“ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC, HIỆU QUẢ ĐỂ THÀNH PHỐ THỰC SỰ  LÀ MỘT TRUNG TÂM LỚN, CỰC PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC”

801

 

Mở đầu

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Thành phố đã phát triển đều trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong đó, hoạt động khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phát triển kinh tế tri thức thông qua tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu…

Nhìn chung, sau hơn 45 năm giải phóng, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Tình hình chính trị-xã hội luôn được giữ vững; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thành quả đó là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn thể người dân TP cùng với sự đồng hành của nhân dân cả nước, trong đó không thể không kể tới những đóng góp của đội ngũ trí thức. Trong tham luận này LHH KH&KT TP HCM xin điểm qua những đóng góp của đội ngũ trí thức TP HCM trong thời kỳ đổi mới

I. Đặc điểm đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài những điểm chung của đội ngũ trí thức Việt Nam, đội ngũ trí thức TPHCM có các điểm đặc thù cơ bản như:

  1. Sự hình thành và phát triển của đội ngũ trí thức của TPHCM.

Tiền thân của Liên hiệp hội là Hội Trí thức Yêu nước TP. HCM, chính thức ra mắt qua Đại hội ngày 10/8/1975. Trọng tâm hoạt động của Hội Trí thức Yêu nước là chính trị – tư tưởng, xóa bỏ e dè giữa các nguồn, hòa nhập trí thức thành một khối, đồng thời tạo việc làm bước đầu cho trí thức song song với việc đề xuất Thành ủy ban hành nhiều chính sách phù hợp. Đến năm 1986, Hội Trí thức Yêu nước đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, các anh em trí thức khoa học – công nghệ của Hội đã thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, hưởng ứng việc ra đời của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với chủ trương tổ chức mạng lưới các nhà khoa học – công nghệ trong cả nước và từ đó LHH TP HCM liên tục phát triển cho đến nay với 35 năm phát triển và trưởng thành. Liên hiệp hội bắt đầu hoạt động với 5 Hội thành viên (Hội Y – Dược học, Hội Hợp tác các Phòng thí nghiệm – VINATEST, Hội Luật gia, Hội KHKT Xây dựng và Hội Y học cổ truyền) và 02 đơn vị trực thuộc (Trung tâm bồi dưỡng Bách khoa và Câu lạc bộ trí thức, sau đổi tên thành CLB KH&KT), đến nay Liên hiệp hội TP.HCM đã có 48 hội thành viên, 8 đơn vị trực thuộc với hơn 65 ngàn hội viên. Liên hiệp hội TP.HCM trở thành thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tuy hình thành muộn hơn so với một số tỉnh, thành trong cả nước, song đội ngũ trí thức TPHCM đã phát huy truyền thống “Đất thép Thành đồng”, luôn sát cánh cùng với nhân dân Thành phố và cả nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và đổi mới đất nước.

  1. Đội ngũ trí thức TP HCM hội tụ từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước, tăng nhanh về số lượng, chất lượng và có cơ cấu đa dạng.

Do hoàn cảnh lịch sử, có các điều kiện kinh tế – xã hội khá thuận lợi, yêu cầu phát triển thời kỳ đổi mới đã làm cho TPHCM trở thành nơi hội tụ đông đảo trí thức từ nhiều nguồn khác nhau, cả ở trong nước và ngoài nước. Hội Trí thức yêu nước tập hợp trong hàng ngũ của mình các nhân sĩ, các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ từ 3 nguồn: tại chỗ, từ chiến khu ra và từ miền Bắc vô (phần lớn là các anh em tập kết ra Bắc từ sau Hiệp định Genève năm 1954)

Đội ngũ trí thức KH-CN TP HCM qua từng thời kỳ liên tục phát triển cho đến nay đã trở nên rất hùng hậu, chiếm đến 21% trí thức khoa học của cả nước, cho thấy một ưu thế rất lớn để thành phố tận dụng cơ hội bứt phá cho mục tiêu hàng đầu khu vực trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Đội ngũ trí thức từ 236.013 người vào năm 1999 đã tăng đến 1.508.357 người vào năm 2019, trong đó trình độ Tiến sĩ tăng từ 2.835 lên 14.434 người khoảng 5 lần, còn thạc sĩ tăng từ 4.538 lên 64.279 người, tăng vượt bậc đến hơn 14 lần.

Số trí thức này hiện tập trung làm việc tại gần 100 trường ĐH, CĐ; 218 tổ chức khoa học – công nghệ và hơn 100 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM

Theo số liệu báo cáo thống kê ngành KH&CN năm 2020 của Sở KH&CN TP. HCM, nhân lực trong các tổ chức KH&CN do TP. HCM quản lý tính đến cuối năm 2019 vào khoảng 7.713 người. Nhân lực trình độ thạc sĩ và đại học chiếm đa số với tỷ lệ lần lượt là 33% và 41%, chủ yếu tập trung trong 2 lĩnh vực là khoa học kỹ thuật và công nghệ và khoa học xã hội, đa phần là các nhà khoa học trưởng thành chiếm gần 50% (trên 35 tuổi), và các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi, chiếm gần 43%.

Ngoài ra, thời gian qua, thành phố đã thu hút hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao… và một lượng lớn các chuyên gia, trí thức kiều bào đã hợp tác, hỗ trợ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức thông qua các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

  1. Đội ngũ trí thức TP HCM rất năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với kinh tế thị trường.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc biệt là sự ra đời sớm, ảnh hưởng sâu sắc của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa phương Tây, nền sản xuất công nghiệp và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đã khách quan tạo nên đội ngũ trí thức TPHCM rất năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường hơn so với các địa phương khác.

Theo Sở KH&CN TP HCM Kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ KH&CN phần lớn, hướng đến tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu sản phẩm phát triển từ kết quả nghiên cứu KH&CN ngày càng gia tăng; nhiều sản phẩm đã thương mại hóa đáp ứng thị trường trong và ngoài nước

  1. Đội ngũ trí thức TP HCM có điều kiện sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi hơn so với một số địa phương khác trong cả nước.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế, xã hội, hội nhập khá phát triển đã tạo cho đội ngũ trí thức TPHCM có điều kiện sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi hơn so với một số địa phương khác trong khu vực và cả nước.

II. Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

  1. Cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng bộ và chính quyền hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Từ khi đổi mới đến nay, thông qua các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố, đội ngũ trí thức đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học có giá trị trên các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, GD&ĐT, KH&CN, VH&NT…cho Đảng bộ và chính quyền hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển TPHCM. Các quyết sách đó không chỉ thể hiện sự quán triệt sâu sắc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; mà còn thể hiện sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm lịch sử – xã hội của TPHCM trong mỗi giai đoạn, mỗi lĩnh vực cụ thể. LHH thường xuyên và tích cực tham gia góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Trung ương Đảng. Và chính các quyết sách đúng đắn đó là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên các thành tựu to lớn và khá toàn diện mà TPHCM đạt được thời kỳ đổi mới. Thành quả đó là sản phẩm kết tinh trí tuệ toàn thể nhân dân, trong đó không thể không kể tới những đóng góp của đội ngũ trí thức trong công tác “tham mưu” hoạch định đường lối, chính sách phát triển Thành phố.

  1. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố Hồ Chí Minh

Trước hết, đội ngũ trí thức đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển quy mô đào tạo NNLCLC. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm đến gần 85% số người làm việc vào năm 2020. Số lượng các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM tăng nhanh và cho đến này gần 100 cơ sở đào tạo. Thông qua việc tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo, trực tiếp giảng dạy…đội ngũ trí thức đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng ngàn NNLCLC của Thành phố.

Song song với sự gia tăng các cơ sở đào tạo số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng tăng rất nhanh.

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho NNLCLC, đội ngũ trí thức ở các cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên, chương trình Triết học cho học viên một cách có hệ thống. Còn đội ngũ trí thức ở các học viện, trường chính trị, đã tổ chức và mở ra hàng trăm lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính, cao cấp lý luận chính trị để đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ quản lý, lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Kết quả, trình độ lý luận chính trị của NNLCLC ở TPHCM thời gian qua tăng lên khá rõ nét. Với những đóng góp trên, đội ngũ trí thức đã tạo điều kiện cho TPHCM đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước;

Số lượng đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật – công nghệ không ngừng gia tăng và chính lực lượng này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

  1. Nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố Hồ Chí Minh

Thông qua các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN, đội ngũ trí thức đã góp phần đắc lực trong việc hiện thúc đẩy KH&CN TPHCM phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực như: công nghệ cao, công nghệ công nghiệp và tự động, nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và quản lý đô thị, các ngành công nghiệp mũi nhọn, những dịch vụ chất lượng cao. Chính từ các kết quả hoạt động của đội ngũ trí thức đã làm cho hàm lượng KH&CN trong nền kinh tế TPHCM ngày càng được nâng lên, chỉ số năng suất tổng hợp (TFP) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của Thành phố. Việc ứng dụng các thành tựu KH&CN không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch trong toàn bộ nền kinh tế Thành phố, mà còn tác động mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ của từng ngành theo hướng ngày càng hiện đại và hiệu quả hơn. Với những đóng góp kể trên, đội ngũ trí thức đã góp phần to lớn vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN, tạo tiền đề để TPHCM đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tiến vào nền kinh tế tri thức, là cơ sở quan trọng để TPHCM thực hiện kế hoạch xây dựng “đô thị thông minh” thời gian tới.

