LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VĨ ĐẠI

Cách mạng Tháng Tám với Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã đi vào lịch sử nước ta như một trường ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nó khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
(hcmusta.org.vn) Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng ở thế kỷ XX. Nó không chỉ mở đầu cho sự tan rã của hệ thống chủ nghĩa thực dân, mà còn mở ra kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giá trị trường tồn và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám không những khẳng định chân lý của học thuyết mácxít về cách mạng xã hội, mà còn phát triển sáng tạo phép biện chứng duy vật trong tiến trình cách mạng, đổi mới và phát triển trong thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới được bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga.
75 năm đã đi qua kể từ Cách mạng Tháng Tám, tiến trình lịch sử nhân loại đã trải nghiệm những bước thăng trầm khác nhau. Chúng ta đã chứng kiến thắng lợi của các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước; sự lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới luôn là thành trì của hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; và tiếp theo là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu dẫn dến sự tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; trong khi đó có sự thành công quan trọng của sự nghiệp cải cách ở Trung Quốc và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.
Cách mạng là đầu tàu của lịch sử – luận điểm mácxít đó vẫn phát huy giá trị. Nó càng có ý nghĩa đối với “Các cuộc cách mạng mang tính chất lịch sử toàn cầu như cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên ở Mỹ, cuộc cách mạng Tư sản Pháp, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử thế giới” và cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà đại biểu nổi tiếng của Câu lạc bộ La Mã B. Snaider khẳng định rằng, thế kỷ XX đã được bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp, còn thế kỷ XXI được khởi đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra nền tảng vật chất, cơ sở pháp lý và động lực tinh thần to lớn thúc đẩy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp với “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ với “Đại thắng mùa xuân lịch sử” năm 1975. Sức mạnh to lớn, tinh thần bất diệt của cách mạng Tháng Tám tiếp tục góp phần quan trọng vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam hôm nay. Đáng tiếc là, sau sự tan vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, làn sóng phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, cách mạng Tháng Mười và các cuộc cách mạng khác lại rộ lên với những sắc thái khác nhau. Những kẻ chống cộng và những người “ăn theo”, những kẻ giả danh mácxít và những người mácxít thoái hóa biến chất đã ra sức tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin, vào cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội. Họ đòi khôi phục lại xã hội cũ và du nhập văn hóa phương Tây; họ ca tụng chủ nghĩa tư bản như là phương tiện “cứu cánh”, liều thuốc “trường sinh” trong ảo vọng…Thậm chí một số người còn cho rằng, họ đã hiểu được mọi sự giả dối của tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử ..v..v…Nên nhớ rằng, sinh thời các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã luận chứng một cách khoa học, tất yếu khách quan và đầy sức thuyết phục về cách mạng xã hội, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Hệ tư tưởng Đức và nhiều tác phẩm khác, C.Mác đã phân tích những điều kiện cần thiết cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và giành thắng lợi là: (1) Trình độ phát triển kinh tế cho phép đất nước có thể chuyển sang tăng thu nhập và phúc lợi (tình trạng nghèo nàn bình quân – không phải là chủ nghĩa xã hội); (2) Trình độ phát triển của giai cấp công nhân cho phép họ có thể tổ chức và quản lý được nền công nghiệp hiện đại; (3) Sự thắng lợi đồng thời của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến nhất…
Sống trong thời đại mới, V.I.Lênin đã phân tích một cách toàn diện và sâu sắc sự vận động của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và chỉ rõ rằng: “Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản….”; và “do đó phải đi đến kết luận tất yếu này: chủ nghĩa xã hội không thể đồng thời thắng lợi trong tất cả các nước. Trước hết, nó thắng lợi trong một nước, hoặc trong một số nước…” – nơi mà các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản được phát triển tập trung và gay gắt nhất; và do đó, nó trở thành “khâu yếu nhất” trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Thực tiễn đã xác nhận rằng, vào đầu thế kỷ XX, “khâu yếu nhất” đó là ở nước Nga – nơi thể hiện tập trung và gay gắt nhất các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời là nơi bộc lộ rõ nhất sự chín muồi của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, V.I.Lênin đã kiên quyết lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười.
Vào thập niên 40 của thế kỷ XX, “khâu yếu nhất” trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp là ở Việt Nam – nơi mà nhân dân sống trong cảnh “nước mất nhà tan”, nơi bộc lộ gay gắt nhất mâu thuẫn giữa chính quốc và thuộc địa, giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp, giữa nhân dân Việt Nam với bọn thực dân phong kiến (lũ cướp nước và lũ bán nước); đồng thời, cũng là nơi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, chống giặc ngoại xâm và tinh thần cách mạng cao nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nắm chắc tình thế cách mạng và thời cơ cách mạng, phát động Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám thành công trọn vẹn và triệt để.
Như vậy, cách mạng xã hội (nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam) không thể xuất hiện theo “đơn đặt hàng”, càng không phải là những hoạt động tự phát. Nó là hoạt động tự giác, có tổ chức của hàng triệu quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và tuân theo quy luật khách quan. Cách mạng xã hội bắt nguồn sâu xa từ kinh tế và diễn ra trực tiếp từ “Tình thế cách mạng”. V.I.Lênin đã chỉ ra ba đặc trưng của tình thế cách mạng: 1- Giai cấp thống trị không thể thống trị như cũ được nữa, nó lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng… Đồng thời, giai cấp bị thống trị cũng không thể sống như trước được nữa, ở họ đã xuất hiện khát vọng hiện thực đòi giải phóng… Nói cách khác, cả “tầng lớp trên” và “tầng lớp dưới” đều không thể sống như cũ được nữa; 2- Nỗi cùng khổ quẫn bách của giai cấp bị áp bức trở nên nặng nề hơn mức bình thường; 3- Do những nguyên nhân trên dẫn đến tính tích cực của quần chúng được nâng cao rõ rệt và họ sẵn sàng “dấn thân vào cách mạng” với “một hành động lịch sử độc lập”, “không có những thay đổi khách quan ấy – V.I.Lênin nhấn mạnh – những thay đổi không những không phụ thuộc vào ý chí của một tập đoàn này hay của một đảng kia; mà cũng không phụ thuộc vào ý chí của giai cấp này hay giai cấp khác; thì theo quy luật chung, cách mạng không thể nổ ra được. Toàn bộ những thay đổi khách quan ấy gọi là tình thế cách mạng”. Rõ ràng là, không có tình thế cách mạng thì cách mạng không thể nổ ra được. Song, không phải bất kỳ tình thế cách mạng nào cũng làm nổ ra cuộc cách mạng, mà cách mạng chỉ có thể nổ ra và giành thắng lợi trong trường hợp là “cùng với tất cả những thay đổi khách quan nói trên, lại còn thêm một thay đổi chủ quan, tức là: giai cấp cách mạng có khả năng phát động những hành động cách mạng có tinh thần quần chúng, khá mạnh mẽ để đập tan (hoặc lật đổ) chính phủ cũ là chính phủ ngay cả trong thời kỳ có những cuộc khủng hoảng, cũng sẽ không bao giờ “đổ” nếu không đẩy cho nó “ngã”.
Thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám đã chứng tỏ rằng, cùng với sự phát triển và chín muồi của tình thế cách mạng (điều kiện khách quan), thì sự tăng lên và chín muồi của nhân tố chủ quan giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của cách mạng. Đó chính là nghệ thuật nắm bắt, chớp thời cơ để phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay khi biết vua Nhật đầu hàng Liên Xô và phe đồng minh, Hồ Chí Minh đã phát lệnh tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám; và chỉ trong khoảng hai tuần lễ, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân đế quốc và phát xít, giành chính quyền trên toàn quốc, tạo nền tảng vật chất và tinh thần để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền và uy tín vượt trội của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ tạo ra nền tảng vật chất và tinh thần, mà còn là động lực to lớn thúc đẩy hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thời gian càng lùi xa, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám càng phát huy giá trị và đặc biệt là luôn tỏa sáng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta ngày nay.
Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội