NGƯỜI LÀ HỒ CHÍ MINH

649
Trong thế kỷ XX, trên thế giới không có một lãnh tụ chính trị của nước nào lại được UNESCO phong tặng đồng thời hai danh hiệu cao quý: “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa thế giới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng không có lãnh tụ Cộng sản nào trên thế giới được nhiều học giả trong và ngoài nước suy tôn là bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” như họ đã từng suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thật hiếm có một vị chủ tịch nước nào trên thế giới lại hết lòng với nước, với dân, quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho nhân dân, nhất là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Và, thật là đặc sắc khi Người nêu tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và những tấm gương “người tốt, việc tốt” của xã hội để giáo dục đạo đức cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bất kỳ lúc nào, ở đâu và làm gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, giản dị như huyền thoại: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính gì với vòng danh lợi”.

Để thực hiện “ham muốn tột bậc” nói trên, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Suốt 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã làm đủ mọi nghề ở xứ người (như phụ bếp, nấu ăn, quét tuyết, nhân viên khách sạn, thợ ảnh, thợ vẽ, viết báo,…) để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Người thường sống ở những phòng trọ đơn sơ trong các ngõ hẻm, ăn uống và sinh hoạt rất tiết kiệm để dành tiền mua sách báo và giúp bạn bè cùng hoạt động. Có thể nói, yêu nước thương dân, chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tìm đường cứu nước, trở về quê hương để “đuổi thực dân, giải phóng đồng bào” là những phẩm chất đạo đức đặc sắc ở Bác Hồ thuở thiếu thời.

Cách mạng tháng Tám thành công (năm 1945), Người trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhà nước công nông non trẻ mới ra đời lại phải đối mặt với nạn giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ. Trước tình hình khẩn cấp đó, Người phát động chiến dịch “Tăng gia sản xuất” và “Thực hành tiết kiệm”; đồng thời đề nghị đồng bào cả nước và bản thân Người gương mẫu thực hiện trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Cùng với diệt giặc đói, diệt giặc dốt được Người triển khai bằng phong trào “bình dân học vụ” và chính Người mỗi tối đi kiểm tra và trực tiếp tham gia dạy học. Người đã rất khôn khéo phân hóa kẻ thù (quân Anh, Pháp, Tưởng,…) để có thêm thời gian và điều kiện chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (không thể tránh được).

Để tăng thêm nội lực và động viên đồng bào tham gia tích cực vào công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Người mở “chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” nhằm “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Đồng thời, Người gửi thư cho Ủy ban nhân dân tất cả các kỳ, tỉnh, huyện và làng nghiêm khắc nhắc nhở rằng: “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Người yêu cầu tất cả các cơ quan Đảng và chính quyền, tất cả cán bộ đảng viên, phải thực hiện:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh

Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ, đảng viên và nhân dân sống ở rừng núi Việt Bắc (“Sáng ra bờ suối, tối vào hang; Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng…”) để thúc đẩy công cuộc kháng chiến. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Người và Chính phủ trở về Hà Nội. Với cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước, nhưng Người chỉ ở căn phòng của người thợ điện xưa; và sau này Người ở ngôi nhà sàn đơn sơ với những tiện nghi tối thiểu và dùng chiếc xe hơi cũ (do Liên Xô sản xuất) làm phương tiện đi lại cho đến cuối đời.

Trong 10 năm cuối đời, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian và có 700 lần đến thăm các tầng lớp nhân dân (bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức, giáo viên, học sinh, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi,…). Tới cơ quan, đơn vị hay nhà dân nào, Người cũng thăm trước hết là nơi ở, nhà bếp, nhà vệ sinh… và đặc biệt quan tâm đến công việc, mức sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân.

Có thể nói, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người quan tâm đến mỗi người và tất cả mọi người, không quên không sót một ai. Đặc biệt, Người ngày đêm đau đáu thương nhớ đồng bào miền Nam ruột thịt… Quả thật, có viết bao nhiêu, nói bao nhiêu cũng không thể kể hết tấm gương đạo đức và công đức của Người dành cho nước, cho dân. Trong khi nêu tấm gương đạo đức sáng ngời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng bằng con đường nhận thức.

Thông qua những câu chuyện, bài nói, bài viết trong sáng, khúc chiết của mình, Người đã thường xuyên trao truyền, giáo dục và khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và thực hành đạo đức cách mạng. Và có biết bao câu viết, lời nói ân cần về đạo đức của Người đã được các tầng lớp nhân dân tự giác tiếp thu và thực hành như “khí thở, cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Đối với thiếu nhi có 5 điều Bác Hồ dạy và lời khuyên “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Đối với thanh niên thì “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Với bội đội, thì “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào đánh thắng”. Với công an, thì có 6 điều Bác dạy công an nhân dân. Với các cụ phụ lão, thì “Tuổi cao chí càng cao”. Với ngành y, thì “Lương y như từ mẫu”. Với ngành giáo dục, thì “dạy tốt, học tốt” và “những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dùng những lời dạy đạo đức một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành, mà Người còn tổng kết, viết thành những tác phẩm về đạo đức cách mạng để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, nghiên cứu một cách có hệ thống. Trong đó có những tác phẩm tiêu biểu: “Đường kách mệnh: (1927), nhấn mạnh “Tư cách và đạo đức của người kách mệnh”; “Sửa đổi lối làm việc” (1947), nhấn mạnh “Tư cách và đạo đức của Đảng cách mạng chân chính”; “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969). Đồng thời, Người yêu cầu các nhà khoa học và giáo dục phải xây dựng môn khoa học đạo đức để giảng dạy trong các trường học. Người chỉ rõ: “Đạo đức học phải là một ngành khoa học xã hội, và những người có trách nhiệm phải đi sâu nghiên cứu chuyên cần hơn nữa, phải trở thành một môn học không thể thiếu được trong các trường đại học và phổ thông”.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình cho Đảng ta, nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Người là hiện thân sinh động và cao đẹp nhất của giá trị Việt Nam trong thời đại mới. Khi còn sống, Người đã đấu tranh, dành tình cảm và tất cả những gì tốt đẹp nhất cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Nam, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược. Trước khi đi xa, Người còn để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Đồng thời, Người yêu cầu: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

 

Tác giả bài viết: PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM