(LHH TP.HCM) – Ngày 30/11, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu, Đổi mới và Tư vấn (RICH); Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Singapore (ATIS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Lộ trình đổi mới & Kỹ thuật số cho tương lai Việt Nam” – Vietnam Business Exchange tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030: TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Do vậy, cùng với việc phát huy nội lực, tự lực tự cường, thành phố cần thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có kết nối chặt chẽ với nền kinh tế trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối DN Việt Nam và DN nước ngoài”.
Hội nghị tập trung bàn về các vấn đề liên quan tới hệ sinh thái dịch vụ kinh doanh Việt Nam – Singapore, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là các vấn đề rất thời sự và phù hợp với mục tiêu phát triển của TPHCM.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Việt Nam hiện có khoảng 65 triệu người sử dụng điện thoại di động và nằm trong tốp 3 quốc gia sử dụng điện thoại di động nhiều nhất khu vực châu Á. Việc áp dụng kỹ thuật số cũng có những thách thức, trong đó, do có quá nhiều nền tảng trong truyền thông số ở Việt Nam nên việc lựa chọn đúng nền tảng là điều rất quan trọng.
Hiện có rất nhiều công cụ số được mở rộng để khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ số tại Việt Nam, qua đó mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Thương mại điện tử, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa… trong và ngoài nước.
Trong nội dung phát triển bền vững chủ đề ESG (Environment – Social – Gorvernance) được bàn thảo sâu. Đây là hệ thống các tiêu chí đánh giá DN khi lựa chọn đối tác như: kiểm soát lượng khí thải carbon; mối quan hệ của DN với nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng nơi DN hoạt động; quản trị quá trình phát triển của DN về tính minh bạch và việc tuân thủ các hoạt động kinh doanh có đạo đức.
ESG chỉ ra doanh nghiệp có môi trường phù hợp với các mục tiêu bền vững, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm trong mọi hoạt động, là chìa khóa để thu hút nhiều khách hàng hơn trên toàn cầu.
Hội nghị thành công tốt đẹp, mang đến nhiều cơ hội gặp gỡ cho các doanh nhân và các nhà lãnh đạo từ Singapore và Việt Nam, tăng cường hợp tác phát triển kinh doanh.
(Nguồn: Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM)