Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Doanh nhân tiên phong kiến tạo Việt Nam bền vững

182

(Tri thức & Cuộc sống) Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước, chất lượng sống của người Việt Nam, đưa đất nước ta vững vàng phát triển, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó thủ tướng đến dự buổi gặp mặt với đại diện doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Ảnh: VGP

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân tiêu biểu để biểu dương, vinh danh và lắng nghe, trao đổi nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Doanh nhân Việt Nam được đánh giá là lực lượng tiên phong kiến tạo một đất nước Việt Nam bền vững, giàu mạnh và phát triển.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp

Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ ngay sau khi thành lập nước và suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đều xác định, đánh giá cao vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Nhờ quan điểm, đường lối đúng đắn trong đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và có sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân, đến nay “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định.

Trong đó, sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần. Đặc biệt, giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Thời gian tới, kinh tế thế giới và tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới với sáu “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng, trong đó xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về lượng và chất, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững an ninh, trật tự xã hội để cộng đồng yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch.

Chính phủ mong muốn các Hiệp hội doanh nghiệp phát huy thật hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn là điểm tựa và tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. Ảnh: Vietnamfinance

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình kinh tế cả trong nước cũng như quốc tế năm 2023 vô cùng khó khăn. Đảng và nhà nước luôn bên cạnh và có rất nhiều những quyết sách kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt đã phải hết sức nỗ lực vượt khó. Nhờ những quyết sách kịp thời, đến nay, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tạo được những đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 41- NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Nghị quyết có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế lần này được tái khẳng định trong Nghị quyết 41. Đây là những nội dung mới tạo sự phấn chấn cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nhân, doanh nghiệp rất mong muốn khơi dậy, chấn hưng khí thế và tinh thần kinh doanh. Sức mạnh tinh thần này sẽ giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn, dám nghĩ dám làm, dám quyết.

Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người. Nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân: Việt Nam là một điểm sáng

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhấn mạnh, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước những tháng đầu năm 2023 bị tác động mạnh mẽ bởi các bất ổn kinh tế, địa, chính trị quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ đó Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng trong thời gian qua.

Cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh, chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao và khả năng hội nhập quốc tế có những bước tiến rõ nét. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.

Với sự đồng hành của Chính phủ, giới doanh nhân đang được củng cố niềm tin và đã nhìn thấy cơ hội lịch sử cho Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới. Vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức và những cơn gió ngược, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP 4,2%, khá cao so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Đây là một điểm rất sáng. Điều quan trọng là niềm tin của người dân và doanh nghiệp tăng lên mạnh mẽ cùng bản lĩnh điều hành của Chính Phủ. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của phát triển đột phá, ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Với sự đồng hành của Chính phủ, giới doanh nhân đang được củng cố niềm tin và đã nhìn thấy cơ hội lịch sử cho Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới. Vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức và những cơn gió ngược, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP 4,2%, khá cao so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Đây là một điểm rất sáng. Điều quan trọng là niềm tin của người dân và doanh nghiệp tăng lên mạnh mẽ cùng bản lĩnh điều hành của Chính Phủ. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của phát triển đột phá, ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Tuyết Vân

(Nguồn:https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/ky-niem-ngay-doanh-nhan-viet-nam-1310-doanh-nhan-tien-phong-kien-tao-viet-nam-ben-vung-1910503.html)