LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – VĂN BẢN KHAI SINH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 

Bài viết kỷ niệm 79 năm ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập 

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Đã nhiều năm qua đi, kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, dư âm của lời tuyên bố độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước thế giới, trước quốc dân đồng bào vẫn còn vang vọng mãi. Đối với quốc dân, đồng bào thời khắc bản tuyên ngôn độc lập được chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố là niềm vui vỡ oà sau 80 năm sống trong đêm trường nô lệ, được hoán đổi thân phận trở thành công dân tự do của một đất nước độc lập. Đối với đất nước, tuyên ngôn độc lập là lời cáo chung của chế độ phong kiến, thực dân, phát xít đô hộ, khai sinh ra nhà nước Việt Nam mới – nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là kết quả của 30 năm, dấn thân trên một chặng đường dài bôn ba nửa vòng trái đất, 4 năm nằm gai nếm mật nơi rừng sâu núi thẳm vì một sự nghiệp vĩ đại: tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho đất nước tôi. Kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, dân tộc Việt Nam còn phải mất 30 gian khổ hy sinh mới có được một nước Việt Nam trọn niềm vui giải phóng, nhưng thời khắc bản tuyên ngôn độc lập được chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc cất lên, mãi là điểm son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hành trình từ Pác Bó đến Thủ đô Hà Nội và những câu chuyện phía sau bản tuyên ngôn bất hủ

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, sau 15 ngày Đảng ta phát động tổng khởi nghĩa dành chính quyền (từ 13 tháng 8 đến ngày 28 tháng 8 năm 1945), 25 triệu đồng bào ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên giành chính quyền. Thắng lợi vang dội của khởi nghĩa tháng 8 đã chấm dứt sự thống trị 80 năm của thực dân và hàng ngìn năm phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là kết quả của trí tuệ Việt Nam, của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và người dân Việt Nam mãi nghi ơn một con người – Người đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập của tổ quốc, dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc – Người là Hồ Chí Minh.

Sau khi chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6 năm 1940), Bác Hồ nhận định đây: “Là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng” [1]. Vậy là sau 30 năm xuất dương đi tìm đường cứu nước, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Các địa danh Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; Lam Sơn, Hồng Thái, Tân trào huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang in dấu chân Người ngược xuôi xây dựng căn cứ cách mạng; kiện toàn tổ chức, hoàn thiện đường lối chỉ đạo chiến lược. Người xác định: giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cao nhất; chỉ đạo tích cực chuẩn bị các điều kiện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đồng thời, quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh); chỉ đạo xây dựng lực chính trị, phát triển các tổ chức cứu quốc tại các địa phương từ nông thôn đến thành thị; xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị sẵn lực lượng, chờ thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 13 tháng 8 năm 1942, Người chính thức sử dụng tên Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc để tranh thủ viện trợ quốc tế và liên lạc với lực lượng cách mạng người Việt và lực lượng đồng minh, thì ngày 27 tháng 8 năm 1942 Người bị quân của Quốc dân Đảng bắt giữ. Từ đó là hơn một năm Người bị giam giữ, dẫn giải đi khắp 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Nỗi lo vận nước, nỗi khổ ải của thân phận tù đầy, ý chí kiên cường của người Cộng sản được Người lưu lại qua hơn 133 bài thơ viết bằng chữ hán “Ngục trung nhật ký” (nhật ký trong tù). Qua đó, thêm một lần nữa, con cháu của Người hiểu thêm nỗi lòng lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đối với Người, không tình yêu nào bằng tình yêu tổ quốc; không gánh nặng nào bằng gánh nặng non sông; không trách nhiệm nào bằng trách nhiệm trước dân tộc. Giữa lằn ranh sinh tử, những bận tâm đó càng trĩu nặng hơn, vì vậy dù hao mòn về thể xác trong cảnh sống tù đầy, với Bác chỉ là chuyện cỏn con. Ngày 13 tháng 9 năm 1943 Người được thả tự do và hơn một năm sau (ngày 20 tháng 9 năm 1944) mới về đến Pác Pó để tiếp tục lãnh đạo cách mạng.

Trước tình hình thế giới và trong nước có chiều hướng ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác quyết định chuyển căn cứ cách mạng về Tân Trào – Thái Nguyên, để tiện lợi cho việc lãnh đạo phong trào cách mạng toàn quốc. Hành trình di chuyển dài hơn 400 km đường rừng, qua 10 huyện của 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, băng rừng, vượt núi, 13 điểm nghỉ qua đêm, có lúc gặp định, vô cùng nguy hiểm [2]. Ngày 21 tháng 5 năm 1945, Người về đến Tân Trào. Tại đây, ngày 16 tháng 8 năm 1945 Đại hội Quốc dân được triệu tập, bầu Uỷ ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch, đã phát lệnh khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa, dành chính quyền về tay Nhân dân. Mặc dù trải qua cơn ốm thập tử nhất sinh, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều hoạt động gấp rút chuẩn bị cho ngày thành lập nước, ra mắt chính phủ lâm thời và viết bản tuyên ngôn độc lập.

