Đồng chí Đào Duy Tùng – Nhà tư tưởng, lý luận lỗi lạc của Đảng

163

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 – 20/5/2024).

(ĐCSVN) – 74 tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng là nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc hàng đầu của Đảng, đặc biệt có những đóng góp nổi bật trong những bước ngoặt của cách mạng.

“Tôi có 12 năm công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, là chuyên viên cao cấp được phân công theo dõi lĩnh vực tư tưởng – văn hóa; là Phó Tổng thư ký, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành viên Tổ Biên tập Cương lĩnh, Thành viên Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng từ khóa VII đến khóa X, Thành viên Hội đồng xuất bản Mác – Ăngghen toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập…, do vậy có điều kiện thường xuyên tiếp xúc, làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng, xin có vài cảm nhận về đồng chí: Một hiền tài của đất nước”.

Trần Đình Nghiêm, nguyên chuyên viên cấp cao Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

Nhà tư tưởng, lý luận lỗi lạc

Ảnh tư liệu

Với 74 tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng là nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc hàng đầu của Đảng, đặc biệt có những đóng góp nổi bật trong những bước ngoặt của cách mạng. Đồng chí đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới từ những năm 1980, cùng với những lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100”, “khoán 10”, rồi đến “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội” mới, mà đồng chí làm Thường trực Tiểu ban biên soạn, được Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 thông qua. Đó là sự đổi mới, sáng tạo thực sự, đổi mới, sáng tạo có nguyên tắc – nguyên tắc trong đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tránh được sự nóng vội, trì trệ; hoặc lệch lạc, chệch hướng.

Đồng chí đã để lại cho chúng ta rất nhiều cuốn sách phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới với những thời cơ và thách thức đan xen đầy cam go, phức tạp.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng – nhiệm vụ then chốt là cuốn: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”. Cuốn sách có hai phần lớn: một là “Tư duy khoa học của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Trong đó đã phân tích, lý giải một cách khoa học, thuyết phục về Đảng ta đã tổ chức, lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta và của phong trào cách mạng thế giới”. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam mà Đảng ta là tiêu biểu. Hai là “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”. Trong đó đã trình bày rõ ngay từ đầu Đảng ta đã mang trong mình “bản chất cách mạng và khoa học”, một thuộc tính căn bản nhất của chính đảng Mác – Lênin, bản chất đó ngày càng được hun đúc, phát triển, bảo đảm cho Đảng ta đủ sức đề ra đường lối đúng đắn để lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng xã hội mới; tiếp theo là trình bày về phương châm, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đảng viên và phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Về sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển nền kinh tế rất khó khăn khi chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và thực hiện chế độ quản lý hành chính tập trung, bao cấp kéo dài là cuốn “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”.

Về công tác tư tưởng – nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, một “khoa học”, một “nghệ thuật” đem đến cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tri thức cách mạng và tình cảm cách mạng, tạo nên sức mạnh thực sự to lớn là cuốn “Công tác tư  tưởng trong thời kỳ đổi mới”.

Về mô hình của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng nước ta trong thời kỳ quá độ là cuốn “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cuốn sách gồm hai phần lớn: Phần thứ nhất trình bày “về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ năm 1955 đến năm 1993”, đặc biệt nhấn mạnh thời kỳ đổi mới 1986 -1993. Trong đó phân tích cả về phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất mới; cả về sản xuất, phân phối lưu thông; phát triển văn hóa  – xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; nêu rõ những thành công và thiếu sót, những vấn đề đặt ra phải đổi mới, xây dựng, phát triển một cách cơ bản và đồng bộ. Phần lớn thứ hai trình bày quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, trong đó nêu rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn; đồng thời phần này phân tích những đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta lựa chọn; những phương hướng chủ yếu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để xây dựng thành công mô hình đó…

Đó là những cuốn sách tiêu biểu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận sâu sắc, toàn diện của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, có giá trị nền tảng và rất thời sự.

Nhà lãnh đạo cao cấp tài năng

Đồng chí Đào Duy Tùng có những đóng góp to lớn, sáng tạo, hiệu quả hàng đầu trong việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết Đại hội Đảng, từ Đại hội III đến Đại hội VIII, đặc biệt là từ Đại hội VI, bước ngoặt của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới;  Đại hội VII với Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế – xã hội mới. Những kết quả đó có ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc, đặt nền tảng và định hướng cho quá trình phát triển đường lối đổi mới sáng tạo, có nguyên tắc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với rất nhiều thời cơ và thách thức to lớn. Với hơn 30 năm liên tục hoạt động, lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, biến Nghị quyết thành hành động cách mạng của quần chúng.