Về lãnh vực khoa học và công nghệ, Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Dữ liệu Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2018 trên địa bàn TP. HCM: Số cán bộ nghiên cứu là 16.064 người, chiếm 75% nhân lực hoạt động R&D. Trong đó, chiếm đến 76% là cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Các lĩnh vực tập trung nhiều cán bộ nghiên cứu nhất là khoa học kỹ thuật và công nghệ (chiếm 33%), khoa học xã hội (chiếm 30%). Các nghiên cứu chủ yếu trong các lĩnh vực: khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược. Kinh phí dành cho 2 lĩnh vực khoa học y, dược và khoa học nông nghiệp có xu hướng tăng qua các năm. Riêng sở Kh&CN TP quản lý 626 chuyên gia và 134 phòng thí nghiệm, đội ngũ trí thức TP đã sở hữu 1507 tải sản trí tuệ, 1903 sáng chế và 1281 giải pháp hữu ích.

Đội ngũ trí thức Khoa học công nghệ của TP HCM hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố ngày càng có hiệu quả cao, hổ trợ để Thành phố Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cao nhất trong cả nước. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước được hình thành và ngày càng chặt chẽ hơn; thị trường công nghệ bước đầu được tạo lập. Ngoài việc củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học truyền thống, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Khu công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung, Viện khoa học công nghệ tính toán; thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học xã hội và nhân văn được nhận thức sâu sắc, nên luôn được quan tâm và phát huy hiệu quả, nhất là trong việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết của xã hội thành phố, xây dựng hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác định các chủ trương, giải pháp phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội của thành phố.

Bên cạnh đội ngũ trí thức trong nước, nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều đã tư vấn, đóng góp ý kiến, hiến kế quan trọng vì sự phát triển của thành phố, nhất là về các chương trình đột phá phát triển của thành phố. Ðiển hình là Giáo sư Ðặng Lương Mô, nhà khoa học người Việt có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực vi mạch. Sau khi trở về nước (năm 2002), ông tiếp tục có nhiều hỗ trợ, định hướng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch của thành phố. Giáo sư Ðặng Lương Mô hiện là cố vấn cao cấp của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực vi mạch.

Nhiều tập thể, cá nhân Việt kiều nghiên cứu khoa học, y học, hợp tác giảng dạy, đào tạo tiêu biểu đã được TPHCM vinh danh, có những kiều bào nổi bật như: PGS.TS Vũ Minh Khương, người Việt Nam định cư tại Singapore, giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS. Nguyễn Đức Thái, người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, Trường Đại học Y Dược TPHCM; TS. Nguyễn Hữu Lệ, người Việt Nam định cư tại Australia, Chủ tịch Công ty TMA Solutions; ông Bùi Văn Tuấn (Steve Bui), người Việt Nam định cư tại Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C Nhật Bản; GS.TS Võ Văn Tới; TS. Nguyễn Đình Uyên (cùng là người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, cùng giảng dạy tại Đại học Quốc gia TPHCM)…

PGS.TS Vũ Minh Khương đã đề xuất Trường Chính sách công Lý Quang Diệu chọn TPHCM làm mô hình nghiên cứu cho môn học “Governance Study Project (GSP)” Dự án Nghiên cứu Quản trị với 56 nghiên cứu sinh là cán bộ Chính phủ đến từ các quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Philippines… Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM giao Học viện Cán bộ TPHCM làm đầu mối liên hệ với PGS. TS Vũ Minh Khương để triển khai đề tài. Kết quả nghiên cứu đã gửi báo cáo về cho các sở liên quan và đều nhận được đánh giá tốt, có giá trị thực tiễn và sẽ được ưu tiên nghiên cứu để áp dụng khi có nguồn lực. Các báo cáo thực hiện tại Việt Nam đã được tập hợp thành 1 bản sách điện tử (e-book) lưu giữ tại thư viện của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho các học viên của trường nghiên cứu và tìm hiểu về Việt Nam.

Kết quả từ việc nghiên cứu và thực tập của các sinh viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cũng là một ý kiến tham khảo để TPHCM thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

  1. Xây dựng, phát triển văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Từ khi đổi mới đến nay, đội ngũ trí thức đã sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm văn hóa có giá trị. Các công trình sáng tạo của đội ngũ trí thức không chỉ khẳng định những giá trị cao đẹp của con người, đất nước, dân tộc Việt Nam; mà còn góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM; làm phong phú, sâu sắc thêm những nét đặc sắc của văn hóa TPHCM. Đội ngũ trí thức đã tiến hành điều tra, phát hiện, sưu tập nhiều hiện vật, tài liệu về văn hóa có giá trị, qua đó không chỉ khôi phục, hoàn thiện các giá trị văn hóa của TPHCM, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, Tổ quốc. Đội ngũ trí thức còn khảo sát và lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa, bảo vật quốc gia để trình lên các cơ quan có thẩm quyền quản lý, công nhận; phê bình, đấu tranh với những quan điểm sai trái, nhận thức thẩm mỹ lệch lạc góp phần giáo dục, định hướng các giá trị chân, thiện, mỹ cho công chúng; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa của Thành phố đến với bạn bè trong và ngoài nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu, phong phú thêm văn hóa dân tộc và TPHCM, tiên phong trong việc đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó nâng cao nhận thức, tạo ra “sức đề kháng” cho nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đội ngũ trí thức TP đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của thành phố ngày càng phong phú, đa dạng; các truyền thống của dân tộc, những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo, năng động sáng tạo… không ngừng được phát huy. Với sự góp sức của đội ngũ trí thức Thành phố đã tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, xây dựng nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp.

Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức không chỉ xây dựng nền tảng vật chất – kỹ thuật mà còn thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của Thành phố; tạo cơ sở vững chắc đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển xã hội TPHCM ổn định và bền vững.

  1. Phản biện xã hội góp phần hoàn thiện các đề án phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh

Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức đã tích cực tham gia phản biện xã hội nhiều dự thảo, dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội do Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, các Sở, Ban, Ngành của TPHCM đưa ra. Những ý kiến phản biện xã hội của đội ngũ trí thức đã được Đảng bộ TPHCM tiếp thu và đưa một số nội dung vào các văn kiện Đại hội. Đội ngũ trí thức còn tham gia phản biện các nội dung trong dự thảo Hiến pháp, hàng trăm dự thảo Luật, Bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác; từ đó tạo điều kiện cho Nhà nước hoàn thiện công cụ điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Ngoài ra, đội ngũ trí thức còn tiến hành phản biện xã hội nhiều đề án phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền TPHCM, qua đó giúp chính quyền TPHCM có những căn cứ khoa học để điều chỉnh các quyết sách của mình một cách kịp thời, mang lại hiệu quả tích cực. Có thể nói, hoạt động phản biện xã hội của đội ngũ trí thức thời gian qua không chỉ góp phần nâng tầm trí tuệ việc thực thi các quyết sách chính trị, mà còn đảm bảo cho Đảng bộ, chính quyền TPHCM thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội sát với yêu cầu của thực tiễn, giảm sai sót, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội; từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội TPHCM phát triển, an ninh – chính trị trên địa bàn ổn định, niềm tin của nhân dân vào Đảng bộ, chính quyền được nâng lên.

Trên thực tế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở TP. Hồ Chí Minh đã được bắt đầu từ năm 2001 (trước khi có quyết định 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002, của Thủ tướng Chính phủ), nhiều dự án về thoát nước, xây dựng hạ tầng, cầu đường, giao thông, thủy lợi… được các nhà khoa học của Liên hiệp Hội góp ý, phản biện, được lãnh đạo thành phố, Sở, Ban, Ngành tiếp thu và đánh giá cao.

Thời gian qua, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Thành phố Hồ Chí Minh, đã đạt được một số kết quả như sau.

(1) Hoạt động tư vấn

Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án.

Công tác Tư vấn về mặt khoa học đóng vai trò rất quan trọng phải được thực hiện trước khi dự án/công trình được chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước giao nhiệm vụ cho Tư vấn thiết kế để tránh các sai lầm đáng tiếc gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của nhân dân, nếu quyết định không đủ cơ sở khoa học và thực tiễn

Giai đoạn (2015 – 2021) Liên hiệp hội chỉ được giao 2 dự án để Tư vấn khoa học từ đầu khi dự án vừa được hình thành là: 1) Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và mở rộng đường D1, quận Bình Thạnh, TP. HCM; 2) Dự án xử lý lún sụp mặt đường, đường Trường Sa và Hoàng Sa, Quận 1, TP.HCM.