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Uỷ ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội. Người ở lại nhà số 48 hàng ngang của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, đêm 28 tháng 8 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị cho ngày quốc lễ 2 tháng 9.

Tuyên ngôn độc lập và trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh

Chỉ trong ba ngày (đêm 28 đến ngày 31 tháng 8 năm 1945) chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung sức lực, trí tuệ, tình cảm của mình viết bản tuyên ngôn độc lập. Giữa lòng thủ đô Hà Nội, với tâm trạng dạt dào cảm xúc, với tâm thế của người dành nửa đời tích luỹ tri thức cách mạng, tìm hiểu thực tiễn, kiên cường tranh đấu trước kẻ thù, giờ phóng bút viết nên những lời vàng khai quốc:“đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”[3]. Đây cũng là điểm đặc biệt khi người soạn thảo bản tuyên ngôn, cũng là người trực tiếp công bố, đồng thời là lãnh tụ cao nhất củả cách mạng Việt Nam. Văn bản chỉ có 1018 từ; bố cục logic; lập luận chặt chẽ; cách hành văn rõ ràng, mạch lạc, không một từ thừa, dễ nghe, dễ hiểu và trở thành mẫu mực của lối hành văn chính luận.

Lời mở đầu: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của đại cách mạng tư sản Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người thừa nhận: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Đó là những quyền tự nhiên vô cùng thiêng liêng mà tạo hoá ban cho tất cả mọi người, được chính giai cấp tư sản đề cao như những giá trị chung của nhân loại. Điều này cho thấy:

Thứ nhất, Việc trích dẫn này chính là sự thừa nhận của chủ tịch Hồ Chí Minh những giá trị về quyền con người, quyền bình đẳng mà giai cấp tư sản đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng con người. Đó là kết quả đấu tranh của nhân loại từ khi xã hội có phân chia giai cấp, từ chế độ chiếm hữu nô lệ, đến hàng ngàn năm đêm trường trung cổ, chỉ khi giai cấp tư sản tiến hành cách mạng, những quyền này mới được tuyên bố và thừa nhận. Tuy nhiên, trong chế độ tư bản chủ nghĩa chỉ có số ít người nắm quyền sở hữu, có trong tay quyền lực kinh tế và chi phối quyền lực chính trị mới có điều kiện để tiếp cận những quyền này trong thực tế. Còn đa số người lao động, nhân dân các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa những quyền này chỉ là hình thức. Bởi quyền tự quyết dân tộc không có thì người dân làm gì có tự do, bình đẳng. Chính học thuyết Mác – lênin đã chỉ ra cho nhân loại điểm bất cập mà giai cấp tư sản không thể giải quyết triệt để vấn đề dân tộc. Rằng: còn tình trạng áp bức giai cấp, sẽ còn tình trạng áp bức dân tộc và kêu gọi: “hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác sẽ được xoá bỏ”,“Khi mà sự đối kháng giai cấp trong nội bộ giai cấp không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”. Trên hành trình cứu nước, chính Nguyễn ái Quốc cũng nhận ra cách mạng tư sản không giải quyết được yêu cầu giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, Hồ Chí Minh đã phát triển và mở rộng quyền tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của con người – cá nhân, trở thành quyền tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Một khi, giai cấp tư sản thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của cá nhân, thì đương nhiên phải thừa nhận quyền tự do, bình đẳng giữa các cộng đồng người, giữa các tộc người, giữa các quốc gia – dân tộc. Bởi làm gì có quyền tự do cá nhân, khi quyền tự quyết dân tộc bị tước đoạt. Thật khôi hài và mỉa mai khi chính giai cấp tư sản lại chủ trương đi xâm lược, áp đặt ách thống trị lên nhân dân các nước thuộc địa, mà vẫn lớn tiếng rao giảng về quyền tự do, bình đẳng, quyền con người.

Nhẹ nhàng mà sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: mọi hành động đem quân đi xâm lược và áp đặt ách thống trị lên các dân tộc khác đều sai trái và đáng lên án. Vì vậy, cuộc đấu tranh dành độc lập, dành quyền tự do, bình đẳng của các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa và phải được ủng hộ. Dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng như bao dân tộc khác trên thế giới và tuyên bố về nền độc lập của mình. Việc trích dẫn nội dung cơ bản trong hai văn bản của Mỹ và Pháp còn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam lên ngang tầm thời đại, có giá trị như các cuộc cách mạng của nhân dân trên thế giới, là minh chứng hùng hồn về thực hiện quyền dân tộc tự quyết, về bình đẳng dân tộc.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đanh thép tố cáo thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của thực dân Pháp trái với nhân đạo và chính nghĩa. Mang danh nghĩa bảo hộ, thực dân Pháp đã tước đoạt mọi quyền lợi chính trị, kinh tế; thực hiện chính sách cai trị tàn bạo, cướp bóc tài nguyên, bóc lột sức lao động và đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh mất tự do, cùng cực nghèo đói. Hành động và lời nói bất nhất của chính phủ Pháp đã đi ngược lại tinh thần của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của đại cách mạng tư sản Pháp. Ngay đến quyền bảo hộ dân ta chúng cũng không làm được sau khi đầu hàng Nhật, bán nước ta 2 lần cho Nhật. Hậu quả là dân ta rơi vào cảnh một cổ hai tròng: Pháp – Nhật, hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Những lời tố cáo đanh thép đó, một mặt chính phủ Việt Nam mới tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, Người cảnh báo thực dân Pháp sẽ phải trả giá nếu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Thứ tư, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt quốc dân đồng bào, tuyên bố với thế giới về nền độc lập của mình. Người khẳng định cuộc cách mạng của Nhân dân Việt Nam là chính nghĩa, Nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, đứng về phe đồng minh chống phát xít, làm cho Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo đại thoái vị thì dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập để đi tiếp con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Để có một nền độc lập thực sự, tức độc lập về chính trị để thực hiện quyền dân tộc tự quyết, được lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển cho dân tộc mình, Nhân dân Việt Nam còn phải mất 30 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh mới có được. Vì độc lập dân tộc chính là điều kiện, là tiền đề để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người hướng tới chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin được chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam, là nước thuộc địa, nửa phong kiến, bị thực dân đế quốc đô hộ và nhu cầu giải phóng dân tộc trở nên bức thiết hàng đầu. Đây là diễn biến mới của tiến trình phát triển chủ nghĩa tư bản được V.I. Lênin nhận thức và bổ sung vào lý luận cách mạng của giai cấp công nhân.

Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đem quân đi xâm lược các dân tộc khác và hình thành hệ thống các nước thuộc địa rộng khắp ở các châu lục. Thế giới bị phân chia thành hai hệ thống là các nước đế quốc và các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Lúc này cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trở thành nội dung cơ bản, có quan hệ hữu cơ với cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản. Thậm chí, ở các nước thuộc địa như Việt Nam, giải quyết vấn đề dân tộc phải được đưa lên hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa, V.I Lênin đã phát triển quan điểm của Mác và Ăngnghen về vấn đề dân tộc qua các tác phẩm về quyền dân tộc tự quyết viết năm 1914 và Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa năm 1920. Trong đó, Ông lên án mọi luận điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ. Đồng thời, chỉ ra con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản và đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Lênin đã mở rộng mặt trận đoàn kết qua khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc, thuộc địa đã tạo ra bước chuyển về nhận thức, tư tưởng, lập trường chính trị của chủ tịch Hồ Chí Minh: nhận thức về con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản; nhận thức về tiến trình cách mạng Việt Nam nhất quán là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chuyển từ lập trường chủ nghĩa dân tộc sang lập trường giai cấp; từ người yêu nước trở thành người Cộng sản. Vậy là suốt hành trình dài qua ba đại dương, bốn châu lục, gần 30 quốc gia để khảo nghiệm, tìm tòi con đường giải phóng dân tộc. Sau 9 năm Người đã tìm được đường lối cứu nước, 25 năm hoạt động không mệt mỏi cho thắng lợi của cách mạng tháng 8 năm 1945 và soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập cho dân tộc mình. Rồi từ đó tiếp tục đi trên con đường cách mạng Việt Nam được xác định trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng:“Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[4].

79 năm đã đi qua, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng trên lễ đài dõng dạc tuyên bố nền độc lập cho dân tộc đã động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Tạo tiền đề vững chắc cho hôm nay, đất nước ta có những bước tiến dài trong sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tư thế của một quốc gia độc lập, Việt Nam ứng xử với thế giới bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Nhiều năm đã đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, dân tộc Việt Nam đã tạo nên nhiều kỳ tích lừng lẫy mang tầm thời đại, khiến cả thế giới nể phục. Nhưng tinh thần ngày độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, cùng những tuyên bố của lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mãi là chấm son rực rỡ, in đậm trong ký ức các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.

T.s. Vũ Thị Mai Oanh 
(Nhà Văn hoá Khoa học – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)
————————————
[1]   Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr. 14-15

[2] Nguyễn Văn Đức, Từ Pác Bó đến Tân Trào trong hành trình giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, https://tuyenquang.dcs.vn/DetailView/144553/40/Tu-Pac-Bo-den-Tan-Trao-trong-hanh-trinh-giai-phong-dan-toc-cua-lanh-tu-Nguyen-Ai-Quoc—Ho-Chi-Minh.html
[3] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trang 122)
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr. 2