Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm 2024: Để gia đình thực sự là tổ ấm

119

(NVH KH) – Ở Việt Nam, Quyết định số 72/2001/QĐ TTg, ngày 4 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng các gia đình và từng người dân thường xuyên chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.  

Gia đình, nơi bắt đầu, cũng là nơi kết thúc của một đời người. Từ thường dân, đến vĩ nhân, lãnh tụ đều được sinh ra, được nuôi dưỡng, chấp cánh ước mơ, định hướng nghề nghiệp trong môi trường gia đình. Chính gia đình là nơi tái sản xuất ra con người, tái tạo sức lao động, cung cấp nguồn nhân lực cho các hoạt động ngoài xã hội, duy trì sự tồn tại và phát triển liên tục của xã hội. Ngược lại sự phát triển của xã hội quy định quy mô, tính chất và trình độ phát triển của gia đình. Vì vậy, mọi chính thể, mọi quốc gia, dân tộc ở tất cả các thời đại đều quan tâm đến gia đình, tạo mọi điều kiện để gia đình làm tốt các chức năng thiêng liêng của mình, thực hiện sứ mệnh cao cả mà không một thiết chế xã hội nào làm được –  đó là cung cấp nguồn nhân lực, bộ phận quan trọng nhất của lực lượng sản xuất cho các hoạt động của đời sống xã hội.

Gia đình là tế bào cấu thành xã hội

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, gia đình được các nhà triết học lý giải theo nhiều góc độ khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm: coi gia đình là yếu tố cấu thành xã hội. Nho giáo cho rằng: Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân [1]. Có nghĩa là: Gốc của thiên hạ ở nước; gốc của nước ở nhà; gốc của nhà ở mỗi người. Người quân tử muốn làm việc lớn thì trước hết phải“tu thân”, sau là “ tề gia”, mới “ trị quốc”, “bình thiên hạ” được. Với Nho giáo nhà có yên thì xã hội mới thịnh được.

Ở phương Tây, dù ít đề cập đến vấn đề gia đình, nhưng các nhà triết học phương Tây luôn đề cập vai trò của gia đình trong mối quan hệ với nhà nước, chế độ tư hữu. Arixtốt cho rằng: nhà nước ra đời trên cơ sở gia đình, chính quyền nhà nước là sự tiếp tục chính quyền trong gia đình. Xôcrát cũng đề cao vai trò của gia đình khi cho rằng: “khi không biết cai quản một gia đình thì làm sao có thể cai quản được cả vạn hộ” [2]. Nhà triết học người Đức Hêghen cũng có quan điểm tương tự khi gắn vai trò của gia đình với nhà nước. Ông cho rằng gia đình và xã hội công dân chịu sự điều chỉnh của nhà nước. Qua hoạt động của nhà nước, gia đình và xã hội công dân được bảo tồn, đời sống xã hội cũng như mâu thuẫn giai cấp mới được điều hoà.

Trên cơ sở phương pháp luận duy vật lịch sử, Chủ nghĩa Mác – Lên nin đã có những nghiên cứu toàn diện về gia đình, luận giải một cách khoa học nguồn gốc và quá trình phát triển của các hình thức gia đình trong lịch sử. Chính sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế – xã hội làm cho xã hội loài người vận động và phát triển, cũng làm cho gia đình biến đổi tương ứng về hình thức, quy mô và kết cấu. Từ các hình thức gia đình quần hôn trong thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ –  khi quan hệ hôn nhân chủ yếu chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên: sống bày đàn, săn bắn hái lượm để duy trì cuộc sống và hình thức gia đình quần hôn để duy trì nòi giống. Đến gia đình một vợ một chồng là một bước tiến dài của sự phát triển gia đình, khi xuất hiện những điều kiện kinh tế – xã hội là sự phân công lao động xã hội, chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu hình thành và xã hội phân chia thành giai cấp. Hình thức gia đình một vợ một chồng ra đời, trở thành đơn vị kinh tế của xã hội, đánh dấu khởi đầu thời kỳ văn minh của nhân loại. Theo Ănggen: Việc chuyển sang chế độ tư hữu hoàn toàn được thực hiện dần dần và song song với việc chuyển từ hôn nhân cặp đôi sang chế độ một vợ một chồng. Gia đình cá thể bắt đầu trở thành đơn vị kinh tế của xã hội.

Tuy nhiên, dưới các chế độ dựa trên nền tảng kinh tế là chế độ chiếm hữu tư nhân về các tư liệu sản xuất chủ yếu và đối kháng giai cấp, xã hội hiện hữu tình trạng áp bức, bất công thì quan hệ giữa các thành viên trong gia đình một vợ một chồng cũng không thể có bình đẳng. Tuỳ từng giai đoạn lịch sử nhất định, mà gia đình có tính chất đặc trưng riêng biệt.

Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, ngoài xã hội là quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, trong gia đình chế độ huyết tộc mẫu quyền bị xoá bỏ, thay vào đó là chế độ phụ quyền, người chồng có địa vị quan trọng hơn người vợ, do chỗ anh ta nắm quyền sở hữu của cải, thì quan hệ vợ chồng sẽ chẳng có tình yêu trai gái, mà đầy mâu thuẫn và giả tạo. Mọi luật lệ hôn nhân được đặt ra, trong đó có luật thừa kế phải bảo vệ cho vị thế của người đàn ông và quyền thừa kế cho con đẻ của mình, buộc người phụ nữ phải chung thuỷ tuyệt đối, chế độ một vợ một chồng ra đời: sự tổ chức một số người tự do và không tự do thành gia đình dưới quyền lực gia trưởng của người chủ gia đình. Hình thức gia đình đó đánh dấu bước chuyển từ chế độ hôn nhân đối ngẫu sang chế độ một vợ một chồng. Kiểu gia đình này tiếp tục kéo dài đến chế độ phong kiến.

Trong chế độ phong kiến, quan hệ gia đình chịu sự chi phối của các quan hệ kinh tế – xã hội và đạo đức của thời đại phong kiến. Ở đó, chỉ người đàn ông mới có quyền sở hữu và tham gia các hoạt động trị quốc, bình thiên hạ. Ngoài xã hội tồn tại tình trạng trọng nam kinh nữ, thì trong gia đình là cảnh chồng chúa, vợ tôi; nhà trong tư tưởng Nho giáo là gia đình gia trưởng, bảo vệ quyền gia trưởng của đàn ông, đàn bà là kẻ phụ thuộc, phải phục tùng chồng tuyệt đối. Một vợ một chồng chỉ là phép tắc đối với phụ nữ, để bảo đảm những đứa trẻ sinh ra phải là con của ông chủ gia đình, chúng sẽ mang họ cha, để còn thừa kế tài sản của cha chúng. Người đàn ông có quyền năm thê, bảy thiếp, hôn nhân phải môn đăng hộ đối nhằm duy trì trật tự phong kiến và bảo vệ quyền lợi của các dòng tộc.

Trong chủ nghĩa tư bản, quan hệ hôn nhân bị chi phối bởi quan hệ kinh tế – xã hội và đạo đức tư bản chủ nghĩa. Gia đình một vợ, một chồng được bảo vệ bởi pháp luật tư sản, cuối cùng vẫn là để duy trì chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Mọi quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân đều được xây dựng trên những toan tính lợi ích, mọi thứ đều có thể biến thành hàng hoá để trao đổi và hợp nhất tài sản giữ các dòng họ, tình cảm gia đình chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần. Kiểu gia đình đó, làm gia tăng tình trạng ngoại tình và nạn mại dâm đầy rẫy trong xã hội.

Tóm lại, trong các chế độ tư hữu và áp bức xã hội, thì gia đình một vợ một chồng không thể có sự bình đẳng giữa các thành viên của nó. Chỉ khi giai cấp công nhân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi và thực hiện bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, dần tạo lập các điều kiện kinh tế – xã hội, cho phép xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân về các tư liệu sản xuất chủ yếu và lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, con người được giải phóng khỏi tình trạng áp bức bất công, trở thành người tự do, thì gia đình một vợ một chồng sẽ đạt đến một bước tiến mới. Quan hệ hôn nhân dựa trên tình yêu nam nữ, bình đẳng và tự nguyện.

Gia đình là tổ ấm yêu thương của con người

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang tạo ra những tiền đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội để giải phóng con người, hướng tới các giá trị cốt lõi: độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời với cuộc cách mạng xã hội, là cuộc cách mạng trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực sự là tổ ấm, là chốn đi về bình yên cho mỗi con người, là tiền đề cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.

Trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, trước hết thuộc về mỗi thành viên trong gia đình, cùng nhau vun đắp cho các mối quan hệ, cùng nhau thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình. Đó là cách để mỗi người có được hạnh phúc riêng và đem lại niềm vui sống, hạnh phúc cho những người thân yêu của mình. Trong đó, quan hệ vợ chồng (quan hệ hôn nhân) là quan hệ cơ bản hình thành nên gia đình, được xây dựng trên cơ sở tình yêu nam nữ. Và vì bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ, thế nên hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu đã thể hiện bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng. Trong chế độ mới, xã hội chủ nghĩa hôn nhân dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do yêu đương, tự do tìm hiểu, tự nguyện đến với nhau và cùng xây dựng hạnh phúc lứa đôi. cùng thực hiện chức năng duy trì nòi giống, chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người. Đó không chỉ là hạnh phúc cá nhân, mà còn là trách nhiệm của mỗi người đối với dòng tộc, cũng là trọng trách của gia đình đối với xã hội, cung cấp những công dân có sức khoẻ, có nhân cách, đạo đức và tài năng cho xã hội. Quan hệ huyết thống, là quan hệ giữa cha mẹ và con cái; ông bà và các cháu; anh chị và các em… là những quan hệ đặc trưng, cơ bản của gia đình, gắn bó với nhau bởi cùng dòng máu, được sinh ra từ tinh cha, trứng mẹ, là sự kết tinh tuyệt vời của tạo hoá và tình yêu lứa đôi. Các thành viên gia đình gắn kết với nhau bằng sợi dây tình cảm, yêu thương và trách nhiệm, bảo ban, che chở cho nhau.

Như vậy gia đình là cộng đồng xã hội đặc biệt, do chỗ nó là đơn vị tình cảm, ở đó con người có mối liên kết tình cảm mang tính xã hội và được sống trong môi trường thấm đẫm tình yêu thương giữa những người thân thích, gần gũi nhất, mà các cộng đồng khác không có được, giúp con người cân bằng tâm sinh lý, duy trì đời sống tình cảm tốt đẹp là yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân hoàn thiện vẻ đẹp thể xác, giàu có về đời sống tinh thần, thăng hoa trong các hoạt động sản xuất vật chất và sáng tạo các giá trị tinh thần. Vì vậy, sự hoà thuận, yên ấm, vui vẻ trong gia đình đòi hỏi các thành viên phải cảm thông, thấu hiểu, rộng lượng, bao dung với nhau trong ứng xử, giao tiếp, tránh xảy ra xung đột làm tổn thương nhau, làm mất hoà khí, thậm chí dẫn đến đổ vỡ gia đình. Một khi yếu tố tình cảm bị sứt mẻ, thì gia đình không còn là tổ ấm yêu thương, mà trở thành gánh nặng, nỗi đau đớn tinh thần dai dẳng, khó lành ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần và thể xác của mỗi người. Như vậy, để có một gia đình hạnh phúc phải là cộng đồng trách nhiệm và chung tay góp sức của từng cá nhân. Vì hạnh phúc cá nhân chỉ có khi gia đình hạnh phúc, mỗi người cố gắng làm tốt vai trò của mình, cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo ban con cái; con cái phải ngoan ngoãn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; người trẻ phải có trách nhiệm chăm sóc, báo hiếu cha mẹ, ông bà; vợ chồng phải yêu thương, chung thuỷ, trách nhiệm với nhau; anh chị em phải yêu thương, giúp đỡ, bảo ban nhau làm tốt phận làm con cháu, v.v..

Không chỉ là một đơn vị tình cảm, gia đình còn là một đơn vị kinh tế. Chức năng kinh tế của gia đình là tạo ra của cải vật chất, tăng thu nhập để thoả mãn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của từng thành viên. Không thể có gia đình hạnh phúc trong sự nghèo đói, không thể có con người tự do và phát triển toàn diện trong cảnh bần hàn, xã hội không thể văn minh trong cảnh thiếu thốn. Vì vậy, chăm lo phát riển kinh tế gia đình, tạo lập nền tảng vật chất vững chắc và bền vững, không chỉ là trách nhiệm của mọi thành viên của gia đình, mà còn là trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp. Sự phồn vinh của mỗi nhà, bảo đảm cuộc sống sung túc, no đủ của mỗi người, có điều kiện phát triển thể chất, hoàn thiện kỹ năng và bồi dưỡng năng lực để tham gia vào thị trường lao động, góp phần cho thịnh vượng chung của xã hội.

Gia đình còn có chức năng giáo dục, những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên chịu sự giáo dục đầu tiên từ gia đình và cha mẹ, ông bà chính là những người thầy đầu tiên, dạy cho con cháu những bài học đầu tiên làm người. Những kiến thức này sẽ chi phối suốt quá trình trưởng thành, nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho họ. Dù không có bảng đen, phấn trắng, giáo trình, nhưng giáo dục trong gia đình được diễn ra thường xuyên, liên tục trong suốt đời người, qua lời ru của bà, của mẹ; những lời răn dạy, khuyên bảo của người lớn; cách xắp xếp, tổ chức cuộc sống trong gia đình; sự làm gương và nhân cách đạo đức của ông bà, cha mẹ; v.v..; kiến thức là những đúc kết từ ngàn đời trong kho tàng văn hoá dân tộc, ca dao, tục ngữ, hò vè; những kinh nghiệm trong lao động sản xuất; chống giặc ngoại xâm, xây dựng đời sống cộng đồng, v.v.. Qua đó gia đình còn là nơi gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác, bền bỉ, tiếp nối giữa các thế hệ. Dù xã hội hiện đại đã hình thành các tổ chức giáo dục chuyên nghiệp, với hệ thống các quy định, nguyên tắc phức tạp hơn, nhưng giáo dục trong gia đình vẫn có vị trí quan trọng không thể thay thế.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh

Cùng với những thành tựu của đất nước sau 38 năm đổi mới, gia đình Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Những giá trị nhân văn mới, đề cao quyền tự do cá nhân, quyền trẻ em, bình đẳng giới, làm thay đổi diện mạo gia đình Việt Nam ngày càng văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, sự du nhập các giá trị văn hoá bên ngoài, cùng sự bùng nổ thông tin, số hoá mọi mặt đời sống xã hội cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của các gia đình. Tình trạng quá chú trọng chức năng kinh tế, sao nhãng việc quan tâm, giáo dục con cái, chăm sóc cha mẹ già làm mối quan hệ giữa các thành viên gia đình dần mất đi sự gắn kết, thậm chí dẫn đến đổ vỡ gia đình. Tình trạng hôn nhân xây dựng trên những toan tính vật chất, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, hôn nhân lệch tuổi, hôn nhân đồng giới, sống thử, ngoại tình .v.v..  đang tạo ra những tình huống mới cần thích nghi và nghiên cứu để có ứng xử phù hợp. Lối sống thực dụng, ích kỷ của bộ phận giới trẻ làm gia tăng xung đột thế hệ, khác biệt hệ giá trị, tranh chấp tài sản, tệ nạn xã hội khiến nhiều gia đình lâm cảnh xào xáo, thậm chí dẫn đến tranh chấp pháp lý, khiến những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống dần bị sói mòn.

Đứng trước bối cảnh mới, mỗi cá nhân và các gia đình cần nhanh chóng thích ứng, gạn đục khơi trong, trên cơ sở gìn giữ phát huy các giá trị văn hoá gia đình truyền thống tốt đẹp: đề cao trách nhiệm, lòng chung thuỷ, thuận vợ, thuận chồng; kính trên, nhường dưới, hiếu thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Loại bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp với thời đại mới như: nạn tảo hôn, nghi lễ cưới hỏi rườm rà, lãng phí; bất bình đẳng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, bạo hành gia đình .v.v.. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá nhân loại, tư tưởng tiến bộ của thời đại về gia đình; tiếp tục hoàn thiện hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện, triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” làm chuẩn mực để các cá nhân thực hành ứng xử văn minh và lành mạnh hoá các quan hệ gia đình. Nêu cao trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng dân cư chung sức xây dựng gia đình Việt Nam theo các tiêu chí: no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh, để gia đình thực sự là tổ ấm yêu thương, chốn về bình yên cho tất cả mọi người.

Quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang đặt yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đặt yêu cầu cho các gia đình phải thực hiện tốt hơn nữa các chức năng thiêng liêng của mình, vì sự phát triển con người, vì chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để hỗ trợ cho các gia đình, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập; nhiều chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế hướng đến đối tượng thụ hưởng là gia đình. Phấn đấu cho mục tiêu chung được xác định trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra: Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Hướng về ngày gia đình Việt Nam, ngày 28 tháng 6, để nhắc nhớ mỗi người về giá trị gia đình, ý thức về tình thương, trách nhiệm, sự quan tâm, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Hãy nhớ gia đình mới là nơi chữa lành kỳ diệu nhất, chốn về bình yên đầy tình yêu thương và hạnh phúc. Dù ở lứa tuổi nào, thành đạt hay mới vào đời, đều cần một nơi để cân bằng cảm xúc, tái tạo năng lượng, chia sẻ yêu thương. Đó là gia đình, nơi mình được sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục và lớn lên, nơi có những người thân yêu nhất luôn chờ đón, cũng là nơi an toàn nhất để trở về./.

T.s. Vũ Thị Mai Oanh

Nhà Văn hóa Khoa học

——————————————————————————————-

[1] Mạnh tử – Tập hạ, Tứ thơ, 1996, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.13

[2] Đại cương lịch sử triết học phương Tây, 2006, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.108-109.