GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM 1945

522

Cùng với Cách mạng Tháng Tám, “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 – Áng văn lập quốc vĩ đại đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nguồn ảnh: Cổng thông tin TPHCM (https://hochiminhcity.gov.vn/)

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sớm hình thành ý thức tự tôn, tự lập, tự cường và tự hào dân tộc. Điều đó thể hiện trước hết ở việc khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước và coi đó là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, Mặc dù bị đô hộ, xong chúng ta quyết không khuất phục, không bị đồng hóa và cuối cùng người Việt đã thắng, hiên ngang khẳng định nền độc lập dân tộc, quyền sống tự do của nhân dân.

Trong thời kỳ phong kiến độc lập, ý thức tự tôn, tự lập, tự cường, tự hào dân tộc được tôi luyện và phát triển lên một trình độ mới với việc khẳng định quốc gia Đại Việt độc lập có quốc hiệu riêng, có triều đại với hoàng đế bình đẳng với Phương Bắc và phát triển cường thịnh. Điều đó được thể hiện nhất quán và đanh thép trong bài “thơ thần” của Lý Thường kiệt (có thể coi đây là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất):

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo (Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai) không chỉ khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, mà còn khẳng định giá trị truyền thống văn hiến lâu đời của Việt Nam đã hun đúc ý thức tự tôn, tự lập, tự cường, tự hào dân tộc và bản lĩnh Việt Nam:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Trong thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và vị thế của Việt Nam đã được Hồ Chí Minh luận chứng một cách sinh động, thuyết phục và nâng lên tầm cao mới với sự thể hiện nhất quán, đanh thép trong Tuyên ngôn độc lập 1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Và, suy rộng ra, điều ấy có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…”. Vì vậy, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM.

Tuyên ngôn độc lập – Áng thiên cổ hùng văn đó là kiệt tác về lịch sử, chính trị, pháp lý, văn hóa tối quan trọng (Văn kiện lập quốc) mang giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn và ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được khẳng định như một chân lý thiêng liêng, bất khả xâm phạm không chỉ ở “sách trời”, không chỉ trên bản đồ thế giới, mà còn ở Liên Hiệp quốc, ở công lý và hệ thống pháp luật quốc tế; và đặc biệt là ở hành động dựng nước, giữ nước của hàng triệu triệu người dân Việt Nam.

Với Tuyên ngôn độc lập, nên độc lập của dân tộc Việt Nam là độc lập thật sự, đầy đủ, hoàn toàn. Trong đó, bao gồm không chỉ độc lập về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, mà còn độc lập về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Với giá trị và ý nghĩa trên, độc lập dân tộc luôn tất yếu gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử nhân loại và lịch sử Việt Nam những thế kỷ qua và hiện nay đã xác nhận rằng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý khách quan không thể bác bỏ. Bởi vì, không có độc lập dân tộc thì không thể có chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là tiền đề và điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, thiếu chủ nghĩa xã hội cũng không có độc lập dân tộc thực sự và bền vững. Chủ nghĩa xã hội là sự bảo đảm chắc chắn và bền vững nhất cho sự trường tồn của nền độc lập dân tộc, là tiền đề và điều kiện căn bản cho sự phát triển phồn vinh quốc gia và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Thứ hai, với Tuyên ngôn độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một chế độ chính trị – xã hội mới ra đời – chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân. Trong đó, xóa bỏ mọi áp bức bóc lột, bất công và thực hiện công bằng, công khai, dân chủ. Điều đó phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử và đặc điểm của thời đại mới gắn với tiến bộ xã hội.

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện Chính trị – Pháp lý quan trọng đặt nền tảng cho việc khẳng định và thiết lập Nhà nước pháp quyền dân chủ ở Việt Nam sau năm 1945 với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Trên cơ sở đó cách mạng Việt Nam liên tục phát triển lên tầm cao mới với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân nhằm đạt tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”. Hơn nữa, Tuyên ngôn độc lập không chỉ tạo ra cơ sở lý luận – thực tiễn, điều kiện vật chất – tinh thần góp phần bảo đảm thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, mà còn trở thành ngọn cờ hiệu triệu và động lực thôi thúc nhân dân ta tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập là áng thiên cổ hùng văn, kết tinh và hòa quyện những giá trị, tinh hoa, trí tuệ văn hóa Việt Nam với giá trị, tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại. Vốn trí tuệ uyên bác, tầm nhìn chiến lược xuyên lịch sử và trải nghiệm cách mạng phong phú, Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn độc lập bằng luận điểm trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”… “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Và trên cơ sở đó, người “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Như vậy, nếu Tuyên ngôn độc lập của Mỹ chỉ nói đến quyền con người như một tất yếu và không ai có thể xâm phạm được, thì trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng tạo, mở rộng, nâng cao và phát triển quyền con người quyền dân tộc; đồng thời khẳng định nền độc lập và quyền của dân tộc Việt Nam bình đẳng với tất cả các dân tộc trên thế giới. Phát triển quyền con người thành quyền dân tộc, gắn quyền con người với quyền dân tộc và cho rằng, độc lập dân tộc là tiền đề và điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc thực hiện quyền con người và phát huy giá trị thực sự của độc lập dân tộc – đó là một trong những giá trị nổi bật của Tuyên ngôn độc lập, đóng góp quan trọng vào tinh hoa văn hóa nhân loại và tiến bộ xã hội.

Thứ tư, Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định và gắn quyền con người với quyền dân tộc, mà còn khẳng định sức mạnh vô địch của đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; đồng thời, khẳng định lý tưởng, tạo dựng niềm tin cách mạng với lời thề độc lập: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Như vậy, Tuyên ngôn độc lập – lời hiệu triệu của non sông đất nước với tinh thần vì đại nghĩa “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời hiệu triệu thiêng liêng đó đã trở thành niềm tin, ý chí và động lực mạnh mẽ thôi thúc hàng triệu người Việt Nam xả thân vì nghĩa, làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” (1954); “Đại thắng mùa xuân lịch sử” (1975) và ngày nay góp phần làm nên cơ đồ, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ năm, bảy mươi bảy năm đã đi qua, song nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Tuyên ngôn độc lập không chỉ giữ nguyên giá trị, mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt trong thời đại mới. Đất nước ta trong thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ và thách thức. Các thế lực thù địch luôn chống phá cách mạng; Tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang làm ảnh hưởng nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta xác định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ..; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”. Điều đó, cũng có nghĩa là bảo đảm quyền dân tộc, quyền con người và cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

77 năm đã đi qua, thế giới vẫn không ngừng biến đổi, song giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử thế giới của Tuyên ngôn độc lập vẫn sống mãi, luôn tươi mới trong trái tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ, không chỉ bởi giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, văn hóa của nó, mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền dân tộc và quyền con người được sống trong môi trường hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ từng mong ước.

PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa
(Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh)