Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021): CUỘC HÀNH TRÌNH VÌ NƯỚC, VÌ DÂN

1429

(LHH-TPHCM) Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa thế giới”, Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam và chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” và Người bạn lớn của các dân tộc bị áp bức và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở quê hương vốn có truyền thống yêu nước và hiếu học, lại sống trong cảnh lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm có tình cảm yêu nước, thương dân và ý thức “cứu nước, cứu dân”.

Ngay khi học ở Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã “được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái…” và Người rất “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” [1]. Và khi tham gia cuộc biểu tình của nông dân Thừa Thiên chống chính sách thuế của thực dân Pháp (1908), Nguyễn Tất Thành đã hiểu rõ rằng, trong hoàn cảnh “nước mất, nhà tan”, thì trải nghiệm lớn nhất và có ý nghĩa nhất là tìm “con đường cứu nước, cứu dân”. Sau này, Người đã tâm sự với nhà văn Mỹ Anna Lui Xtơrông: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” [2].

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người con ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc từ Sài Gòn (trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin của Pháp) quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Đây là quyết định táo bạo và quyết đoán với động cơ trong sáng và cao thượng cùng ý chí sắt đá “đuổi thực dân, giải phóng đồng bào”. Bởi lẽ, nó không chỉ gắn cuộc đời của Nguyễn Tất Thành với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX, mà còn là dấu son lịch sử khởi đầu cho thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam – thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển (https://baodantoc.vn/hanh-trinh-tim-duong-cuu-nuoc-cua-bac-ho-1622517240031.htm)

Suốt 30 năm sống, hoạt động ở nhiều nước, Nguyễn Tất Thành (từ năm 1919 được gọi là Nguyễn Ái Quốc) đã tự lao động kiếm sống, làm được nhiều việc và học được nhiều điều bổ ích. Nét đặc sắc của quá trình trải nghiệm thực tiễn “tìm đường cứu nước” của Người là sự kết hợp độc đáo của hai quá trình: vừa “vô sản hóa” vừa “tri thức hóa”. “Vô sản hóa” là quá trình “hóa thân” vào các tầng lớp nhân dân để tự lao động kiếm sống, tự bồi bổ kiến thức, rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn. “Tri thức hóa” là quá trình học tập, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và phát triển trí tuệ để khám phá con đường cứu nước. Sự kết hợp hai quá trình đó không chỉ giúp cho Người có khả năng phát hiện cái mới và tiếp nhận cái tinh túy nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà còn cho Người bản lĩnh cách mạng, vốn sống phong phú để vận dụng sáng tạo chúng vào thực tiễn Việt Nam.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa đế quốc giống như “con đỉa hai vòi”, một vòi hút máu nhân dân ở chính quốc còn một vòi hút máu nhân dân thuộc địa; rằng, “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”; và rằng, muốm cứu nước phải làm cách mạng và làm cách mạng, “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cần lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt…. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” [3].

Trong những năm 1920 – 1930, Nguyễn Ái Quốc tăng cường hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” (1925), tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng cho quần chúng, chuẩn bị các điều kiện và tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là kết quả hợp lôgic của quá trình trải nghiệm thực tiễn cách mạng tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và quá trình đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Việt Nam, mà còn là sản phẩm tất yếu của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để tạo ra một Đảng cách mạng chân chính trong lòng dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết và trước hết.

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Vào tháng 1 năm 1941, khi tình hình thế giới và trong nước có thay đổi lớn và quan trọng, Người đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vào tháng 5 năm 1941, tại Hội nghị Trung ương Tám, Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1942 được gọi là Hồ Chí Minh) đã xác định cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn giải phóng dân tộc, và sau đó Người thành lập Việt Minh (tổ chức cách mạng tập hợp và huấn luyện quần chúng để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa).

Vào tháng 8 năm 1945, khi tình thế cách mạng đã chín muồi và thời cơ cách mạng xuất hiện, Hồ Chí Minh đã chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, công bố Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) và tổ chức Tổng tuyển cử toàn quốc, thông qua Hiến pháp năm 1946. Sau đó, Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Với “Đại thắng mùa xuân năm 1975”, nhân dân Sài Gòn cùng nhân dân cả nước đã quét sạch quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu. Và, ngay sau đó, vào năm 1976, Sài Gòn chính thức được vinh dự mang tên Bác – “Thành phố Hồ Chí Minh” rực rỡ tên vàng. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn linh viết: “Mặc dù mãi đến năm 1976, Quốc hội mới thông qua việc lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn  – Chợ Lớn – Gia Định, song ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân thành phố đã quyết giành về mình phần thưởng đặc biệt ấy. Chưa có một văn bản chính thức nào quy định, người thành phố vẫn lấy tư cách “công dân thành phố Hồ Chí Minh” đối đầu với kẻ thù.

Thành phố được giải phóng, mọi người dùng ngay tên Hồ Chí Minh thay cho tên Sài Gòn như một điều đương nhiên”[4].

Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vô cùng vinh dự và tự hào về trang sử anh hùng của dân tộc và của nhân dân thành phố trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trong hòa bình xây dựng đất nước. Càng vinh dự và tự hào về thành phố mang tên Người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới, chúng ta càng ra sức phấn đấu, xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình”  ngày càng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để xứng đáng hơn nữa với lòng  mong muốn của Người.

PGS.TS. NGUYỄN THẾ NGHĨA

(Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.461

[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ Đảng: Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.30

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289

[4] Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm , Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.56