NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẦN ĐƯỢC LAN TOẢ TỪ NGÀY GIỖ QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG

359

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

Câu ca dao ấy hằng năm vẫn được nhắc nhớ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vào mỗi dịp tháng Ba về trên khắp các nẻo đường của Tổ Quốc.

  1. Lược sử về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ – Cha mẹ của các vua Hùng được xem là Thuỷ Tổ của người Việt. Từ xa xưa, lễ hội Đền Hùng đã có vị thế trong tâm thức của người Việt Nam. Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Đây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng. Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày “quốc tế”[1]. Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì ngày “quốc tế” được chọn trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 18-02-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày 10 tháng 3 hằng năm chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ vẫn luôn kính cẩn làm Lễ dâng hương để tưởng nhớ các Vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần đầu tiên vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai vào ngày 19/8/1962.

Năm 1990, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Đến ngày 23-8-2001, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được gọi là Quốc Giỗ được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, ở nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Đất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như sinh sống ở nước ngoài, tùy theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía Bắc, nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để khấn vọng, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.

Nghị định số 82/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

– “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá – Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

– “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

– “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

  1. Những giá trị lịch sử văn hoá cần được lan toả
  • Xét trên phương diện văn hoá tín ngưỡng

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mà nguồn cội là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, giống nòi. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình thức thể hiện niềm tin của người dân vào sự hiện diện của các Vua Hùng; là tín ngưỡng cơ bản, phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt Nam trong nước và Việt kiều ở nước ngoài. Trong đời sống đương đại hiện nay, mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam vẫn luôn hướng đến tổ tiên, ông bà. Người Việt ta có câu: “Sống vì mồ mả, không ai sống vì cả bát cơm”. Câu thành ngữ dân gian mang đầy tính hình tượng nhằm giáo dục các thế hệ cháu con coi trọng phúc đức tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mọi người tỏ lòng kính trọng và tôn vinh công lao, đóng góp của tổ tiên trong việc xây dựng và bảo vệ dân tộc. Thông qua việc thắp hương, cúng tế, cầu nguyện, người Việt tỏ ra biết ơn và tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam; là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình. Chính vì lẽ đó mà tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền, sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài.

  • Xét trên phương diện cộng đồng, xã hội:

Giỗ tổ Hùng Vương là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, thể hiện tính cố kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt. Do đó, việc tổ chức ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương cũng là một cách giáo dục đạo đức truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam ta tình cảm, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao xây dựng đất nước của các bậc tiền nhân, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

  1. Phát huy giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn

Dân tộc Việt Nam muôn đời tự hào mình là con rồng cháu tiên, con cháu Vua Hùng. Tất cả đều ý thức về tổ tiên và nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc. Trong bài thơ “Đất Nước”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc rằng “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Hai chữ “cúi đầu” thể hiện niềm thành kính thiêng liêng mà rất đỗi tự hào về nguồn gốc cha ông. Cúi đầu để hướng về lịch sử, về các vị Tổ Hùng Vương đã góp công dựng nên nước nhà Văn Lang mà nay là nước Việt Nam hùng cường sánh vai bốn bể năm châu. Người Việt dù đi khắp thế giới nhưng trong tâm linh của họ luôn có một ngôi nhà chung để quay về, chính là quê cha đất tổ. Hiểu và thành kính với cội nguồn dân tộc, không chỉ để chúng ta tự hào về nguồn gốc con rồng cháu tiên, mà còn ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của hế hệ hôm nay trong việc vun đắp, kế thừa và phát huy các di sản của thời đại Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân để lại.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động. Mở cửa, giao lưu, hội nhập là điều kiện sống còn cho sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa. Để đủ sức làm chủ vận mệnh đất nước, con người Việt Nam cần có sự kết hợp hài hòa giữa giá trị đạo đức truyền thống với những phẩm chất và năng lực thời đại mới. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn bó chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[2]. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, yêu nước phải gắn liền với yêu CNXH, phải thể  hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, dù ở bất cứ đâu cũng luôn có tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cần bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, niềm tin, tình cảm, ý chí, lòng quyết tâm để thực hiện mục tiêu của Đảng. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, cần khơi dậy mạnh mẽ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; sự khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo…Do đó, cần chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, giáo dục khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho các thế hệ thanh, thiếu niên, đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục ý chí, nghị lực, tinh thần độc lập, tự chủ của mỗi người dân trong xây dựng và phát triển đất nước thông qua những ngày lễ lớn của dân tộc.

Mỗi dịp tháng Ba về, Giỗ Tổ Hùng Vương lại góp phần nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam ý thức trách nhiệm của bản thân mình với quốc gia dân tộc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nguyễn Thị Toàn Thắng

Khoa Xây Dựng Đảng – Học viện Cán Bộ TP.HCM


[1] Cúng tế trong cả nước.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.143.