Hành trình về nguồn năm 2022

673

(LHH-TPHCM) Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho đảng viên các Chi bộ trực thuộc tham gia hành trình về nguồn năm 2022 tại Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với các điểm đến gồm nhà tưởng niệm và tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, khu di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài và Đền thờ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu.

Hành trình về nguồn có sự tham gia của Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM – GS.TS Nguyễn Văn Phước; Bí thư cấp ủy và đảng viên của các Chi bộ thuộc Đảng bộ Liên hiệp Hội.

Dâng hương và tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu

Đoàn đã đến Đền thờ thăm, dâng hương và tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Các thành viên trong đoàn cùng tìm hiểu về những trang sử vẻ vang của dân tộc tại khu vực trưng bày hiện vật, những hình ảnh giới thiệu về cuộc đời hoạt động của anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu.

Đoàn cũng đến thăm Nhà lưu niệm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ – Huyện Đất Đỏ. Ngôi nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa nơi mà chị Võ Thị Sáu đã từng sống thời niên thiếu cùng gia đình. Năm 1980 ngôi nhà được ủy ban nhân dân huyện Đất Đỏ tu bổ lại khang trang như ngày nay.

Tiếp nối hành trình về nguồn, đoàn đã đến khu di tích lịch sử Minh Đạm, chứng nhân của một thời lịch sử hào hùng ở miền Nam. Địa thế dãy núi Minh Đạm hiểm trở, là căn cứ kháng chiến của cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày 17-11-1948, ông Bùi Công Minh – Bí thư; ông Mạc Thanh Đạm – Phó Bí thư huyện ủy Long Điền trên đường đi công tác đã bị địch phục kích và hi sinh tại chùa Phước Trình trong khu vực núi. Để tưởng nhớ hai người cán bộ cách mạng, nhân dân đã lấy tên Minh Đạm đặt tên cho dãy núi. Năm 1993 khu căn cứ Minh Đạm được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử.

Đền thờ liệt sỹ tại khu căn cứ Minh Đạm khánh thành vào năm 2007 với diện tích gần 2 hecta, đền thờ 2692 liệt sĩ.

Một phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sỹ tại đền thờ

Đây là đợt sinh hoạt Đảng bộ thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và thắt chặt tình đoàn kết giữa các đảng viên trong Đảng bộ.

Hành trình về nguồn là một hoạt động giáo dục lý tưởng chính trị hiệu quả và thiết thực cho mỗi đảng viên, cần được phát huy trong hoạt động về nguồn “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của các chi bộ nói riêng và của Đảng bộ nói chung.

(Nguồn: Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM)