ĐIỆN BIÊN PHỦ – “ĐIỂM HẸN” CỦA NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ  VIỆT NAM VÀ PHƯƠNG TÂY

228

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm đã đi vào sử sách Việt Nam và thế giới vì đó là hoạt động quân sự quy mô lớn nhất sau thế chiến thứ II, cũng là sự kiện có tầm vóc to lớn, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới -đúng như lời đánh giá – đó là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Đã có rất nhiều cuốn sách trong và ngoài nước viết về sự kiện này nên bài viết chỉ làm rõ thêm một khía cạnh về tên cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử” – trong cuốn sách đó chứa đựng có rất nhiều tư liệu lịch sử về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp… Do vậy, bài viết này chỉ khai thác về mặt hoạt động quân sự – vì đây còn là điểm hẹn giao đấu giữa tài năng nghệ thuật quân sự của Việt Nam và phương Tây – đại diện là Mỹ và Pháp – bao gồm cả tư duy của cấp chiến lược đến năng lực và tinh thần chiến đấu của binh sỹ… Tất nhiên, tính ưu việt sẽ thuộc về bên chiến thắng. Vậy hai bên đã đi đến “điểm hẹn” ấy như thế nào? 

Trước hết là do các nhà quân sự Pháp với sự trợ giúp của của các tướng lĩnh cao cấp Mỹ đã chọn thung lũng Điện Biên Phủ để xây dựng một “tập đoàn cứ điểm” với 49 căn cứ lớn nhỏ, hình thành hệ thống phòng ngự liên hoàn và vững chắc – giống như con nhím có bộ lông với rất nhiều mũi nhọn để chống lại kẻ thù. Họ đánh giá đó là công trình kiến trúc quân sự hiện đại nhất, là cứ điểm bất khả xâm phạm, là “cối xay thịt” có thể nghiền nát tất cả lực lượng tấn công của đối phương. Điện Biên Phủ không chỉ rất mạnh về phòng ngự, mà còn là bàn đạp xuất phát tấn công ra các vùng giải phóng của ta.    

Đánh giá về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của các nhà quân sự Pháp và Mỹ là có cơ sở lý luận và thực tế vì họ nhìn thấy rất rõ những lợi thế to lớn của bên phòng thủ và những khó khăn to lớn của bên tấn công. Họ cho rằng bên tấn công phải huy động được số quân nhiều gấp hơn 3 lần quân phòng thủ – đó là khó khăn không nhỏ đối với Việt Minh lúc đó, và cho dù Việt Ninh có thể đưa được lực lượng lớn như vậy đến Điện Biên Phủ thì cũng không thể cung cấp đủ vũ khí và lương thực cho chiến đấu dài ngày, và họ không cần đánh thì sau một tháng Việt Minh phải rút quân vì cạn kiệt lương thực vì họ biết rất rõ các tuyến đường vận chuyển từ đồng bằng lên Điện Biên Phủ rất khó đi và thường xuyên bị quân Pháp đánh phá bằng bom, pháo nên đối phương không thể vận chuyển đáp ứng nhu cầu hậu cần cho chiến dịch.    

Về địa hình quân sự, họ có lợi thế rất lớn vì được che chắn bởi các dẫy núi cao bao bọc xung quanh thung lũng nên đối phương không thể đưa vũ khí lớn tiếp cận gần căn cứ, nếu pháo binh của đối phương phải bắn cầu vồng từ chân núi bên kia thì rất hạn chế về độ chính xác và không quân của họ sẽ tiêu diệt các trận địa pháo ấy. Nếu đối phương tấn công bằng bộ binh với chiến thuật cường kích cổ điển thì không thể đánh chiếm các cao điểm có lô cốt vững chắc bằng bê tông và như vậy là ném quân vào “cối xay thịt” theo đúng ý đồ của họ. Quân Pháp tự tin vào sức mạnh và lợi thế của họ đến mức đã rải truyền đơn thách thức tướng Giáp đưa quân lên đánh Điện Biên Phủ. 

Những lợi thế của bên phòng ngự và những khó khăn của bên tấn công mà tướng lĩnh Pháp, Mỹ nêu ra là thực tế khách quan nên cả hai bên đều hiểu rất rõ – chỉ khác là những gì phía Pháp và Mỹ cho là “không thể” nhưng họ không biết sức mạnh của chiến tranh nhân dân sẽ biến cái không thể thành cái có thể như thế nào?  

Về phía ta, trước hết là tư duy của cấp chiến lược: ta biết rất rõ sức mạnh và lợi thế quân sự của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – đó thực sự là một mục tiêu rất lớn và rất cứng, là nơi tập trung phần lớn sức mạnh của quân Pháp ở Đông Dương nên đây là mục tiêu chiến lược có tính quyết định sự thành bại của hai bên trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Mặt khác ta cũng nhận ra điểm yếu rất lớn của Điện Biên Phủ là ta có khả năng cắt đứt hoàn toàn giao thông đường bộ và hạn chế về đường không, quân Pháp sẽ bị cô lập giữa rừng núi hiểm trở vùng Tây Bắc.     

Về cách đánh chiến dịch, ta thay đổi từ ý định đánh nhanh thắng nhanh theo kiểu cường tập truyền thống sang đánh chắc tiến chắc – bằng hệ thống chiến hào vây lấn – đó là cách tránh thế mạnh nhất, đánh vào chỗ yếu của đối phương – hệ thống chiến hào sẽ từng bước khép chặt vòng vây, tiến sát các mục tiêu, nếu quân địch ra khỏi lô cốt để phản kích, chúng sẽ bị tiêu diệt bằng các loại vũ khí bộ binh từ chiến hào bắn ra. Mặt khác khi chiến hào áp sát mục tiêu thì hạn chế được rất nhiều khả năng địch bắn pháo và ném bom vì sẽ bắn cả vào quân Pháp. Tướng Giáp đã nói: sự thay đổi cách đánh chiến dịch là quyết định khó khăn nhất của tư lệnh chiến dịch – vì đánh nhanh thắng nhanh là ý kiến của chuyên gia Trung Quốc… Tuy nhiên Bác Hồ đã trao quyền quyết định cho tư lệnh chiến dịch và căn dặn: “…trận này rất quan trọng…chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh…”. 

Về binh lực tham gia chiến dịch, ta đã huy động được quân số và hỏa lực đều đạt tỷ lệ 3,3/1 so với quân Pháp ở Điện Biên Phủ – có lẽ quân Pháp không biết rõ những số liệu này.  

Về khả năng cung cấp hậu cần, trong suốt thời gian chiến dịch ta huy động được 100.000 lượt người (gồm dân công, TNXP, bộ đội), vượt cung đường dài 300 km đến 500km, với những loại phương tiện thô sơ – như xe đạp thồ, xe bò, thuyền và gùi trên lưng… đã đưa lên Điện Biên Phủ được hơn 20.000 tấn gạo, 200 tấn thực phẩm và nhiều tấn đạn dược, đáp ứng yêu cầu chiến đấu của bộ đội trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Đây là điều mà quân Pháp cho là không thể làm được – nhưng sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã biến thành có thể. 

Về thế trận chiến dịch, quân Pháp cho rằng ta không thể đưa các khẩu pháo nặng nhiều tấn lên vách núi cao để bắn xuống vì không có đường đi và không có phương tiện xe kéo cơ giới nên chúng đã tuyên bố kiêu ngạo rằng sẽ dập tắt pháo binh Việt Minh ngay từ những loạt đạn đầu tiên… Nhưng với “quyết tâm còn cao hơn núi” và chỉ bằng sức người, bộ đội ta đã “kéo pháo ta vượt qua đèo, vượt qua núi…” làm được cái điều mà quân Pháp cho là không thể – để đến giờ phút mở màn chiến dịch, pháo binh ta đã bắn chính xác vào sân gay và áp đảo hoàn toàn trận địa pháo binh địch hơn 30 phút không bắn trả được phát nào… Vì thế, viên sỹ quan chỉ huy Pháo binh Pháp – người tuyên bố kiêu ngạo đã phải tự sát vì hổ thẹn. 

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào tình thế bị pháo binh ta khống chề sân bay, khống chế trận địa pháo, bị súng cao xạ khống chế bầu trời, bị hệ thống giao thông hào áp sát các mục tiêu không cho quân Pháp ra khỏi lô cốt, chúng buộc phải tiếp tế bằng cách thả dù hàng nhưng phần lớn rơi sang trận địa của ta… Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như con nhím bị vặt gần hế bộ lông xù sắc nhọn, cái “cối xay thịt” trở thành “nồi hầm” nhốt chặt quân Pháp trong đó và phải chịu cảnh thiếu lương thực, thiếu thuốc men, lính chết và bị thương ngày càng nhiều nhưng không thể đưa ra khỏi các đồn bốt … đến lúc đó quân các tướng lĩnh Pháp và Mỹ mới nhận ra là chính họ rơi vào cái bẫy do họ tạo ra.  

Quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn  và sau đợt tấn công quyết liệt của ta cùng với tiếng nổ của khối bộc phá ngàn cân trong lòng đất của đồi A1, từ cửa hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm xuất hiện lá cờ trắng và những đôi tay dơ lên khỏi đầu – trong đó nổi bật nhất là đôi tay của tướng Đờ Cát… Đó là hình ảnh biểu tượng thất bại ê chề nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam.  

Thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ không phải do những người lính – mà do năng lực quân sự của các tướng lĩnh – nói rộng ra là do tư duy quân sự phương Tây mang đậm tính chất “Vũ khí luận”. Thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ không chỉ chứng tỏ tài năng vượt trội về nghệ thuật quân sự của các tướng lĩnh Việt Nam mà còn là phần đóng góp to lớn, không thể thiếu của hàng ngàn, hàng vạn bộ đội, vượt qua gian khổ “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non..” đã chiến đấu anh dũng, thông minh, sáng tạo…và là công sức của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong…từng đoàn nối nhau “chị gánh anh thồ” vượt đèo Pha đin, dốc Lũng lô, trên  các cung đường đầy bom đạn để tải lương, tiếp đạn đầy đủ cho bộ đội chiến đấu ở Điện Biên. 

Dường như các chính khách và giới quân sự Mỹ không học được điều gì qua thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ – ở đó nghệ thuật quân sự Việt Nam đã hơn hẳn phương tây trên cả ba cấp độ: lý luận và chiến lược quân sự – tổ chức và cách đánh chiến dịch – vận dụng sáng tạo các  hình thức chiến thuật… nhưng, với bản chất ngạo mạn sức mạnh, Mỹ đã hất cẳng Pháp để can thiệp vào chiến tranh Việt Nam nên họ lại phải nếm trải trận “Điện Biên Phủ trên không” và “tháo chạy tán loạn” khỏi Sài Gòn. 

Nhìn lại từ lịch sử cận đại, Việt Nam đã ba lần đánh thắng Nguyên Mông, hùng mạnh nhất thời đó và nhiều lần đánh bại các tập đoàn phong kiến phương bắc. Đến lịch sử hiện đại Việt Nam đã đánh thắng ba đế quốc to và từ trận Điện Biên Phủ trên rừng núi Tây Bắc (1954) đến trận Điện Biên Phủ trên không – Hà Nội1972 – đến chiến dịch Hồ Chí Minh 1975… là những bằng chứng hùng hồn chứng minh: bộ đội Việt Nam có thể đánh thắng địch trong công sự vững chắc như ở Điện Biên Phủ, đánh bại quân địch có khả năng cơ động cao như quân Mỹ, đánh bại chiến tranh công nghệ cao bằng không quân.   

Nói tóm lại: nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân và năng lực chiến đấu của người Việt Nam mạnh hơn bất cứ kẻ thù xâm lược nào, dù ở thời đại nào – Đó là thông điệp của lịch sử Việt Nam.  

TS. Nguyễn Hữu Nguyên

Nhà Văn hóa – Khoa học,  

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 

(Ảnh minh hoạ: Bộ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát hành. Bộ tranh gồm 70 bức tranh được Hội đồng nghệ thuật chấm chọn từ hơn 500 tác phẩm của gần 300 tác giả trên khắp cả nước tham gia cuộc thi sáng tác).