Hội nghị tập huấn về Kinh tế tuần hoàn

172

(LHH-TPHCM) – Thực hiện quyết định số 376/QĐ-LHHVN ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ năm 2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn về Kinh tế tuần hoàn vào ngày 31 tháng 10 năm 2023.

Các đại biểu, chuyên gia và các nhà Khoa học chụp hình lưu niệm

Hội nghị đón tiếp đại biểu đến từ các tỉnh thành phía Nam, đại diện các Sở, ngành, các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường đại học, các cơ quan tổ chức và các Hội ngành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ CHí Minh có GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; đại diện các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc, đon vị thành viên Liên hiệp Hội.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc

Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990), dùng để mô tả mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách tiếp cận của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Hay nói theo cách khác KTTH là biến chất thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hoặc tuần hoàn trong nội tại bản thân của qui trình sản xuất. KTTH là mô hình thúc đẩy phát triển bền vững các loại vật liệu và năng lượng bằng cách giảm thiểu chất thải phát sinh và tái sử dụng chúng như một loại vật liệu thứ cấp.

Nền kinh tế tuần hoàn mô tả các chính sách mới nổi, mô hình kinh doanh, đầu tư trọng điểm và hành vi của cộng đồng đối với các hoạt động ít gây ô nhiễm, thận trọng và khoa học hơn làm nền tảng cho nền văn minh toàn cầu của chúng ta. Nền kinh tế tuần hoàn là đẩy mạnh nền kinh tế tái chế và sẽ trở thành mô hình kinh tế thống trị trong các thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là chuyển đổi từ mô hình tư duy tuyến tính hiện tại với cơ sở hạ tầng tập hợp lớn sang mô hình phân tán sử dụng tư duy kinh tế tuần hoàn. Bằng cách tạo ra các bước tuần hoàn nhỏ hơn gần với nguồn phát sinh chất thải hơn, các giải pháp cuối đời đắt tiền hơn có thể cho giá trị cao hơn về tỷ lệ phục hồi tài nguyên (từ 10% tiến gần đến 80%).

GS. TS. Nguyễn Văn Phước, Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh; trình bày các chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội” và “Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn”.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng của các quốc gia trên thế giới, nhất là khi trong điều kiện các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều. Một số quốc gia đã tiên phong trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Hà Lan…mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường.

Chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong các đô thị”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG – TP. Hồ Chí Minh.

Thụy điển: là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Thụy Điển đã phát triển kinh tế tuần hoàn của mình với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”. Nền kinh tế tuần hoàn “Vì một tương lai không rác thải” ở Thụy Điển được khởi xướng, bắt đầu bằng việc đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng thân thiện với môi trường.

Hà Lan: Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu thiết yếu. Theo đó, Hà Lan tiến hành phát triển chương trình hậu thuẫn cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn, ít gây hại cho môi trường. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại cơ hội về kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển khoa học, cắt giảm khí thải CO2, đảm bảo sức khỏe và an toàn.

Singapore: là một quốc gia tại châu Á thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Từ năm 1980, Singapore đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ ngày. Với 10% rác thải còn lại, Singapore đã biến chúng thành một “hòn đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

Đông đảo đại biểu và học viên tham gia tập huấn

Tại nước ta, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì việc chuyển đổi từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thực tế Việt Nam đã tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua một số mô hình như: vườn – ao – chuồng, thu biogas từ chất thải chăn nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, tuần hoàn nước, tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích…Mặc dù, các hoạt động này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng tỉ lệ tuần hoàn vật chất còn thấp nên chưa được hệ thống hóa, kết nối thành nền kinh tế quay vòng, tuy nhiên các mô hình này là bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

Chủ đề: Mô hình Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp: Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản (TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm khuyến nông Quốc gia trình bày) và Kinh tế tuần hoàn trong ngành nước (PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường trình bày).

Tại Hội nghị tập huấn về Kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia, nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về khuynh hướng, về tiềm năng, về các kỹ thuật sẵn có và phương pháp luận phát triển kinh tế tuần hoàn đối với đô thị, nông nghiệp, quản lý chất thải… và nhiều vấn đề khác. Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển KTTH về mặt tài chính, kỹ thuật…sẽ được phân tích đánh giá kèm theo các giải pháp khắc phục bao gồm các chính sách để có thể triển khai KTTH tại nước ta một cách hiệu quả.

Phiên hỏi – đáp tại Hội nghị

(Nguồn: Ban Khoa học Công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM;

Ảnh: Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM)