LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri là nhà khoa học

(Tin tức TTXVN – TPHCM) Chiều 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tiếp xúc với cử tri thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề đãi ngộ đối với nhân viên y tế là cấp thiết, cần giải quyết thỏa đáng. Sự dịch chuyển nhân viên y tế từ công sang tư bên cạnh vấn đề thu nhập còn là do môi trường làm việc, áp lực công việc và khả năng phát triển chuyên môn.

Cử tri, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về những vướng mắc trong hoạt động ngành y tế hiện nay.

Y tế là một ngành đặc thù cần linh động để đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách về sức khỏe của người dân. Việc thực hiện theo những quy định hay cơ chế vận hành khi không phù hợp vào từng thời điểm cần phải được cấp trên “tháo gỡ” ngay, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng toàn bộ hệ thống bị ngưng trệ. Ví dụ như việc chậm trễ trong những quy định về đấu thầu đã dẫn đến tình trạng bệnh viện thiếu trang thiết bị và thiếu thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Tiến sỹ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục cho rằng nên tăng cường đại biểu chuyên trách ở địa phương chứ không chỉ ở các cơ quan của Quốc hội; giảm bớt các đại biểu được Trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương nhằm gia tăng số đại biểu am hiểu nhiều hơn với địa phương. Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội dành thời gian nhiều hơn cho việc nghiên cứu, cho ý kiến để thông qua các luật và đại biểu chịu trách nhiệm cá nhân về phiếu biểu quyết của mình.

Theo ông Đinh Phương Duy, Bộ Nội vụ cần có chủ trương nhất quán, hướng dẫn cụ thể để thi tuyển công chức là việc làm thường xuyên, thống nhất của tất cả các địa phương; đề nghị Quốc hội có ý kiến tăng cường số lượng công chức cho Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu từ áp lực dân số đông, khối lượng công việc nhiều hơn rất nhiều so với địa phương khác.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri là các nhà khoa học.

Có chung ý kiến với nhiều cử tri, ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Thành phố cho rằng cần tháo gỡ các lực cản sự đóng góp khoa học công nghệ đối với xã hội. Thực tế cho thấy rất cần có thị trường sản phẩm công nghệ cũng như có hành lang pháp lý cho thị trường khoa học công nghệ.

Ông Phạm Quang Vinh đề nghị Quốc hội cần sớm thông qua luật về tổ chức hội; sửa đổi, bổ sung các Luật và thêm các điều khoản liên quan đến khoa học công nghệ, nhân lực khoa học công nghệ; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp, sáng tạo; nghiên cứu thí điểm thành lập sàn “sản phẩm khoa học công nghệ”. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để kiểm tra, thẩm định việc dạy, đào tạo cấp đại học và trên đại học; chấm dứt tình trạng lạm thu đầu năm học; có chính sách tận dụng tài năng, kinh nghiệm của các tinh hoa tri thức cao tuổi đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe.

Các cử tri là các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố cũng chia sẻ những tâm tư về thực trạng phát triển khoa học công nghệ ở đây và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, sự đóng góp của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đề nghị một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Giáo sư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân xúc động cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các cử tri Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố, ghi nhận các nhà khoa học luôn suy nghĩ về thời cuộc, về sự phát triển của Thành phố, trăn trở, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, của đất nước.

Trân trọng sự đóng góp, lo lắng của các cử tri về hoàn cảnh, thực trạng làm việc của ngành y tế, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện nay một thành phần quan trọng trong xã hội là các đơn vị sự nghiệp có y tế, khoa học, giáo dục, văn hóa… hiện chưa có luật điều chỉnh mà chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định các đơn vị sự nghiệp. Nghị định này hiện có một số điểm chưa đồng bộ, chưa phù hợp với một số đơn vị sự nghiệp đặc thù.

Ví dụ, hoạt động của bệnh viện tuân theo Luật khám, chữa bệnh; Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế… và bị chi phối bởi Nghị định các đơn vị sự nghiệp lại có nhiều điểm không đồng bộ với các Luật chuyên ngành. Vì vậy, việc trả lương bác sỹ theo quy định của đơn vị sự nghiệp không thể phù hợp, không thể giữ được người giỏi; hoặc như một số quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu thuốc đang không phù hợp với thực tế, gây ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của bệnh viện.

Theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, gốc rễ của vấn đề là sự chưa đồng bộ trong việc tự chủ của đơn vị sự nghiệp và các luật pháp liên quan. Vì thế cần sớm xây dựng Luật các đơn vị sự nghiệp đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, điều chỉnh hoạt động của đơn vị sự nghiệp, để giúp các đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả vai trò của mình.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với tâm tư của các nhà khoa học về thực tế khoa học công nghệ chưa thực sự là vai trò, động lực phát triển của quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức khảo sát, đánh giá và phối hợp với Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề về phát huy vai trò, sức mạnh của khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của Thành phố và đất nước.

Giải đáp về hiệu quả giải quyết các ý kiến, khiếu nại của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là vấn đề quan trọng được Quốc hội rất quan tâm. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản phối hợp với UBND Thành phố để theo dõi việc giải quyết ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả giám sát công tác giải quyết ý kiến, khiếu nại của nhân dân bằng hoạt động của các cơ quan dân cử, hệ thống MTTQ Việt Nam, giám sát qua kênh báo chí. Đây cũng có thể xây dựng thành một hoạt động chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy sức mạnh các tổ chức thuộc hệ thống chính trị đối với công tác tiếp thu, giải quyết ý kiến của nhân dân Thành phố.

Các đại biểu Quốc hội đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố chụp ảnh cùng các cử tri là nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố dự Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cảm ơn, ghi nhận ý kiến tâm huyết của các đại biểu, cử tri nhà khoa học; khẳng định mong mỏi của các nhà khoa học về sự phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố; trong đó có việc tận dụng mọi nguồn lực, đặc biệt của khoa học, công nghệ cho sự phát triển bền vững.

Ghi nhận các nhà khoa học là vốn quý, cần được quan tâm hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp, phản ánh với Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng của cử tri; có chính sách, giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ, phát huy khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thể thao…, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thành phố và đất nước.

Tại Hội nghị, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cử tri chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X sắp diễn ra.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

(Nguồn: https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-ho-chi-minh-tiep-xuc-cu-tri-la-nha-khoa-hoc-20221012192003162.htm)