Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM: “Đội ngũ trí thức Thành phố không ngừng sáng tạo và cống hiến”

318

(KHPT) – “Đội ngũ trí thức Thành phố luôn mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn, cung cấp đầy đủ các thông tin về chiến lược phát triển, qui hoạch xây dựng, kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm của TP và giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện để được đóng góp kiến thức, góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách nhanh chóng và bền vững”

Đây là những tâm tư, mong mỏi của GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp Hội) với sự phát triển của KH&CN tại TP.HCM.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: BT

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ  (KH&CN) Việt Nam (18/5) sắp tới, phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông đã có buổi phỏng vấn ông về sự phát triển của KHCN tại TP.HCM.

Đã hoàn thành một khối lượng lớn các đề tài và dự án khoa học

PV: – Xin ông cho biết vai trò của giới trí thức, nhà khoa học đối với hoạt động KH&CN của TP.HCM?

+ GS.TS. NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Quán triệt một cách sâu sắc vai trò, trách nhiệm của đội ngũ KHCN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM và cả nước, trong thời gian qua và nhất là trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức TP.HCM đã triển khai nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực gồm: Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa học quản lý phát triển xã hội và Khoa học về sức khỏe con người (Y – Dược học). Trong đó, mỗi lĩnh vực khoa học đều có định hướng nghiên cứu cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự hỗ trợ kịp thời của Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành TP.HCM; cùng với nỗ lực vượt bậc của các nhà khoa học nên đội ngũ trí thức TP đã hoàn thành một khối lượng lớn các đề tài và dự án khoa học, góp phần quan trọng vào sự phát triển khá toàn diện của TP.HCM và cả nước.

– Những thành tựu cụ thể đó là gì, thưa ông?

+ Cụ thể đã tổ chức nghiên cứu và hoàn thành nghiệm thu 5.634 đề tài khoa học (cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp thành phố/tỉnh, cấp viện, trường và cơ sở) và 1.500 dự án khoa học (lớn, nhỏ). Trong đó, có tới 75% sản phẩm của đề tài, dự án có khả năng ứng dụng. Nhiều đề tài, dự án nghiệm thu có giá trị khoa học, kinh tế, xã hội cao, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển các lĩnh vực ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Trong đó, tiêu biểu là dự án: “Hệ thống công trình lấn biển Cần Giờ” (Liên hiệp Hội là chủ đầu tư); đề tài: “Thụ tinh trong ống nghiệm, chữa bệnh vô sinh” (Hội Y học TP.HCM, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm chủ nhiệm, được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2005); đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số thiết bị đo lường và điều khiển phục vụ sản xuất” (Hội Cơ học TP.HCM chủ trì, GS.TS Ngô Kiều Nhi làm chủ nhiệm, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ, năm 2005); đề tài:“Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Liên hiệp Hội, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa làm chủ nhiệm, 2017). Đặc biệt là công trình khoa học “Khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ – TP.HCM” (Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp TP.HCM đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2005).

Nhiều giám định và phản biện mang giá trị cao

– Vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội các vấn đề nóng của TP đã được Liên hiệp Hội thực hiện khá mạnh và cũng là hoạt động chính trị chủ lực. Với vai trò là người đứng đầu của Liên hiệp Hội, ông đánh giá thế nào về công tác trên. Những mặt tích cực nào cần được phát huy và mặt hạn chế nào cần được nhìn nhận?

+ Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành TP.HCM, Liên hiệp Hội, các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc đã tích cực triển khai thực hiện và hoàn thành một khối lượng lớn công việc tư vấn, phản biện đối với các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa trên địa bàn TP.HCM thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Hội đồng tư vấn, phản biện khoa học; các buổi sinh hoạt học thuật, góp ý khoa học; tọa đàm và hội thảo khoa học; đăng báo và xuất bản sách; chuyển tải thông tin qua các phương tiện truyền thông, phát hành, truyền hình, internet, trang báo điện tử, tạp chí….).

Kết quả cụ thể: đã tổ chức hơn 4.000 sinh hoạt chuyên đề (chính trị, luật pháp, khoa học…) đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, luật pháp và các chương trình, dự án KHCN, giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của TP.HCM và cả nước. Phản biện chuyên sâu hơn 3.500 dự án phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường, giao thông, y tế, giáo dục ở TP.HCM. Trong đó có những giám định và phản biện mang giá trị khoa học, thực tiễn và kinh tế – xã hội cao được chính quyền ghi nhận và nhân dân tin tưởng như dự án: “Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm” (Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Huỳnh Văn Hoàng); dự án: “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và nhà máy đóng tàu Ba Son” (Chủ tịch Hội đồng: GS.TS Nguyễn Ngọc Giao); dự án: “Giám định xã hội dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè”” (Chủ tịch Hội đồng: KS. Lương Viên); dự án: “Tham gia phản biện các dự án vệ sinh môi trường và chống úng, ngập TP.HCM” (Chủ trì: cơ quan Liên hiệp Hội) v.v…

– Xin ông cho biết định hướng hoạt động KHCN của Liên hiệp Hội trong thời gian tới?

+ Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong lãnh vực phát triển và ứng dụng KHCN. Thứ nhất, phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị – xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN. Thứ hai, nâng cao trình độ và năng lực, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp của Liên hiệp Hội, các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc gồm:

  • Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, trao đổi thông tin và phổ biến kiến thức KHCN, thông qua việc tổ chức thường xuyên các tọa đàm giới thiệu các thành tựu KHCN mới, khuyến khích viết sách công bố và chuyển giao tri thức KHCN cho thế hệ trẻ…
  • Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học (trong và ngoài nước) với các doanh nghiệp để đưa nhanh khoa học – kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc thành lập trung tập kết nối khoa học – kỹ thuật và công nghiệp toàn cầu trực thuộc Liên hiệp Hội.
  • Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

– Nhân Ngày KHCN Việt Nam 18/5, ông có đôi lời nhắn nhủ gì đến đội ngũ trí thức KH để hoạt động KH&CN ngày càng phát triển trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng?

+ Thực tiễn đã cho thấy KHCN là động lực để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần to lớn trong tăng năng suất lao động và tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, với vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ trí thức KHCN phải ra sức nghiên cứu, không ngừng sáng tạo, để có thể cống hiến nhiều hơn và lãnh đạo các cấp cần tạo điều kiện làm việc tốt nhất, khuyến khích, động viên, tôn vinh kịp thời các thành tựu mà đội ngũ KHCN đạt được. Có như thế nền kinh tế của đất nước ta, của TP ta mới phát triển nhanh và bền vững, mới có thể vươn tầm với các nước tiên tiến trên thế giới.

– Xin cảm ơn ông!

TUYẾT MAI (Thực hiện)

(Nguồn: https://www.khoahocphothong.com.vn/chu-tich-lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-va-ky-thuat-tp-hcm-doi-ngu-tri-thuc-thanh-pho-khong-ngung-sang-tao-va-cong-hien–61891.html)