Xây dựng TP HCM – Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình: Đột phá từ văn hóa công vụ

331

(NLĐ) Để đến năm 2030, TP HCM là thành phố văn hóa, giải pháp được nhiều người đề xuất là chú trọng xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, cơ quan công quyền, qua đó tạo sự lan tỏa.

Ngày 15-12, Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng TP HCM – Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình” để góp phần hiện thực hóa mục tiêu do Đại hội XI Đảng bộ TP HCM đặt ra là “đến năm 2025, TP HCM sẽ trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đến năm 2030 sẽ là thành phố văn hóa”. Tham dự có ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.

Chú trọng sự nêu gương

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật TP HCM, cho biết với hơn 300 năm lịch sử, nhân dân Sài Gòn – TP HCM đã giữ vững và phát huy rực rỡ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong 35 năm đổi mới vừa qua, TP HCM không chỉ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước, mà còn có bước phát triển đột phá trong lĩnh vực văn hóa xã hội, tạo nên lối sống văn minh, nghĩa tình. Theo đó, một trong những nội dung mà hội thảo mong muốn nhận được từ các đại biểu là các giải pháp xây dựng TP HCM văn hóa, hiện đại, nghĩa tình trên quan điểm phát triển đồng bộ giữa văn hóa và kinh tế.

Góp giải pháp cho hội thảo, TS Vũ Thị Mai Oanh, nguyên Trưởng Khoa Lý luận, Học viện Cán bộ TP HCM, nói vai trò của văn hóa khi được nói đến là soi đường, đi trước một bước nhưng thực tế có lúc chúng ta coi văn hóa là “cái bóng” của kinh tế. “Có quan điểm cho rằng phát triển kinh tế thì văn hóa phát triển cùng, thế nhưng thực tế cho thấy có lúc phát triển kinh tế, văn hóa lại không đi cùng mà còn thụt lùi. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu TP HCM là Thành phố văn hóa, thành phố phải xây dựng chiến lược phát triển văn hóa mang tính tổng thể, đồng bộ, lồng ghép vào các trụ cột khác” – TS Vũ Thị Mai Oanh nêu giải pháp.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM (thứ 2 từ phải sang) tham gia đoàn chủ tọa – chủ trì hội thảo khoa học.

Theo TS Vũ Thị Mai Oanh, văn hóa cùng với chính trị, kinh tế – xã hội là các trụ cột bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa “thấm sâu” vào các trụ cột khác nên đầu tư xây dựng văn hóa không có trọng điểm thì sẽ không có tác dụng. Bà cho rằng nếu chọn nơi nào để tập trung xây dựng văn hóa, tạo đột phá thì đó là hệ thống chính trị, cơ quan công quyền. Bởi đây là nơi phát nguồn các chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện trong đời sống, đặc biệt là có sẵn hệ thống đoàn thể nên rất dễ làm, mang tính lan tỏa.

Nêu cách làm, TS Vũ Thị Mai Oanh nhấn mạnh văn hóa lãnh đạo cần đặc biệt chú trọng sự nêu gương của người đứng đầu, là tinh thần, thái độ với Tổ quốc, nhân dân. Bên cạnh đó là xây dựng văn hóa công sở, văn hóa công vụ; tinh thần thái độ với công việc, trách nhiệm với nhân dân, quyết sách đưa ra của cán bộ, công chức. “Công chức làm việc hết mình chưa? Nhiều người hết mình với công việc nhưng tập thể chỉ cần 1-2 người thiếu ý thức thôi là đội ngũ xộc xệch rồi” – TS Vũ Thị Mai Oanh đặt vấn đề và cho rằng cần phải tập trung chấn chỉnh từ đây.

Cán bộ, công chức cần “trí tuệ cảm xúc”

Bổ sung thêm, TS Lê Thái Hỷ, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, đưa ra quan điểm về văn hóa công vụ dưới góc nhìn của người quản lý nhà nước và người dân khi về hưu.

TS Lê Thái Hỷ cho rằng khi người dân đến cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính thì đều nghe “làm đúng quy trình” nhưng vẫn có người bức xúc. Để giải quyết vấn đề này rất cần yếu tố vô cùng quan trọng là “trí tuệ cảm xúc”. “Yếu tố này không chỉ giúp cá nhân cán bộ, công chức hoàn thiện năng lực tự chủ bản thân, mà còn biết được người khác hiểu gì, muốn gì để chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ họ. Năng lực này rất cần thiết trong xây dựng và phát triển môi trường văn hóa” – nguyên giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đúc kết. Ông nhấn mạnh nội dung này cần được đầu tư nghiêm túc trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức nhằm cân bằng giữa năng lực chuyên môn và năng lực văn hóa.

Bên cạnh đó, TS Lê Thái Hỷ còn đề xuất trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, chính trị, chuyên môn, thành phố cũng nên tiên phong xem xét, bổ sung các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa đô thị. “Chỉ khi đáp ứng những tiêu chuẩn này và quan trọng hơn là những tiêu chuẩn này phải được thể hiện trong hành vi hằng ngày của người lãnh đạo, mới bảo đảm người lãnh đạo thành phố là đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi người dân” – nguyên giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề xuất giải pháp thực hiện.

TS Lê Thái Hỷ khẳng định nếu TP HCM xây dựng thành công công sở văn hóa và lãnh đạo văn hóa thì sẽ có được các yếu tố nền tảng cho “chính quyền văn hóa”. Tương tự, nếu TP HCM có các khu phố văn hóa với hạt nhân là gia đình văn hóa cùng với chính quyền cơ sở văn hóa thì sẽ xây dựng được các yếu tố cơ bản cho “không gian nhân văn” của đô thị TP HCM.

Phong trào tẩy chay các trang web “bẩn”

Theo TS Vũ Thị Mai Oanh, quá trình chuyển đổi số của TP HCM đang diễn ra toàn diện và đồng bộ trên tất cả các trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, kết quả cuối cùng là để phát triển con người. Vì vậy, không ai khác, mỗi người dân phải là chủ thể tham gia tích cực trong sự nghiệp “Xây dựng TP HCM – Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình”.

“Đặc biệt, thời gian tới, TP HCM cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Hơn cả, đã đến lúc cơ quan chức năng cần lập lại trật tự trên các trang mạng xã hội, đồng thời phát động phong trào quần chúng tẩy chay các trang web “bẩn”, chấn chỉnh hoạt động của các YouTuber, qua đó làm sạch môi trường văn hóa trên nền tảng số” – TS Vũ Thị Mai Oanh đề xuất.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/xay-dung-tp-hcm-thanh-pho-van-hoa-hien-dai-nghia-tinh-dot-pha-tu-van-hoa-cong-vu-20211215221111852.htm