Cùng với Cách mạng Tháng Tám, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên phát triển độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Suốt hành trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh luôn trăn trở về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Người nghiên cứu kỹ các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới (cách mạng tư sản Mỹ, Pháp; cách mạng XHCN Tháng Mười Nga); đồng thời suy ngẫm về Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1791) với mong muốn là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã soạn thảo và đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và các quốc gia trên thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời.
Trong lịch sử hàng ngàn năn dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sớm hình thành ý thức độc lập và tự cường dân tộc. Điều đó thể hiện trước hết ở việc khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và coi đó là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Từ thời cổ đại, Người Việt đã suy nghĩ và hành động quyết liệt, không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào dù chúng có to lớn và tàn bạo đến đâu đi nữa. Trong 1.117 năm Bắc thuộc, mặc dù bị đô hộ song chúng ta quyết không để mất đất mất dân, không chịu khuất phục, không bị đồng hóa; và cuối cùng Người Việt đã thắng, hiên ngang khẳng định nền độc lập dân tộc, quyền sống và tự do mưu cầu hạnh phúc của nhân dân.
Trong thời kỳ phong kiến độc lập, ý thức độc lập và tự cường dân tộc được tôi rèn và phát triển lên một trình độ mới với việc khẳng định quốc gia Đại Việt độc lập có quốc hiệu riêng, có triều đại với hoàng đế ngang hàng với phương Bắc…. được thể hiện trong “Nam quốc sơn hà” (Tuyên ngôn độc lập thứ nhất) của Lý Thường Kiệt:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Như đẳng hành khan thủ bại hư”
Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo” (Tuyên ngôn độc lập thứ hai) không chỉ khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mà còn khẳng định giá trị truyền thống văn hiến Việt Nam đã hun đúc ý chí độc lập, tự cường dân tộc và bản lĩnh Việt Nam:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc – Nam cũng khác…”
Như vậy, nếu như Lý Thường Kiệt khẳng định nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và vị thể của Đại Việt đã được phân định một cách tự nhiên ở “sách trời” (đó là quy luật khách quan, là lẽ phải tất yếu và điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm); thì Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định điều đó ở “sách trời”, mà còn chứng minh điều đó bằng hiện thực với các điều kiện địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán và đặc biệt là nó được thể hiện ở ý thức dân tộc, ở năng lực tự chủ, tự lập, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và chủ nghĩa phát xít, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và vị thế của Việt Nam đã được Hồ Chí Minh luận chứng một cách thuyết phục (với cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở khoa học và thực tiễn), nâng lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới và được thể hiện một cách đanh thép, sinh động, nhất quán trong “Tuyên ngôn độc lập” (1945): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”… Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được… Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử, pháp lý, chính trị tối quan trọng (văn kiện lập quốc), mang giá trị trường tồn và ý nghĩa thời đại sâu sắc.
– Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với Tuyên ngôn độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam, một chế độ chính trị – xã hội mới ra đời – Chế độ dân chủ nhân dân. Trong đó, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột và thực hiện công bằng, dân chủ; người dân là chủ và làm chủ, còn chính phủ và chính quyền các cấp là “người đầy tớ” phục vụ nhân dân. Điều đó phù hợp với quy luật phát triển của loài người và đặc điểm của thời đại mới cùng tiến bộ xã hội. Tuyên ngôn độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam mới, mà còn là văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng đặt nền tảng cho việc khẳng định và thiết lập Nhà nước pháp quyền dân chủ ở Việt Nam sau năm 1945; và với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, Tuyên ngôn độc lập trở thành ngọn lửa bất diệt, khơi nguồn sáng tạo, soi đường đưa cách mạng Việt Nam đi tới tầm cao mới với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
– Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập mở ra kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử hiện đại của Việt Nam – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Với Tuyên ngôn độc lập, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được khẳng định như một chân lý thiêng liêng và bất khả xâm phạm không chỉ ở “sách trời”, không chỉ trên bản đồ thế giới, mà còn ở hệ thống công lý, pháp luật quốc tế; và đặc biệt là ở hành động dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hàng triệu triệu người dân Việt Nam.
Với Tuyên ngôn độc lập, độc lập của dân tộc Việt Nam chính là nền độc lập thật sự, đầy đủ hoàn toàn; trong đó bao gồm không những độc lập về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, mà còn độc lập về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Với giá trị và ý nghĩa trên, độc lập dân tộc chỉ có thể là nền độc lập thật sự, đầy đủ, hoàn toàn và bền vững khi gắn bó chặt chẽ (không thể tách rời) với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử nhân loại và lịch sử phát triển của Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã xác nhận rằng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý không thể bác bỏ. Không có độc lập dân tộc, không thể có chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết và căn bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Không có chủ nghĩa xã hội, không thể có độc lập dân tộc bền vững. Chủ nghĩa xã hội là sự bảo đảm chắc chắn nhất, bền vững nhất cho sự trường tồn của nền độc lập dân tộc, là tiền đề và điều kiện căn bản cho sự phát triển phồn vinh của quốc gia và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
– Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập là kết tinh và hòa quyện những giá trị, tinh hoa, trí tuệ văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại (tiêu biểu là những thành quả của cách mạng dân chủ tư sản Mỹ và Pháp thế kỷ XVIII). Với tầm trí tuệ của danh nhân văn hóa thế giới cùng bề dày tri thức và kinh nghiệm cách mạng của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam bằng trích dẫn câu trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”) và câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”). Trên cơ sở đó, Người “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Điều đặc biệt quan trọng ở đây là, nếu như trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp chỉ đơn thuần nói đến quyền con người như một tất yếu của tạo hóa và không ai có thể xâm phạm được (là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc), thì Hồ Chí Minh đã sáng tạo, mở rộng, nâng cao và phát triển quyền con người thành quyền dân tộc; đồng thời khẳng định nền độc lập và quyền của dân tộc Việt Nam cũng bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới là đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Phát triển quyền con người thành quyền dân tộc, gắn quyền con người với quyền dân tộc và cho rằng: Dân tộc độc lập là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và việc thực hiện tốt quyền con người không chỉ bảo vệ mà còn phát huy giá trị và ý nghĩa đích thực của độc lập dân tộc – Đó là một trong giá trị nổi bật của Tuyên ngôn độc lập và đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh với tinh hoa văn hóa nhân loại và tiến bộ xã hội.
– Thứ tư, Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định và gắn quyền con người với quyền dân tộc, mà còn khẳng định sức mạnh vô địch của đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; đồng thời khẳng định lý tưởng, niềm tin và “lời thề độc lập” của. “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Như vậy, Tuyên ngôn độc lập đã trở thành lời hiệu triệu của non sông đất nước với tinh thần vì đại nghĩa “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời hiệu triệu thiêng liêng đó đã trở thành niềm tin, ý chí và động lực mạnh mẽ thôi thúc hàng triệu người Việt Nam xả thân vì nghĩa, làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” (1954) và “Đại thắng mùa xuân lịch sử” (1975).
– Thứ năm, với Tuyên ngôn độc lập, công cuộc đổi mới ở Việt Nam sau 35 năm đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Song hiện nay, đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn luôn chống phá; tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang đe dọa nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ….
Vì vậy, giá trị và ý nghiã của Tuyên ngôn độc lập lại vang lên với tính thời sự cấp bách. Thấm nhuần “Lời thề độc lập”: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập” mà Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên trì đường lối “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục thực hiện chủ trương độc lập tự chủ, hòa bình và hữu nghị với tất cả các nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường năng lực nội sinh, kiên quyết không để bị động và bất ngờ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.
Bảy mươi lăm năm đã đi qua, thế giới đã, đang và sẽ có nhiều biến đổi, song giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập vẫn luôn sống mãi trong trái tim, khối óc của các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ, không chỉ bởi giá trị lịch sử, giá trị chính trị và pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền dân tộc và quyền con người được sống trong môi trường hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc như Hồ Chí Minh đã mong ước.
Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội