “đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Khi đi xa, Người đã để lại cho dân tộc và nhân loại toàn bộ Di sản tinh thần vô giá, mà trong đó tỏa sáng hương sắc của chủ nghĩa nhân văn cao cả – tất cả vì con người và giải phóng con người.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh những giá trị văn hóa Đông – Tây với tinh hoa văn hóa Việt Nam; mà nội dung cốt lõi của nó không chỉ là tình thương yêu con người, sống nhân ái khoan dung, mà còn là: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Mục tiêu của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ra khỏi mọi áp bức, bất công để đạt tới “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Sinh thời, Người đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở vùng quê có truyền thống yêu nước và hiếu học, được nuôi dưỡng bởi một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, có nền văn hiến lâu đời và khát vọng hòa bình, độc lập tự do, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu những yếu tố tích cực trong tư tưởng “Nhân – Trí – Dũng” của Nho giáo để “trừ yêu, diệt bạo, yên dân” và góp phần giáo dục đạo đức nhân văn; Người áp dụng triết lý sống “hòa đồng với vạn vật” của Đạo giáo để bảo vệ, nuôi dưỡng cảnh quan môi trường, sinh thái. Hồ Chí Minh cũng sớm thấu hiểu triết lý “từ bi hỷ xả”, “vô ngã vị tha” của Phật giáo và ước mơ cứu giúp chúng sinh của Chúa Giêsu; song với Người, những điều đó chỉ thực sự có ích khi chúng được sử dụng để góp phần giải phóng con người ra khỏi mọi kiếp đời nô lệ. Suốt 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh hiểu rõ giá trị đích thực của văn hóa phương Tây với những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và luôn sử dụng chúng để đấu tranh cho quyền sống, quyền bình đẳng, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ; song Người cũng sớm nhận ra những hạn chế, khiếm khuyết của quyền con người trong chủ nghĩa tư bản và chỉ rõ rằng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc….”.
Như vậy, từ những giá trị nhân văn trong nền văn hóa Đông – Tây và Việt Nam, với trí tuệ uyên bác và lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân sâu sắc, Hồ Chí Minh đã tiếp thu những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin không theo lối “tầm chương trích cú”, mà bằng cách chắt lọc, chưng cất những tinh hoa nhất trong thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật cùng nhân sinh quan khoa học để sáng tạo ra hệ giá trị nhân văn cách mạng – tất cả vì con người và giải phóng con người.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, con người không thể mưu cầu hạnh phúc bằng cách “thụ động, lánh đời”, hay “há miệng chờ sung”, hoặc ngồi trong tháp ngà tưởng tưởng về cuộc sống thần tiên; mà phải bắt tay vào hành động “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; rằng, chỉ bằng hành động thực tiễn cách mạng, con người mới cải tạo được thế giới, đồng thời cải tạo chính mình, và do đó, mới xây dựng được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.
Biến tư tưởng nhân văn thành hành động cách mạng, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước và tổ chức cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Người đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Và ngay trong kế hoạch kiến quốc đầu tiên của nước nhà, Người đã giao 4 nhiệm vụ cấp bách cho Chính phủ thực hiện: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Đồng thời, Người yêu cầu tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước và tất cả đảng viên, cán bộ phải thực hiện nguyên tắc: Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là hiện thân của khát vọng hòa bình và tinh thần hòa hiếu Việt Nam, khi Người đã tận dụng tối đa mọi điều kiện và cơ hội, làm hết sức mình (kể cả những bước “nhân nhượng”) để tránh cuộc chiến tranh cho hai dân tộc Việt – Pháp; nhưng khi kẻ thù ngoan cố, buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, thì chúng ta quyết không sợ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Với sức mạnh đó, Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước vững bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.
Điều đặc biệt và nổi bật trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là tư tưởng và hành vi tất cả vì con người, vì dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Ngay khi đất nước có chiến tranh, Người kiên quyết thực hiện quyết sách “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” để bồi dưỡng sức dân, tăng cường năng lực nội sinh của dân tộc. Trong quan hệ quốc tế, Người phân biệt rõ, nhân loại tiến bộ với bọn thực dân đế quốc; nhân dân tiến bộ Mỹ là bạn của nhân dân Việt Nam, còn những thế lực hiếu chiến Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta. Vì vậy, mặc dù có chiến tranh nhưng Người vẫn thường gửi thư thăm hỏi và chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp năm mới: “Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại đang tiếp tục truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Linh Côn đấu tranh cho độc lập và dân chủ”. Đồng thời, Người thông cảm sâu sắc với những mất mát mà các gia đình Mỹ phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh do chính quyền Mỹ gây ra ở Việt Nam và yêu cầu Tổng thống Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước để lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Như vậy, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động của hòa bình, nhân đạo, tự do, dân chủ, nhân ái, khoan dung và văn minh, tiến bộ dành cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Vì vậy, khi “nước mất, nhà tan”, Người đã chấp nhận cuộc sống xa quê hương, đất nước với muôn vàn gian khổ hiểm nguy, đi khắp năm châu bốn biển để tìm con đường đi cho cả dân tộc. Và, suốt cả cuôc đời, Người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho nhân loại tiến bộ và đồng chí, đồng bào. Khi ra đi, Người đã không quên, căn dặn Đảng ta phải chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đep hơn”.
Đặc biệt là, Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Đúng như Phạm Văn Đồng đã viết: “Bác Hồ là “muôn vàn tình thương yêu”, đối với đồng chí, đông bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai, và sắp xếp cho mỗi người vị trí chiến đấu cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt”.
Dành cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và nhân loại tiến bộ; dành cả sự nghiệp để mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người; song Hồ Chí Minh không dành riêng cho mình bất cứ điều gì (dù là nhỏ nhất). Trước khi đi xa, Người còn căn dặn “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Thế giới đã, đang và sẽ có nhiều biến đổi, song Di sản tinh thần vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh với triết lý nhân sinh tất cả vì con người và giải phóng con người sẽ mãi trường tồn và tỏa sáng con đường cách mạng Việt Nam và trong lòng nhân dân thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa
(Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)