LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NHẬN THỨC MỚI VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Chuyên mục: Lý luận Chính trị

NHẬN THỨC MỚI VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Nguyễn Thế Nghĩa*

MỞ ĐẦU

Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề hệ trọng, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài vừa mang tính thời sự cấp bách. Trong khi tổng kết và khái quát lý luận – thực tiễn đổi mới toàn diện đất nước 35 năm qua cùng những kinh nghiệm lịch sử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[1]. Đây là cuốn sách quý, chứa đựng giá trị khoa học – thực tiễn và nhân văn; trong đó, nổi bật là giá trị về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Bìa cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: http://mic.gov.vn
  1. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được coi là tất yếu, mặc nhiên theo mô hình “chủ nghĩa xã hội xôviết” với nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự tan vỡ của mô hình “chủ nghĩa xã hội xôviết” cùng những bài học lịch sử đã chỉ ra rằng, không có một mô hình “chủ nghĩa xã hội” chung áp dụng cho tất cả các nước và cũng không thể có một “con đường duy nhất” đi lên chủ nghĩa xã hội mà mọi quốc gia phải tuân theo. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội là một hình thái kinh tế – xã hội hoàn toàn mới mẻ (chưa có tiền lệ), còn đang trong quá trình thử nghiệm bằng hoạt động sáng tạo của hàng triệu quần chúng lao động. Vì vậy, mỗi nước phải tìm kiếm, thử nghiệm và sáng tạo ra mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển của nước mình và thích ứng với đặc điểm của thời đại mới.

Nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học lịch sử của cách mạng thế giới, tổng kết sâu sắc và toàn diện quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lý luận và khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[2].

Mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam với tám đặc trưng cơ bản nêu trên không chỉ đáp ứng được tiêu chí của lý luận hình thái kinh tế – xã hội mácxít với ba yếu tố cơ bản (lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng của xã hội) và hai quy luật cơ bản (quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất và quy luật kiến trúc thượng tầng thích ứng với sự phát triển của quan hệ sản xuất), mà còn phản ánh được nhu cầu và khát vọng phát triển của Việt Nam với những tính đặc thù, đặc sắc trong sự phát triển của dân tộc trong thời đại mới (như: xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân…..). Tất cả những điều trình bày ở trên chứng tỏ mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam là hình thái kinh tế – xã hội ra đời sau (hợp quy luật) và ở trình độ cao hơn về chất so với chủ nghĩa tư bản.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng  xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” (Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Ở Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 21-22).

  1. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Như đã nhận xét, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một công việc hoàn toàn mới mẻ, cực kỳ khó khăn và phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Từ một nền kinh tế tiểu nông, xã hội nghèo nàn lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nhiều năm đi lên, “chúng ta thiếu cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, thiếu cả tri thức khoa học và công nghệ, hẫng hụt cả lý luận và kinh nghiệm thực tiễn”[3]. Vì vậy, chúng ta không thể trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà phải kiên trì nhẫn nại trên con đường quá độ (gián tiếp) lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng bền kinh tế hiện đại”[4]. Như vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là con đường quá độ gián tiếp, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Và, “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” không phải là bỏ qua toàn bộ hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa, mà là bỏ qua những yếu tố của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa – những cái là nguồn gốc, tiền đề làm nảy sinh chế độ thống trị, bóc lột làm tha hóa con người và những thói hư, tật xấu của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị của nhân loại (trong đó có giá trị của chủ nghĩa tư bản) và vận dụng sáng tạo chúng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ quá độ gian khổ, lâu dài, phức tạp, diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái cũ….

  1. Thực hiện các quyết sách chiến lược trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Để biến mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trở thành hiện thực, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chúng ta không thể không thực hiện các quyết sách chiến lược dưới đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra lực lượng sản xuất ngày càng hiện đại; đồng thời, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo ra quan hệ sản xuất ngày càng tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh….”[5]. Định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường ở Việt Nam, bao gồm:

(1) Kinh tế thị trường tạo ra nền tảng vật chất – kỹ thuật hiện đại để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng trực tiếp chủ nghĩa xã hội trong tương lai gần.

(2) Tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

(3) Tăng trưởng và phát triển kinh tế phải đi đôi với việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

(4) Tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn với không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thứ hai, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với những đặc trưng cơ bản và đặc sắc sau:

(1) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, dựa trên nền tảng liên minh “công – nông – trí”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

(2) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước pháp quyền dân chủ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

(3) Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

(4) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề cao và tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” và “tập trung dân chủ”.

(5) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

(6) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa thể hiện trình độ dân chủ, vừa là điều kiện thiết yếu để phát triển và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc góp phần xây dựng kiến trúc thượng tầng tiến bộ vì hạnh phúc của nhân dân. Trong lĩnh vực này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ rằng, “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ…. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”[6]; rằng, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước….”[7]. Và rằng, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa yêu nước, tiến bộ, nhân văn mà nội dung “cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”[8].

Tóm lại, “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[9]. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, gian khổ; trong đó phải thực hiện thành công các quyết sách lớn: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam hơn một thế kỷ qua (nhất là thực tiễn đổi mới đất nước), mà còn là sự khái quát ở tầm cao trình độ khoa học lý luận cách mạng. Đó là phát kiến sáng tạo vĩ đại của Đảng ta do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, có đóng góp quan trọng vào di sản cách mạng mácxít, mang ý nghĩa lịch sử to lớn và là bó đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

————————————————–

* PGS.TS, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM

[1] Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70

[3] Nguyễn Thế Nghĩa, Tuyển tập Triết học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.632

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr.128

[6,7] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.158-159, 164

[8] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 164-165

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70