Khai mạc Hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”

78

(LHH TP.HCM) – Ngày 29/11/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Liên hiệp Hội) tổ chức hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay”.

Các đại biểu tham dư Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP. Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí Thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh. Cùng với sự tham dự của lãnh đạo các Liên hiệp Hội các tỉnh: Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; đại diện các Hội và các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; các nhà khoa học.

Dưới đây là bái phát biểu khai mạc của GS.TS Nguyễn Văn Phước: Kính thưa các vị khách quý! Kính thưa các nhà khoa học!

Trước hết cho phép tôi được thay mặt Liệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức Hội thảo nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”; kính chúc các vị sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa các vị khách quý và các nhà khoa học!

Hiện nay, văn hóa ngày càng trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển, các nguyên thủ quốc gia đều thống nhất rằng: “Các nhân tố văn hóa là những điều kiện thiết yếu cho một sự phát triển bền vững” và chúng trở thành “một phần không thể tách rời của các chiến lược phát triển”[1].

Ở Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn quan tâm đến văn hóa và cho rằng, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”[2]. Nói một cách ngắn gọn và sâu sắc như Bác Hồ là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”[3].

Quán triệt sâu sắc và triển khai có hiệu quả quan điểm về văn hóa của Đảng và Bác Hồ, văn hóa Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và nhân dân ta đang tích cực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với “nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới…”[4].

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện của Nam Bộ và cả nước, mà còn là trung tâm văn hóa – nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc và là đầu mối giao lưu và hội nhập văn hóa thế giới. Trong những năm đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển toàn diện: đi đầu về kinh tế, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhiều giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc được giữ gìn, phát huy và phát triển; nhiều chuẩn mực văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp mới được hình thành và đi vào cuộc sống; phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng… Tuy nhiên, phát triển văn hóa vẫn “chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thành phố là một trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước” (Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 10/8/2012); “tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp” (Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30/12/2022). Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong bối cảnh trên, sự phát triển toàn diện của Thành phố yêu cầu phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhanh kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó, chú trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc làm “trụ cột” cho phát triển bền vững Thành phố và đất nước. Với tinh thần đó, tôi xin phép khai mạc Hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”.

Kính chúc các vị sức khỏe, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

GS.TS Nguyễn Văn Phước

Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

—————

[1] Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 10/1995

[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.162

[3] Phát biểu của Chủ tịch Hồ CHí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946. Xem báo Cứu quốc, số 416, ngày 25/11/1946

[4] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.162-163