ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975 – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA THỜI ĐẠI

7

(LHH TP.HCM – NVH Khoa học) – Đại thắng mùa xuân năm 1975 đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách nhất của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX. Nó chứng tỏ một sự thật là: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ, có nền kinh tế chưa phát triển như Việt Nam nhưng có chính nghĩa, có trí tuệ thông minh và tư duy sáng tạo, thì hoàn toàn có thể đánh thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào, dù chúng có to lớn và tàn bạo đến đâu.

PGS.TS NGUYỄN THẾ NGHĨA*

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, do phải chịu thất bại nặng nề trên chiến trường và bế tắc trong việc hoạch định phương thức thực hiện chiến tranh và do áp lực mạnh mẽ của phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam nên Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút quân về nước. Tuy nhiên, do bản chất xâm lược, hiếu chiến, tàn bạo và nham hiểm, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động chiến tranh mới của địch trên chiến trường, phân tích một cách khoa học, khách quan và toàn diện tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch cùng xu thế phát triển của cuộc chiến tranh nhân dân; Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao đọng Việt Nam (30/9/1974 – 07/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 – 08/01/1975) đã ra Nghị quyết lịch sử: Quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm (1975 – 1976). Tuy kế hoạch đề ra trong 02 năm, song Bộ Chính trị yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của thời cơ và khi thời cơ đến sớm thì phải nhanh chóng chớp thời cơ, tiến quân thần tốc giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta bắt đầu từ ngày 04/3/1975 và kết thúc vào ngày 30/4/1975. Trong đó, tiến công quân sự là chủ yếu và quyết định với ba chiến dịch mang tính chiến lược (thực hiện liên tục về thời gian và liên kết chặt chẽ về không gian với tinh thần táo bạo và thần tốc, đập tan ngụy quân và lật đổ ngụy quyền), kết hợp chặt chẽ với phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân …

  1. Khái quát diễn biến của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Một là, chiến dịch Tây Nguyên (04/3/1975 – 03/4/1975)

Được bắt đầu bằng cuộc tiến công thần tốc, bất ngờ vào Buôn Mê Thuột (yết hầu mang tính chiến lược của địch ở Cao Nguyên), Chiến dịch Tây Nguyên đã giáng đòn chí mạng và tiêu diệt toàn bộ bộ phận sinh lực địch quan trọng nhất ở Tây Nguyên, làm cho Mỹ – Ngụy bất ngờ, choáng váng và rơi vào lúng túng đối phó; sau dó, mọi sự kháng cự và ứng cứu của địch đều bị quân giải phóng dập tan, buộc địch rơi vào sai lầm chiến lược “tháo chạy khỏi Tây Nguyên”.

Hai là, chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng (21/3/1975 – 29/3/1975)

Sau khi “tháo chạy khỏi Tây Nguyên”, Ngụy quân – Ngụy quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng hoang mang và rối loạn, đối phó lúng túng, tập trung quân và co cụm, cố thủ ở Huế và Đà Nẵng để chờ đợi việc binh. Trong khi đó, quân ta tranh thủ điều kiện thuận lợi, nhanh chóng tiến công, giải phóng Huế (21/3/1975); và ngay sau đó phát triển thành chiến dịch với ba cánh quân lớn (từ ba hướng: Bắc, Tây và Nam) tạo thành thế hợp vây đánh trực diện vào Đà Nẵng, phá tan thế co cụm, cố thủ của địch (chỉ trong một tuần, ta đã tiêu diệt và làm tan rõ hơn 100.000 quân địch), làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra cú sốc và áp lực “bại trận không thể cứu vãn” cho ngụy quân – ngụy quyền Sài Gòn.

Ba là, chiến lược Hồ Chí Minh lịch sử (26/4/1975 – 30/4/1975)

Trước sức tấn công vũ bão của quân ta, tin vui thắng trận từ chiến trường dồn dập bay về Thủ đô; ngày 31/3/1975 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc được bắt đầu. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm. Để nhanh chóng hiện thực hóa quyết tâm chính trị đó, Bộ Chính trị chỉ đạo phải tập trung lực lượng nhanh nhất, mạnh nhất giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn -Gia Định được mang tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 07/4/1975, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho tất cả các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh trên như “lời hịch tướng sĩ”, tiếng gọi của non sông, thúc giục toàn quân tăng tốc hơn nữa cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn – Gia Định và quyết định chiến dịch mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, các đơn vị trên chiến trường với tinh thần “thần tốc” và “táo bạo” liên tục tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Ngày 25/4/1975, cả 5 cánh quân lớn của ta đã tiếp cận và bao vây toàn diện Sài Gòn – Gia Định (gồm 5 quân đoàn với 15 sư đoàn bộ binh (hơn 240.000 quân), cùng với 4 trung/lữ đoàn tăng thiết giáp với 400 xe tăng/thiết giáp; 6 trung đoàn đặc công, 420 khẩu pháo và các đơn vị hỏa lực, kỹ thuật khác …)[1].

Ngày 26/4/1975, 5 cánh quân của ta từ 5 hướng đồng loạt tấn công vào Sài Gòn – Gia Định theo phương thức quyết chiến “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” sáng tạo, linh hoạt để giành thắng lợi nhanh nhất, đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân một cách tốt nhất. Và đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên tòa nhà Dinh Độc lập, tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố dầu hàng vô điều kiện.

  1. Giá trị và ý nghĩa của Đại thắng mùa xuân năm 1975

Sau 55 năm ngày đêm gian khổ, thần tốc và quyết chiến (kể từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh), cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân ta đã toàn thắng. Chúng ta đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đập tan ngụy quân, lật đổ ngụy quyền, bảo vệ được nhân dân và giữ cho Sài Gòn – Gia Định gần như nguyên vẹn. Đó là sự phát triển sáng tạo khoa học và nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh và kết thúc chiến tranh nhân dân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thể hiện tầm cao văn hóa chính trị và trí tuệ Việt Nam.

Thứ nhất, Đại thắng mùa xuân năm 1975, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 21 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm (1945 – 1975) chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên cả nước thống nhất phát triển trong hòa bình độc lập, tự do và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi to lớn đó chứng tỏ một sự thật là: trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ, có nền kinh tế chưa phát triển, nhưng có chính nghĩa và lòng yêu nước quả cảm, có trí tuệ thông minh và tư duy sáng tạo, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có to lớn và tàn bạo đến đâu.

Thứ hai, Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc; cùng với chiến thắng Bạch Đằng (1288 – chống quân Nguyên – Mông), Chiến thắng Chi Lăng (1427 – chống quân Minh), Chiến thắng Đống Đa (1789 – chống quân Thanh), Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – chống quân Pháp) … đã trở thành những dấu son vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với những chân lý bất hủ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó cũng là thắng lợi tất yếu của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta với đường lối, phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng (xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo ra hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ; đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ – Ngụy để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam) nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi của ý chí tự lập, tự cường dân tộc; thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với những nguyên lý bất hủ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” …Đó còn là thắng lợi của lòng yêu nước quả cảm, đức tính cần cù, sức chịu đựng gian khổ, trí tuệ thông minh và tư duy sáng tạo của con người Việt Nam, tạo nên bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Nhà báo chiến trường người Pháp – R.Ghilan nhận xét về những phẩm chất tích cực của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như sau: “Nhân tố của cuộc chiến tranh này là cái nhân tố mà không có một bộ máy điện tử nào của Mỹ có thể tính nổi, nhưng đó lại là nhân tố quyết định: Khả năng chịu đựng gian khổ phi thường của người Việt Nam. Khả năng này là phẩm chất vốn có của con người Việt Nam nhờ ý chí tự cường và lòng yêu nước cực kỳ mãnh liệt”.

Thứ năm, Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ khẳng định sức mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là minh chứng sinh động đầy sức thuyết phục cho giá trị của hòa bình, công lý, chính nghĩa, tiến bộ xã hội và lương tri của thời đại do Việt Nam đại diện trước cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa do đế quốc Mỹ thực hiện ở Việt Nam. 50 năm đã qua, kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975, thề giới và Việt Nam đã có nhiều biến đổi; nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang phát huy sáng tạo giá trị và ý nghĩa của Đại thắng mùa xuân năm 1975 làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Thời gian càng dài, không gian càng rộng, càng làm cho chúng ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Rực rỡ khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong buổi hợp luyện chuẩn bị Lễ kỷ niệm 50 năm (30/4/1975 – 30/4/2025) tại TP. Hồ Chí Minh

Lịch sử phát triển nhân loại có quy luật thực tế là: ở đâu “có áp bức, ắt có đấu tranh”, “kẻ gieo gió, ắt gặt bão”. Ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã trở thành nhân chứng vật chứng sống động cho sự thảm bại của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ; đồng thời, khẳng định và tôn vinh giá trị hòa bình và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Và sau đó, vào ngày 30/4/2025, Sài Gòn trở thành tâm điểm của lịch sử: Nơi diễn ra cuộc diễu binh, diễu hành hoành tráng của nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng. Sự kiện to lớn này, không chỉ tôn vinh giá trị và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975 cùng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước; mà còn gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc.

—————————————-

* Ủy viên Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (cựu chiến binh, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh)

[1] Nguồn: Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 – 30/4/1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (https://tulieuvankien.dangcongsan.vn; ngày 26/01/2018).