CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VĨ ĐẠI VÀ BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP LỊCH SỬ

320

Năm 1911, Bác Hồ quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với một “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 187). Đến tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng “long trời lở đất”; Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

  1. Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Nó không chỉ đánh thắng chủ nghĩa thực dân Pháp và Phát xít Nhật (giành độc lập cho dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân), mà còn xóa bỏ chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm, mang lại ruộng đất cho dân cày. Vì vậy, tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám rất sâu sắc, phong phú và nhân văn, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

  • Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị là chủ và làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình đưa Đảng Cộng sản Việt Nam (còn rất trẻ, mới 15 tuổi đời với 5 ngàn đảng viên) lên địa vị cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bác Hồ viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 25).
  • Thứ hai, thành công của Cách mạng Tháng Tám không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Liên xô (và phe đồng minh chống chủ nghĩa phát xít do Liên xô đứng đầu), mà còn khích lệ, cổ vũ phong trào cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc ở “chính quốc” và thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới (nhất là ở các nước láng giềng). Bác Hồ viết: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to lớn đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cũng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 27).
  • Thứ ba, thành công của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mácxít về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về xây dựng Đảng cách mạng chân chính, về cách mạng không ngừng và về tư tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” cùng với đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn sáng tạo của Bác Hồ. Nó chứng minh một chân lý là: trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua Đảng tiên phong của mình, biết sử dụng sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, thì hoàn toàn có thể giành thắng lợi ở một nước thuộc địa (trước cuộc cách mạng ở “chính quốc”). Bác Hồ chỉ rõ: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn quan lại hèn mạt, cấu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan xiềng xích nô lệ thực dân, đã đạp đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đó dân ta làm chủ nước ta” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 85).
  • Thứ tư, Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra nền tảng vật chất và tinh thần, cơ sở chính trị và pháp lý cùng sức mạnh đoàn kết to lớn thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp làm nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi với “Đại thắng mùa xuân năm 1975”. Sức mạnh to lớn, khí thế hào hùng và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục thổi luồng sinh khí mới vào sự nghiệp đổi mới, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. (Ảnh đồ họa: Quang Huy). Nguồn: https://baodantoc.vn/75-nam-bac-ho-doc-tuyen-ngon-doc-lap-quyen-con-nguoi-va-quyen-cua-moi-dan-toc-1598837628240.htm
  1. Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử.

Cùng với thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945 đã chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam là văn kiện lịch sử, pháp lý, chính trị tối quan trọng (văn kiện lập quốc), mang tầm vóc quốc tế, giá trị trường tồn và ý nghĩa thời đại.

Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với Tuyên ngôn độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam, một chế độ chính trị – xã hội mới ra đời – Chế độ dân chủ nhân dân. Trong đó, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công và thực hiện công bằng, dân chủ (người dân là chủ và làm chủ), còn chính phủ và chính quyền các cấp là “người đầy tớ” phục vụ nhân dân. Tuyên ngôn độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam mới, mà còn là văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng đặt nền tảng cho việc khẳng định và thiết lập Nhà nước pháp quyền dân chủ ở Việt Nam sau năm 1945; và với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, Tuyên ngôn độc lập trở thành ngọn lửa bất diệt, khơi nguồn sáng tạo, soi đường đưa cách mạng Việt Nam đi tới tầm cao mới với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử hiện đại của Việt Nam – kỷ nguyên “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Với Tuyên ngôn độc lập, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được khẳng định như một chân lý thiêng liêng và bất khả xâm phạm không chỉ ở “sách trời”, không chỉ trên bản đồ thế giới, mà còn ở hệ thống công lý, pháp luật quốc tế; và đặc biệt là ở hành động dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hàng triệu triệu người dân Việt Nam.

Với Tuyên ngôn độc lập, độc lập của dân tộc Việt Nam chính là nền độc lập thật sự, đầy đủ hoàn toàn; trong đó bao gồm không những độc lập về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, mà còn độc lập về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Với giá trị và ý nghĩa trên, độc lập dân tộc chỉ có thể là nền độc lập thật sự, đầy đủ, hoàn toàn và bền vững khi gắn bó chặt chẽ (không thể tách rời) với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử nhân loại và lịch sử phát triển của Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã xác nhận rằng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý không thể bác bỏ. Không có độc lập dân tộc, không thể có chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết và căn bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Không có chủ nghĩa xã hội, không thể có độc lập dân tộc bền vững. Chủ nghĩa xã hội là sự bảo đảm chắc chắn nhất, bền vững nhất cho sự trường tồn của nền độc lập dân tộc, là tiền đề và điều kiện căn bản cho sự phát triển phồn vinh của quốc gia và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân (Nguyễn Thế Nghĩa, Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – Bài học kinh nghiệm lịch sử, mục tiêu chiến lược cách mạng nước ta, Tạp chí Khoa học xã hội, Số 3 (49) – 2001, tr. 8).

Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập là kết tinh những giá trị, tinh hoa văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại. Trong đó, Bác Hồ đã sáng tạo, mở rộng, nâng cao và phát triển quyền con người thành quyền dân tộc; đồng thời khẳng định nền độc lập và quyền của dân tộc Việt Nam cũng bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới (đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc). Phát triển quyền con người thành quyền dân tộc, gắn quyền con người với quyền dân tộc và cho rằng: Dân tộc độc lập là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và việc thực hiện tốt quyền con người không chỉ bảo vệ mà còn phát huy giá trị và ý nghĩa đích thực của độc lập dân tộc – Đó là một trong giá trị nổi bật của Tuyên ngôn độc lập và đóng góp to lớn của Hồ Chí – Minh với tinh hoa văn hóa nhân loại và tiến bộ xã hội.

  • Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định và gắn quyền con người với quyền dân tộc, mà còn khẳng định sức mạnh vô địch của đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; đồng thời khẳng định lý tưởng, niềm tin và “lời thề độc lập”: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng nhân dân Việt Nam và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.4).

Như vậy, Tuyên ngôn độc lập không chỉ là văn kiện lập quốc, mà còn là lời hiệu triệu của non sông đất nước với tinh thần vì đại nghĩa “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời hiệu triệu thiêng liêng đó đã trở thành niềm tin, ý chí và động lực mạnh mẽ thôi thúc hàng triệu người Việt Nam xả thân vì nghĩa, làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” (1954) và “Đại thắng mùa xuân lịch sử” (1975) cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

  • Thứ tư, với Tuyên ngôn độc lập, công cuộc đổi mới ở Việt Nam sau 37 năm đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Song hiện nay, đất nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn luôn chống phá; xuyên tạc lịch sử, nói xấu chế độ, gây cản trở sự phát triển đất nước; đồng thời, tạo ra tình hình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, làm ảnh hưởng đến nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Vì vậy, Tuyên ngôn độc lập không chỉ giữ nguyên giá trị mà lại vang lên với tính thời sự cấp bách. Thấm nhuần “Lời thề độc lập”: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập” mà Bác Hồ đã khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên trì đường lối “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục thực hiện chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với tất cả các nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường năng lực nội sinh, kiên quyết không để bị động và bất ngờ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.

Bảy mươi tám năm đã đi qua, thế giới đã, đang và sẽ có nhiều biến đổi, song giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập vẫn luôn sống mãi trong trái tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ, không chỉ bởi giá trị của văn kiện lập quốc mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền dân tộc và quyền con người được sống trong môi trường hòa bình, độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc trong thời đại mới.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa

(Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM)