Quan tâm vấn đề văn hóa sinh viên

255

(TTO) – PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM – cho rằng cần có một công trình nghiên cứu văn hóa sinh viên khi gợi mở về hoạt động sinh viên tại TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa phát biểu tại buổi họp góp ý

Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM vừa có buổi lắng nghe góp ý từ lãnh đạo một số cơ quan, đoàn thể tại TP.HCM, chuẩn bị cho Đại hội Hội Sinh viên TP.HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2023 – 2028) dự kiến trong tháng 10 tới.

Rất cần thiết

Sinh viên là lực lượng lao động nòng cốt của TP.HCM và cả nước, ông Nguyễn Thế Nghĩa nói việc có một công trình nghiên cứu về văn hóa sinh viên là rất cần thiết, và có thể tách thành một chương trình riêng.

“Chúng ta đang chứng kiến nhiều thay đổi có chiều hướng xấu trong xã hội, cái mất của chúng ta là mất về đạo đức, về văn hóa. Muốn ngăn chặn điều này phải nghiên cứu, phải rèn, nhất là sinh viên và lớp trẻ”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

TS Nghĩa nói nghiên cứu về văn hóa sinh viên sẽ không ai làm tốt hơn Hội Sinh viên. Ông gợi mở có thể bắt đầu bằng những câu hỏi: Văn hóa đạo đức trong sinh viên là gì? Sinh viên cần chuẩn bị gì về đạo đức trước khi tốt nghiệp, gia nhập vào đội ngũ tri thức, xã hội? Đâu là chuẩn mực về văn hóa chính trị mà một sinh viên cần? Văn hóa lối sống sinh viên hiện nay?

Ông Nghĩa nói không quá khó để làm vì TP.HCM có đội ngũ tri thức, nghiên cứu, giảng dạy có thể hỗ trợ. Vì là chủ thể cần nghiên cứu, sinh viên sẽ trực tiếp thảo luận, làm các khảo sát. Kết hợp với sự góp ý của các tầng lớp, từ nhiều nguồn kết quả để chúng ta rút ra mẫu chung về giá trị văn hóa sinh viên là gì, văn hóa đạo đức sinh viên là gì.

“Bước kế tiếp tổ chức cho sinh viên từ các nhóm ngành khác nhau thực hành mô hình điểm. Khi kết quả thực hành tốt, đạt yêu cầu, chúng ta tiếp tục bổ sung, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra cho số đông sinh viên”, ông Nghĩa nói.

Bài viết trên Báo Tuổi Trẻ nhận được sự quan tâm của bạn đọc

Đề cao thái độ và đạo đức

Bà Lượng Thị Tới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) nói sinh viên hiện nay đa phần gen Z, tiệm cận là Alpha. Các bạn tiếp cận gần như hoàn toàn với công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng cũng là nhóm có nhiều hạn chế, chịu thách thức lớn từ thời cuộc.

Bà Tới cùng suy nghĩ với ông Nghĩa rằng rất cần quan tâm đến vấn đề văn hóa trong sinh viên hiện nay.

Bà Tới cho rằng đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM tạo điều kiện rất thuận lợi cho thanh niên, sinh viên. Tuy vậy, kết quả thực hiện đề án này chưa rõ trong dự thảo văn kiện, cũng chưa thể hiện rõ Hội Sinh viên TP tận dụng lợi thế này ra sao.

Chia sẻ một khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM với hơn 213.000 doanh nghiệp tại TP.HCM (trên 90% là doanh nghiệp quy mô nhỏ) cho thấy doanh nghiệp đánh giá quan trọng nhất là vấn đề đạo đức và thái độ nghiệp vụ của lao động. “Có kỹ năng, trình độ chuyên môn nhưng nếu không đặt thái độ và đạo đức lên hàng đầu sẽ rất khó để các bạn tiếp cận với doanh nghiệp và có công việc”, bà Tới nói.

Vì vậy, bà Tới đề nghị Hội Sinh viên TP.HCM cần đẩy mạnh các hoạt động, chương trình đồng hành với sinh viên trong việc tôn tạo, giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc, đặc biệt cần hình thành lối sống đạo đức đúng mực. “Bối cảnh hiện nay khi việc hội nhập quốc tế thuận lợi, việc đâu đó người trẻ nói chung, sinh viên nói riêng có biểu hiện lệch chuẩn đạo đức, bản sắc dân tộc là điều có thể xảy ra”, bà Tới cảnh báo.

Giá trị đặc sắc của sinh viên TP Bác là gì?

Ông Lê Nguyên Hiều (Liên hiệp Các hội văn học và nghệ thuật TP.HCM) nói tinh thần và lực lượng hùng hậu là điểm nổi bật qua thực tế các phong trào, chiến dịch cho đến từng hoạt động của sinh viên tại TP.HCM so với nhiều nơi khác. Các chương trình, hoạt động sinh viên đều thấy khá rõ tính sáng tạo, tiên phong, chuyên nghiệp.

Từ đó ông Hiều kỳ vọng phong trào sinh viên nói riêng và phong trào thanh niên của TP.HCM nói chung cần làm nổi bật lên giá trị của con người, văn hóa của TP.HCM, đâu là giá trị đặc sắc của thanh niên, sinh viên TP mang tên Bác. Đây có thể xem là cơ sở để Hội Sinh viên TP.HCM đưa vào công trình nghiên cứu chung về văn hóa sinh viên.

“Chính những nét đặc sắc, nổi bật này sẽ góp phần tạo động lực cho các thế hệ sinh viên, thanh niên TP noi gương và tiếp nối. Xa hơn, đó có thể là ngọn cờ thu hút và lan tỏa cho thanh niên khu vực Nam Bộ và cả nước. Điều này vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề”, ông Hiều nêu ý kiến.

Công Triệu

Nguồn: https://tuoitre.vn/quan-tam-van-de-van-hoa-sinh-vien-20230915104005772.htm