Như vậy, công tác Tư vấn chưa được TP chú trọng đúng mức nên TP tuy có rất nhiều dự án quan trọng, có tính chiến lược đối với sự phát triển của TP, là một TP năng động dẫn đầu trong cả nước về mặt kinh tế, nhưng giao cho LHH tư vấn thì rất ít.

(2) Hoạt động phản biện

Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.

Giai đoạn 2015 – 2020, hoạt động phản biện là hoạt động mạnh nhất và được triển khai thường xuyên, với 77 dự án được tổ chức phản biện về mặt kỹ thuật, trợ giúp về tri thức khoa học và công nghệ ở trình độ cao, đã chỉ ra những khiếm khuyết, rủi ro của dự án/công trình và đề xuất được những giải pháp tối ưu hơn.

Nhu cầu góp ý hay tổ chức tư vấn, phản biện cho các dự án/công trình của Thành phố Hồ Chí Minh là rất nhiều nhưng UBND TP đã ban hành quy định là những dự án thuộc nhóm B, có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp thì phải lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp Hội.

Để chủ động tiếp cận đến các dự án chương trình của TP cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy trí tuệ, Liên hiệp hội đã tổ chức ký kết chương trình hợp tác với các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo từng giai đoạn. Nội dung hợp tác được cụ thể hóa theo từng năm, theo nhiệm vụ của từng sở ngành, ví dụ nội dung hợp tác đã ký vào năm 2021 như sau:

– Đối với Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM: nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ; hợp tác phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; hợp tác thông tin khoa học và công nghệ. Phối hợp đề xuất thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn sâu; đồng thời tổ chức các Hội thảo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về những thành tựu khoa học công nghệ…

– Đối với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM: phối hợp tổ chức các Hội thảo, báo cáo chuyên đề khoa học về lĩnh vực giao thông vận tải của Thành phố; tổ chức thực hiện công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, thẩm định, đánh giá chất lượng công trình, quy hoạch hệ thống giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật…; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong triển khai thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng…

– Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM: tổ chức các Hội thảo, báo cáo chuyên đề khoa học về tài nguyên và môi trường; Tổ chức phản biện và giám định xã hội các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, xử lý và tái chế chất thải, cải thiện môi trường và các hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng…

– Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM: nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; hội thảo chuyên đề, trình diễn mô hình; bảo tồn, lưu giữ và khai thác nguồn gen động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật phục vụ ngành nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi có truy xuất nguồn gốc; tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm, giao lưu kết nối để thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, OCOP và hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố…

LHH đã góp ý kiến cho nhiều lĩnh vực khoa học – kỹ thuật của thành phố như: về môi trường (đề tài “Hiện trạng môi trường ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận” của Hội Địa lý- Địa chất), Y tế (“Phạm vi hoạt động của y tế tư nhân” của Hội Y – Dược), về công trình thủy điện Yaly (Liên hiệp hội và Hội Vật lý), v.v…Đó là chưa kể các hội thảo về nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống thành phố do Liên hiệp hội và các Hội thành viên cùng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP và các Sở tổ chức, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Mang tính phản biện rõ rệt nhất là việc đóng góp ý kiến cho dự án tiền khả thi “Vệ sinh môi trường TP. HCM lưu vực Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” (Liên hiệp hội và Hội Vật lý). Về sau, khi dự án này được triển khai thì Liên hiệp hội giữ nhiệm vụ giám định xã hội, theo dõi sát sao từng bước cho đến khi dự án kết thúc. Ủy ban Nhân dân TP cũng đã chủ động giao Liên hiệp hội làm chủ đầu tư dự án tiền khả thi “Hệ thống công trình lấn biển Cần Giờ” (năm 2000), “Xử lý nước rò rỉ ở Bãi rác Đông Thạnh” (năm 2002).

KẾT LUẬN

Đội ngũ trí thức TP HCM trong thời gian qua được sự quan tâm đúng mức của Thành ủy và Chính quyền thành phố đã không ngừng tiến bộ, trở thành một lực lượng hùng mạnh góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển của TP, để TP luôn giữ vững là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, là đầu tàu khu vực phía Nam, là một cực phát triển của đất nước. Tuy có nhiều đóng góp to lớn nhưng đội ngũ trí thức TP vẫn chưa phát huy hết sức sáng tạo của mình, do đó trong thời gian tới đại diện cho trí thức TP HCM là LHH sẽ có giải pháp hiệu quả, phát huy hơn nữa năng lực đổi mới và sáng tạo của đội ngũ trí thức, chủ động tham gia thực hiện các  các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền TP trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách và định hướng phát triển TP HCM trong dài hạn./.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Trình bày từ điểm cầu trực tuyến tại TPHCM – Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Hà Nội, ngày 15/9/2021).