(Hội Y học TPHCM) – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất và trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, là nơi tập trung rất nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao và trang thiết bị tiên tiến, có thể sánh được với những nước tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, một lợi thế của thành phố là đã xây dựng được một mạng lưới y tế cơ sở đồng bộ và trải khắp, đã chứng tỏ là có khả năng hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch như trong đại dịch Covid 19 vừa qua.
Tuy nhiên để phát triển lên một tầm cao hơn trong thời gian tới, ngành y tế thành phố cần phát huy những tiền đề sẵn có, khắc phục một số bất cập trong hệ thống y tế hiện nay để không những đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, mà còn phải tiến đến việc quản lý sức khỏe toàn dân một cách hiệu quả hơn. Điều này sẽ cho phép đối phó với những thách thức y tế lớn có thể xảy ra trong thời gian tới liên quan dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường, biến đổi khí hậu…
Tham luận này sẽ đưa ra nhận định về thực trạng ngành y tế thành phố và đề nghị một số giải pháp khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sự phát triển ngành y tế thành phố trong thời gian sắp tới.
1. Nhận định thực trạng
Như mọi ngành y tế trên thế giới, ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh có những nhiệm vụ chủ yếu là: quản lý sức khoẻ của người dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học. Trong bốn nhiệm vụ kể trên, hiện nay ngành y tế thành phố đã và đang tập trung nhiều cho công tác khám chữa bệnh, nhất là các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại (xét nghiệm miễn dịch, sinh học phân tử, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật với robot). Cách làm này là đương nhiên đối với một thành phố có tiềm lực kinh tế, có mức sống cao nhất nhì cả nước. Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực y học cũng chủ yếu phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị, còn ít nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình sức khỏe của người dân. Hai nhiệm vụ còn lại cần được lưu ý nhiều hơn trong hướng phát triển sắp tới của thành phố.
Trong phạm vi tham luận này chúng tôi xin tổng hợp một số hạn chế chủ yếu của hệ thống y tế thành phố như sau:
- Chênh lệch trong hệ thống khám chữa bệnh
Theo nhiều khảo sát, hiện nay, nhiều bệnh viện lớn ở nước ta hiện vẫn đang quá tải, có nơi quá tải hơn 200% so với số giường bệnh. Tình trạng quá tải cục bộ tại một số bệnh viện lớn Tại TP Hồ Chí Minh đã kéo dài từ rất nhiều năm mặc dù đã và đang triển khai nhiều giải pháp và đã có thêm rất nhiều cơ sở tư nhân. Bên cạnh đó một số cơ sở y tế vẫn chưa hoạt động hết công suất do đầu tư chưa đúng mức về nhân lực và phương tiện.
- Phân bố nhân lực y tế chưa hợp lý
Theo mong muốn của Bộ Y tế, đến năm 2020, toàn quốc sẽ đạt 90% các trạm y tế xã có bác sỹ hoạt động và 95 % trạm y tế xã có hộ sinh hoặc y sỹ sản, nhi. Đó là mong muốn, nhưng cho đến hiện nay, tháng 6 năm 2020, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn này cũng không đạt được vì nhiều trạm y tế phường xã có bác sĩ, nhưng là bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm trong khám chữa bệnh nên chất lượng khám chữa bệnh chưa cao. Hơn nữa, do điều kiện làm việc và lương bổng không như mong muốn nên nhiều cán bộ y tế, nhất là các bác sĩ thường tìm cách đến những bệnh viện tốt hơn. Đầu tư về khoa học kỹ thuật chưa đúng mức cho hệ thống y tế tuyến cơ sở. Vần còn tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế ở một số nơi, trong một số chuyên ngành như y tế công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
- Chưa triển khai đúng nghĩa quản lý sức khỏe người dân
Việc quản lý sức khoẻ của người dân chưa được thực hiện đồng bộ và có hệ thống. Nếu muốn biết rõ về tình hình sức khoẻ của người dân, mô hình bệnh tật vào từng thời điểm thì sẽ không thể có câu trả lời thoả đáng và chính xác. Chính vì vậy, sẽ khó có những biện pháp hữu hiệu trong phòng chống bệnh tật.
2. Đề nghị giải pháp
Để góp phần khắc phục các hạn chế nêu trên chúng tôi xin đề nghị ba nhóm giải pháp khoa học kỹ thuật sau đây:
2.1. Nhóm giải pháp thứ nhất: giảm bớt chênh lệch trong hệ thống y tế cơ sở.
– Hệ thống y tế cần được đầu tư đồng bộ, đúng mức, để các cơ sở y tế gần dân hơn, như các bệnh viện quận, huyện, các trạm y tế phường xã, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh phù hợp với nhu cầu của người dân tại địa phương.
-Thực hiện rộng rãi hơn và có thực chất mô hình “cơ sở y tế vệ tinh”. Mô hình này đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện từ khoảng 5 năm nay, cụ thể là đẩy mạnh phát triển đề án bệnh viện vệ tinh tới tất cả các địa phương trong cả nước với mục tiêu mở rộng chuyên khoa sâu và chuyển giao kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh. Mô hình này đã đạt được một số kết quả tích cực và ngành y tế thành phố đã bước đầu áp dụng rộng rãi mô hình này xuống các bệnh viện quận huyện. Phát huy ưu điểm của mô hình này, trong thời gian tới, mỗi bệnh viện cấp thành phố, dù đã có một số bệnh viện quận huyện làm bệnh viện vệ tinh để giảm tải và để chuyển giao kỹ thuật sẽ có một số trạm y tế phường xã là vệ tinh, lấy các trạm y tế đó như là một đơn vị phòng chống bệnh tật, một phòng khám ngoại chẩn. Mỗi ngày đều có bác sĩ tuyến trên đến khám, chữa bệnh, ngược lại, để được nâng cao năng lực, cán bộ y tế của trạm sẽ được đến học tập và làm việc bán thời gian tại bệnh viện tuyến trên. Các bệnh viện quận huyện cũng có một số trạm y tế phường xã làm vệ tinh giống như trên. Nhiệm vụ này của các cơ sở y tế phải được xem như là nhiệm vụ quan trọng chứ không làm cho có hình thức. Song song với việc nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế, trạm y tế cũng cần được trang bị tương đối đầy đủ trang thiết bị y tế cho phù hợp với nhiệm vụ mới kể trên.
Làm được như vậy sẽ giúp xóa bớt chênh lệch giữa các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới. Cũng từ đó làm cơ sở để phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình và giảm tải ở các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến trên.
2.2. Nhóm giải pháp thứ nhì: ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong công tác đào tạo và cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế, cũng như trong công tác khám chữa bệnh có thể ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong ngành y tế.
– Đào tạo từ xa qua internet: Trong ngành y, các cán bộ y tế phải học suốt đời, cần được cập nhật kiến thức thường xuyên. Những khóa học, hội thảo đào tạo y khoa liên tục qua internet (ví dụ Webminar) sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực y tế đạt được về cả số lượng lẫn chất lượng.
– Hội chẩn từ xa qua hệ thống internet dưới hình thức telemedicine, sử dụng các phần mềm Web Conferencing, có thể giúp các cơ sở y tế vệ tinh có thể hội chẩn với tuyến trên khi có trường hợp khó chẩn đoán, khó xử trí, mà không cần phải chuyển bệnh. Ví dụ, phần mềm PACS (picture archiving and communication system) giúp các cán bộ y tế ở những cơ sở khác nhau cùng xem được rõ ràng các phim X Quang, CT, MRI, giải phẫu bệnh, kết quả xét nghiệm máu, thông tin từ hồ sơ bệnh án, …
– Với người bệnh, ứng dụng khám, tư vấn xử trí và điều trị bệnh trực tuyến, sẽ đỡ mất công sức hơn trong nhiều trường hợp, để chỉ khi cần thiết mới phải đến cơ sở y tế gặp trực tiếp cán bộ y tế. Triển khai được telemedicine sẽ giảm thời gian di chuyển cho người bệnh và sẽ đỡ quá tải cho các bệnh viện.
2.3. Nhóm giải pháp thứ ba: nâng cao năng lực quản lý sức khoẻ, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
– Để quản lý tốt sức khoẻ người dân, ngành y tế thành phố nên cộng tác với ngành công nghệ thông tin để thiết lập một phần mềm làm công cụ để quản lý cụ thể và thống nhất, sức khoẻ của người dân, nhất là những người mắc các bệnh mạn tính. Hiện nay, mỗi cơ sở y tế đều dùng một phần mềm riêng, không thể kết nối với nhau, lại càng không thể kết nối với hệ thống của Sở Y tế. Khi cần có những số liệu về tình trạng sức khoẻ của người dân thì gần như không thể có con số tin cậy. Phần mềm mới này sẽ giúp rất nhiều cho những nhà quản lý biết rõ mô hình bệnh tật bất kỳ lúc nào cần, từ đó sẽ có chiến lược cụ thể và tương đối chính xác cho công tác phòng chống bệnh tật. Hơn thế nữa, phần mềm mới này còn có thể tạo cho mỗi người dân một mã QR về sức khoẻ để mỗi khi cần khám chữa bệnh, tại bất kỳ cơ sở y tế nào, với mã QR, các thông tin trước đó của người đó sẽ hiện ra đầy đủ, giúp cho việc theo dõi và điều trị bệnh thuận lợi hơn nhiều.
Với cách làm này, ngành y tế sẽ có một kho dữ liệu lớn (big data) về đủ mọi đặc điểm bệnh tật của người dân. Với kho dữ liệu này, có thể xác định được hướng nghiên cứu khoa học thích hợp kể cả nghiên cứu cơ bản, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp cho việc chẩn đoán và điều trị nhanh hơn và chính xác hơn.
– Sử dụng phần mềm quản lý tài nguyên về nhân lực và phương tiện y tế, ngành y tế thành phố sẽ có phương án sử dụng hợp lý và không lãng phí chất xám và thiết bị tiên tiến như các thiết bị xét nghiệm hiện đại, không chỉ phục vụ cho chẩn đoán, điều trị mà còn cho công tác nghiên cứu cơ bản.
– Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực y tế đạt được về cả số lượng lẫn chất lượng. Các trường có thể giảng dạy về kiến thức, kể cả kiến thức chuyên sâu qua cách dạy online. Để dành nhiều thì giờ dạy trực tiếp, kiểu cầm tay chỉ việc, cho phần đào tạo kỹ năng thực hành, vốn là phần rất quan trọng trong ngành y. Với cách giảng dạy này, các trường có thể tuyển vào với số lượng nhiều hơn mà vẫn bảo đảm được chất lượng đào tạo, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế.
3. KẾT LUẬN
Các giải pháp khoa học kỹ thuật được đề nghị nếu thực hiện đồng bộ sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cấp nhất là cấp cơ sở, giúp giảm tình trạng quá tải tại một số bệnh viện và tiến đến quản lý sức khoẻ người dân tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian sắp tới, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin sẽ giúp ngành y tế phát triển nhanh hơn và đáp ứng được tốt hơn nhu cầu phòng chống bệnh tật./.
GS.TS. Nguyễn Sào Trung biên soạn
(Nguồn: Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh)