CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VỚI VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ MỚI

6

(LHH-TP.HCM) – Hưởng ứng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2025 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa (*) có bài viết dưới đây về cách mạng 4.0 với việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ ở TP.HCM trong thời kỳ mới.

Cho đến nay, loài người đã biết đến 4 cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng công nghiệp 1.0 diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII (dựa trên phát minh ra động cơ hơi nước, làm xuất hiện nền sản xuất cơ khí và văn minh công nghiệp); Cách mạng công nghiệp 2.0 diễn ra vào cuối thế kỷ XIX (dựa trên phát minh ra động cơ điện, làm xuất hiện nền sản xuất dây chuyền máy móc, thúc đẩy năng xuất lao động và văn minh công nghiệp); Cách mạng công nghiệp 3.0 diễn ra vào cuối thế kỷ XX (dựa trên phát minh ra máy tính, điện tử, Internet, làm xuất hiện nền sản xuất tự động hóa, cách mạng số hóa và văn minh trí tuệ); Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra từ đầu thế kỷ XXI (dựa trên sự tích hợp và hội tụ của nhiều công nghệ, mà trụ cột là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ số, làm xuất hiện nền sản xuất thông minh, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo).

Thực chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hình thành thế giới ảo (thế giới số), vốn dĩ là sự phản ánh thế giới thực (thế giới vật lý) cùng với sự kết nối giữa hai thế giới đó, tạo nên sự biến đổi mang tính cách mạng, tác động đến mọi lĩnh vực xã hội, làm thay đổi phương thức hoạt động của con người, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, văn hóa, y tế,…

  1. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên ba trụ cột lớn: công nghệ sinh học, vật lý và kỹ thuật số.

Một là, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tạo ra bước phát triển đột phá (nhảy vọt về chất) trong hoạt động y – dược (sản xuất các loại thuốc mới và đưa ra các phương pháp chữa bệnh mới); trong nông nghiệp làm biến đổi gene, tạo ra những giống cây, giống con mới và chế biến thực phẩm (tạo ra sản phẩm xanh sạch, an toàn, chất lượng cao….) góp phần bảo vệ môi trường và tái tạo năng lượng đáp ứng nhu cầu đời sống con người.

Hai là, trong lĩnh vực vật lý, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu sáng tạo ra các loại robot thông minh thế hệ mới (ví dụ: Robot công nghiệp gồm nhiều khớp, nhiều bậc tự do; robot dịch vụ trong nhà; robot giao tiếp cảm xúc; robot giáo dục trẻ nhỏ; robot dịch vụ thương mại làm nhiệm vụ quảng cáo, tư vấn mua bán hàng hóa; robot phục vụ người cao tuổi; robot chuyên dụng: làm công việc trong môi trường phức tạp nguy hiểm; robot nano, robot sinh học…v..v…). Cách mạng công nghiệp 4.0 còn nghiên cứu, chế tạo ra máy in 3D (máy in 3D công nghiệp, máy in 3D công nghệ SLS, máy in 3D công nghệ FDM… phục vục cho sản xuất, đời sống); các phương tiện tự lái (xe ôtô, xe tăng thiết giáp; tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, tàu ngầm; máy bay….); các vật liệu (siêu mỏng, siêu nhẹ, siêu bền…) và năng lượng mới, công nghệ nano…

Hình minh họa (sưu tầm)

Ba là, trong lĩnh vực kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung chủ yếu vào nghiên cứu sáng tạo, phát minh và phát triển trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT).

  • Trí tuệ nhân tạo (AI) được hiểu là một lĩnh vực của khoa học máy tính gắn trực tiếp với việc tự động hóa các hành vi thông minh. Cụ thể là: AI chính là trí tuệ do con người lập trình tạo ra để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh giống như ở bộ não người (trí tuệ nhân tạo tự mình suy nghĩ, lập luận, so sánh, phân tích và tổng hợp dữ liệu theo trình tự lôgíc nhất định để rút ra các kết luận, quyết định (cách thức, phương pháp, biện pháp, kỹ năng…) giải quyết các vấn đề của cuộc sống một cách nhanh gọn, hiệu quả. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo có khả năng bộc lộ cảm xúc, thái độ, sở thích, ham muốn, tình cảm (vui, buồn); biết học, biết nói, làm thơ và giao tiếp thích nghi với mỗi đối tượng và hoàn cảnh khác nhau.
  • Dữ liệu lớn (Big Data) được hiểu là việc xử lý một khối lượng dữ liệu rất lớn và phức tạp với công nghệ mới (khám phá được các yếu tố quan trọng ẩn dấu sâu trong khối dữ liệu và tối ưu hóa được dữ liệu) nhằm chắt lọc thông tin, đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác và có hiệu quả (ví dụ: bằng cách thu thập và phân tích các dữ liệu về khách hàng hiện tại, mà doanh nghiệp có thể nhận diện được thị hiếu, nhu cầu, xu hướng tìm kiếm mua hàng của cộng đồng trong tương lai; trên cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng được chiến lược, đề ra các quyết sách sản xuất kinh doanh trong thời gian tới một cách rõ ràng và có hiệu quả).
  • Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) được hiểu là mạng lưới vạn vật kết nối Internet (hoặc là mạng lưới thiết bị kết nối Internet); trong đó mỗi người, mỗi vật, mỗi sự kiện đều có định dạng riêng và tất cả chúng đều có khả năng liên kết, trao đổi, truyền tải thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất (mà không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay giữa người với máy tính). Vạn vật kết nối (IoT) tồn tại, phát triển dựa trên sự tích hợp và hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói ngắn gọn, đó là mạng lưới tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để giải quyết một vấn đề, hay thực hiện một nhiệm vụ nhất định.
  1. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh), cách mạng công nghiệp 4.0 tác động vừa tạo ra điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn, vừa tạo ra những khó khăn và thách thức không nhỏ trong sự phát triển.

Hình minh họa (sưu tầm)

Thứ nhất, ở phương diện vĩ mô, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ở phương điện vi mô, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đưa đến nhận thức lại một số giá trị, định hình lại một số ngành công nghiệp (cơ khí, ô tô, xe máy, xây dựng, năng lượng, hóa chất,…) và dịch vụ (tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thông tin, bưu chính viễn thông, máy tính, bảo hiểm, du lịch, giải trí, hàng không,…). Từ đó, tạo ra những “kẽ hở”, mở ra các “khoảng trống” và “không gian” mới trong các chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ toàn cầu. Và do đó, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và cả Việt Nam có điều kiện và cơ hội vừa “xếp hàng” vừa “chen lấn” vào các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp và dịch vụ mới. Thêm nữa, những công nghệ mới do cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt để chúng ta phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp cận xây dựng kinh tế tri thức (phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số….). Đồng thời, chúng góp phần quản trị tốt xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người, mỗi gia đình và tập thể tổ chức cuộc sống tốt hơn, có chất lượng cao hơn.

Thứ hai, bên cạnh những điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn nói trên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến những khó khăn và thách thức không nhỏ trong phát triển của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Cụ thể là, nếu chúng ta không chuẩn bị được các điều kiện cần thiết (vật chất, tinh thần, tài chính, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao…) đủ sức tiếp thu và ứng dụng ngay các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thì sẽ “lỡ hẹn” với cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; và điều này sẽ dẫn đến sự tụt hậu không chỉ xa hơn về kinh tế, mà còn tụt hậu cả về khoa học – công nghệ, ảnh hưởng đến xây dựng tiềm lực an ninh – quốc phòng và chủ quyền số so với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Thêm nữa, trong một thời gian nhất định, ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ diễn ra tình trạng thất nghiệp do lao động máy móc thay cho lao động con người (theo dự đoán, có tới 86% lao động ngành may mặc và da giày mất việc trong vòng 15 năm tới), có sự gia tăng người nghèo và nới rộng khoảng cách giàu – nghèo. Đồng thời, cách mạng công nghiệp 4.0 cùng tạo ra khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao và đặt ra thách thức lớn về bảo mật thông tin (cá nhân, gia đình, cơ quan, cộng đồng, quốc gia) do việc sử dụng điện thoại thông minh, Internet và các mạng xã hội khác… Hiện nay, một vấn đề cấp bách đặt ra là: làm sao và bằng cách nào để làm chủ được công nghệ AI (sử dụng công nghệ này phục vụ cho công việc của mình, nhưng không lệ thuộc vào nó và không bị nó “qua mặt”?).

  1. Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh
Hình minh họa (sưu tầm)

Trong lịch sử, nhiều thế hệ trí thức Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong phát triển của dân tộc, nhiều nhà trí thức đã trở thành những tấm gương sáng về “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, được nhân dân tôn vinh “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong xã hội hiện đại, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế… xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”[1]. Hiện nay, trong bối cảnh tác động của cách mạng khoa học – công nghệ, mà trực tiếp là cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đối với sự phát triển nhanh và bền vững ở Thành phố Hồ Chí Mính ngày càng tăng lên và được thể hiện rõ nét và sinh động.

Thứ nhất, đội ngũ trí thức giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu, nắm bắt, quán triệt sâu sắc về thực chất cách mạng công nghiệp 4.0 với tất cả đặc điểm, sắc thái, công dụng của các công nghệ mới và cơ hội cùng những thách thức do nó mang lại đối với sự phát triển của Thành phố và cả nước. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học- công nghề, nhất là về cách mạng công nghiệp 4.0 tới các tầng lớp nhân dân, làm cho họ thấu hiểu được “cơ hội” và “thách thức” do cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến để họ tự nguyện chuẩn bị các tiền đề, điều kiện cần thiết, tham gia tích cực các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ 4.0 vào cuộc sống.

Thứ hai, đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ không chỉ tiên phong trong nghiên cứu, nắm bắt và phổ biến kiến thức về khoa học – công nghệ, mà còn đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ 4.0 vào cuộc sống (sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng,…). Trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống một cách thích hợp.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ đi đầu, đảm nhận sứ mệnh lịch sử định hướng, dẫn dắt xã hội thích ứng với cách mạng khoa học – công nghệ (nhất là cách mạng công nghiệp 4.0), nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để góp phần đưa Thành phố và cả nước phát triển nhanh, bền vững, tiếp cận với các nước phát truển trên thế giới.

  1. Một số giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ

Một là, xây dựng môi trường khoa học lành mạnh, thân thiện để vận dụng sáng tạo công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động của Thành phố. Cụ thể là:

  • Nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập suốt đời, tạo thói quen khoa học tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ cuộc sống.
  • Hình thành mạng lưới học tập, nghiên cứu, trao truyền và ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ rộng khắp trong nhân dân, trong đó có trọng tâm, trọng điểm (ở cấp Thành phố có các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và phổ biến khoa học – công nghệ; ở cấp phường, xã có những trung tâm (hoặc câu lạc bộ) tiếp nhận, phổ biến, trao truyền, ứng dụng kiến thức và công nghệ).
  • Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ thông thoáng và hiệu quả; thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học – công nghệ, trong đó quy định rõ những điều được làm và những điều không được làm trong nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng khoa học – công nghệ.
  • Xây dựng, phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ.

Hai là. Xây dựng và đưa vào hoạt động quỹ phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ của Thành phố. Bao gồm:

  • Gói kích cầu đầu tư khoa học – công nghệ (đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, kinh phí nghiên cứu, trang trại ứng dụng và sản xuất thử….).
  • Gói kích cầu tiêu dùng khoa học – công nghệ (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển mạnh thị trường khoa học – công nghệ; chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế và cơ cấu tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; kích thích phát triển kinh tế tư nhân; đặc biệt là khuyến kích các doanh nghiệp làm khoa học và tiêu dùng những thành tựu của khoa học – công nghệ).

Ba là, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức khoa học – công nghệ. Bao gồm:

  • Đào tạo một cách khoa học và bài bản (cung cấp đủ tri thức khoa học và tri thức thực tiễn; đào tạo gắn liền với huấn luyện thực địa; thi cử đầy đủ: thi viết tự luận, thi vấn đáp và có sản phẩm thực hành).
  • Sử dụng trí thức phải phù hợp (bố trí đúng người, đúng việc, đúng ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời có kiểm tra nhắc nhở và phê bình đối với công việc…).
  • Đãi ngộ và tôn vinh trí thức cần đúng, đủ và phù hợp với hoàn cảnh (mọi lời nói, hành vi đãi ngộ, tôn vinh trí thức “quá thấp” hoặc “quá cao” so với công lao đóng góp (hoặc giá trị sản phẩn do trí thức làm ra) đều dẫn đến sự tổn thương của trí thức). Đặc điểm nghề nghiệp của trí thức khoa học – công nghệ là nghiên cứu khoa học; và các nghiên cứu khoa học đều hướng tới khách thể (khách quan) để khám phá, tìm ra sự thật khách quan, chân lý khách quan. Do vậy, trong cuộc sống trí thức khoa học – công nghệ thường trân trọng lẽ phải, sự thật và công lý; đồng thời, có lối sống tiết kiệm, giản dị, lành mạnh.

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta”[2].

Theo đó, để phát triển nhanh và bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh cần có quyết sách phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời cần có giải pháp phát huy tối đa vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ trong việc đổi mới sáng tạo, nắm bắt và ứng dụng những công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong mọi lĩnh vực hoạt động của Thành phố (chủ yếu là: xây dựng môi trường hoạt động khoa học lành mạnh, thân thiện; xây dựng quỹ phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ và đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức một cách khoa học, đầy đủ và phù hợp).

—————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
  2. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng chính sách, pháp luật; xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 07/4/2025.
  3. Nguyễn Thế Nghĩa, Tuyển tập văn hóa và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024.

—————————-

* Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tr.3-4.

[2] Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng chính sách, pháp luật; xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 07/4/2025.