LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 – TẦM VÓC THỜI ĐẠI, GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Năm 1911, Bác Hồ quyết chí ra đi tìm đường cứu nước để “Đuổi thực dân, giải phóng đồng bào”. Đến năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Bác Hồ, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng “long trời lở đất”, đập tan chế độ thực dân nửa phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa Việt Nam vào hàng các nước dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh: Tạp chí Dân Vận (danvan.vn)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Nó không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc (đánh thắng chủ nghĩa đế quốc Pháp, kết thúc chế độ thuộc địa hơn 80 năm của thực dân Pháp và chế độ áp bức bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật, giành độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân), mà còn thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân (xóa bỏ chế độ phong kiến hàng ngàn năm, đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân).

Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang tầm vóc thời đại, giá trị và ý nghĩa lịch sử thế giới. Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Tầm vóc thời đại, giá trị và ý nghĩa lịch sử thế giới của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rất phong phú và sâu sắc, thể hiện tập trung ở những điểm chủ yếu sau:

– Thứ nhất, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân là từ thân phận nô lệ đã lên địa vị là chủ và trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng cộng sản Việt Nam tuy còn rất trẻ (mới 15 tuổi) với 5.000 đảng viên đã trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước.

– Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ góp phần vào thắng lợi to lớn của Liên Xô và phe đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, đồng thời khích lệ, cổ vũ phong trào cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc ở “chính quốc”, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự thắng lợi của sự vận dụng tài tình, sáng tạo lý luận cách mạng mácxít vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng độc lập, tự do và đường lối, phương pháp giải phóng dân tộc đúng đắn, linh hoạt của Bác Hồ. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua Đảng tiên phong của mình hoàn toàn có thể giành thắng lợi ở một nước thuộc địa (trước cuộc cách mạng ở “chính quốc”); và sau đó, nó ủng hộ tích cực cuộc cách mạng ở “chính quốc”. Đó là biện chứng của lịch sử, của cách mạng trong thời đại mới.

– Thứ ba, cách mạng là sự nghiệp và ngày hội của quần chúng, nguyên lý mácxít đó luôn tươi mới trong Cách mạng Tháng Tám ở nước ta. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của lòng dân, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của Đảng và Bác Hồ (đường lối phản ánh đúng quy luật phát triển khách quan của cách mạng, đáp ứng được nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng của quần chúng lao động; đồng thời phù hợp với trình độ của dân chúng và điều kiện của thực tiễn, cho phép phát huy tốt nhất điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng). Đồng thời, đó còn là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, quả cảm của Đảng ta và Bác Hồ (khoa học và nghệ thuật dự báo, thúc đẩy và nắm bắt thời cơ cách mạng để phát động Tổng khởi nghĩa đúng lúc, phát huy sức mạnh của cách mạng lên đỉnh cao nhất… Do đó tạo ra thắng lợi to lớn và trọn vẹn!).

Ngày nay, tinh thần cách mạng, khoa học, nhân văn cùng những bài học của Cách mạng Tháng Tám (xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đường lối, chính sách đúng đắn; tập hợp, đoàn kết và giáo dục quần chúng; lãnh đạo sáng suốt, tài tình; nắm bắt đúng thời cơ…) vẫn luôn mang giá trị và luôn tươi mới, sinh động trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

PGS.TS. NGUYỄN THẾ NGHĨA

(Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM)