(LHH – TP.HCM) – Ngày 10/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức trực thuộc và hội thành viên khu vực phía Nam”.
Thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, tăng cường hiệu quả quản lý hợp tác quốc tế
Hội thảo do PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA, và GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh, đồng chủ trì. Về phía Ban tổ chức có TS. Lê Công Lương, Trưởng ban Khoa học & Hợp tác quốc tế, VUSTA; Th.S Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng ban Khoa học & Hợp tác quốc tế, VUSTA; lãnh đạo và cán bộ từ VUSTA.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều, Tổng thư ký Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; các đại biểu, nhà khoa học đại diện các tổ chức KH&CN trực thuộc khu vực phía Nam của VUSTA; Hội thành viên Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo và cán bộ từ Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh và các diễn giả.
Hội thảo hướng tới cập nhật tình hình hợp tác quốc tế, chỉ ra các vấn đề cần khắc phục, hỗ trợ các tổ chức nắm rõ quy định pháp luật về hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đối ngoại, tăng cường hiệu quả quản lý hợp tác quốc tế của VUSTA.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), với vai trò cơ quan chủ quản, được giao thẩm quyền thẩm định và phê duyệt các hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc. Năm 2024, VUSTA đã xử lý 36 hồ sơ dự án, phê duyệt 11 khoản viện trợ trị giá khoảng 2,5 triệu USD, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng văn kiện, thẩm định nội dung và tài chính. Để nâng cao hiệu quả quản lý, VUSTA đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-LHHVN (15/02/2023) về quy chế quản lý viện trợ không hoàn lại, Quyết định số 1024/QĐ-LHHVN (13/11/2023) về quy trình thẩm định dự án, và Quyết định số 259/QĐ-LHHVN (28/3/2024) về quản lý hoạt động đối ngoại. VUSTA thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để hướng dẫn các tổ chức tuân thủ quy định, chia sẻ kinh nghiệm và giám sát hoạt động hợp tác quốc tế.
Nội dung thảo luận và ý kiến đóng góp
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày những quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và trao đổi về các vấn đề thường gặp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng ban Khoa học & Hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam trao đổi về công tác xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại, tình hình hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, chia sẻ các khuyến nghị trong quá trình xây dựng văn kiện dự án, công tác quản lý dự án; cập nhật các quy định liên quan về việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Phụ trách Kế toán, Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ về quản lý tài chính dự án viện trợ không hoàn lại.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban công tác Phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh trình bày kinh nghiệm quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Bên cạnh đó, các Trung tâm Life, DRD, CSWD chia sẻ thực tiễn triển khai dự án viện trợ và PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trình bày kinh nghiệm quản lý dự án hợp tác quốc tế.
Trong phần trao đổi, các đại biểu mong muốn được cung cấp thêm thông tin, kết nối hợp tác quốc tế (đặc biệt với AFEO), hướng dẫn chi tiết về Nghị định 80/2020/NĐ-CP, 114, 58, và nâng cao năng lực tổ chức các tọa đàm, hội thảo hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân. GS.TSKH. Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội Vật lý TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao chất lượng nội dung Hội thảo và mong muốn được hướng dẫn chi tiết về các nghị định liên quan để đảm bảo hợp tác quốc tế hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch và Bán dẫn TP. Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn tham gia các tổ chức kỹ sư quốc tế, đặc biệt trong ASEAN, để chuẩn hóa nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, đề xuất cung cấp thông tin kết nối với AFEO cho các chương trình đào tạo ngắn hạn, sẵn sàng giới thiệu chuyên gia cho các hội thảo khoa học, phối hợp với các hội ngành để tổ chức tọa đàm và nghiên cứu.
TS. Lê Công Lương, đại diện Ban Tổ chức, ủng hộ mạnh mẽ các ý kiến đóng góp, khẳng định TP. Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia AFEO với hoạt động đăng bạ kỹ sư hiệu quả. VUSTA đề nghị các hội phía Nam liên hệ với Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Hồ Chí Minh để được cung cấp thông tin thêm và cam kết mời các hội có liên quan tại phía Nam tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên ngành; đồng thời hỗ trợ kết nối để chứng chỉ đào tạo của hội được AFEO công nhận, hướng tới nâng cao vị thế nhân lực Việt Nam trong khu vực ASEAN.
Hội thảo giúp các tổ chức KH&CN nắm bắt các quy định, đặc biệt là Nghị định 80/2020/NĐ-CP; giải quyết khó khăn trong quản lý tài chính và hợp tác quốc tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; là diễn đàn kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế bền vững cho các đơn vị khu vực phía Nam.
Bên lề Hội thảo, đoàn công tác VUSTA và Liên hiệp Hội TP.HCM có chuyến thăm, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Nam (chiều 10/4/2025) và giao lưu, tham quan tại Cần Giờ (sáng 11/4/2025).
Bích Ty
Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội KH&KT TP. Hồ Chí Minh