Để quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội VI, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết cuốn sách “Mấy vấn đề về đổi mới tư duy”. Trong cuốn sách chỉ rõ rằng vì sao phải đổi mới Tư duy, nội dung, phương pháp đổi mới Tư duy; rằng chỉ có như thế mới nhận thức đúng, nhận thức sâu sắc hiện thực, tiếp cận và đi tới được chân lý, nắm chắc và vận dụng đúng quy luật khách quan, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục khó khăn, làm chuyển biến tình hình, thực hiện được những mục tiêu Đại hội đề ra. Cũng từ sau Đại hội IV, đồng chí  được Bộ chính trị, Ban bí thư phân công trực tiếp giới thiệu các Nghị quyết Đại hội IV,V,VI,VII,VIII. Không phải là cách nói hùng biện, mà chính là cách truyền đạt giản dị, mạch lạc, súc tích, truyền cảm, giàu hàm lượng trí tuệ của đồng chí đã thuyết phục được người nghe.

Đồng chí Đào Duy Tùng là người trực tiếp đề xuất, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường Đảng từ cao cấp, trung cấp đến sơ cấp, chính quy và tại chức, từ trung ương đến tỉnh, huyện. Đồng chí cũng đồng thời là người đề xuất, chỉ đạo, xét duyệt xây dựng và hoàn thiện việc biên soạn: Bộ giáo trình quốc gia các bộ môn Khoa học Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… Đồng chí là chủ tịch Hội đồng xuất bản Mác  -Ăng ghen toàn tập, tuyển tập; Hồ Chí Minh toàn tập; Văn kiện Đảng toàn tập… Đó là những bộ sách lý luận, chính trị kinh điển, nền tảng, đóng vai trò trò như “cẩm nang thần kỳ”, như “kim chỉ nam”, như “mặt trời soi sáng con đường cho chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước tại Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội – một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng. Ông nội là cụ Đào Duy Ánh, một nhà nho học vấn uyên thâm và rất cương trực. Cụ đã không đi theo con đường quan trường mà chọn nghề dạy học và làm thuốc, sống cuộc đời thanh bạch. Cụ đã để lại cho các môn đồ và con cháu quan điểm và đạo lý làm người, đó là “Nho y gia trạch”; “Trọng đức cổ kim lưu tôn tử”, “Quý nhân tiền hậu nếp gia phong”. Thân sinh là cụ Đào Duy Khải rất có cảm tình với cách mạng nên từ năm 1943 đã động viên cả ba người con trai lớn của mình là Đào Duy Bách, Đào Duy Tùng, Đào Duy Cương tham gia cách mạng. Sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở xã Cổ Loa, cụ Khải được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã. Nếp sống của gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và nhân cách của đồng chí Đào Duy Tùng ngay từ thời niên thiếu.

Ảnh tư liệu

Cũng như nhiều trí thức yêu nước thời tiền khởi nghĩa, đang học Thành chung, đồng chí đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, dấn thân vào con đường cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, được tổ chức kết nạp vào Đảng tháng 4 năm 1945. Trưởng thành từ phong trào cách mạng quần chúng cơ sở, đồng chí từ lãnh đạo giành chính quyền ở quê hương Cổ Loa, đến Bí thư Huyện ủy Kim Anh (tỉnh Phúc Yên); Phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (tỉnh Phúc Yên); Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên; Thường vụ Tỉnh ủy, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho đến Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Bộ chính trị; Thường trực Bộ Chính trị – Ban Bí thư. Trước sau như một, đồng chí luôn gìn giữ gốc đạo đức cách mạng vững chắc với tầm trí tuệ cao.

Là lãnh đạo từ cơ sở, huyện, tỉnh đến Trung ương, đồng chí luôn mẫu mực thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trung thực, khiêm tốn và rất nghĩa tình với đồng chí, đồng bào, được mọi người kính trọng và yêu mến. Là lãnh đạo cao cấp, đồng chí thường thường xuyên đi thực tế các vùng miền của đất nước. Khi xuống địa phương, đồng chí không chỉ nghe báo cáo của lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, mà rất quan tâm gặp gỡ đồng chí, đồng bào cơ sở, ngồi nhà sàn uống rượu cần, nói chuyện thân mật với bà con dân bản, tạo điều kiện để mọi người bộc bạch tâm tư nguyện vọng của mình. Khi trồng cây lưu niệm, đồng chí cùng già làng, trưởng bản trực tiếp đào đất vun trồng, chứ không chỉ tưới nước để quay phim, chụp ảnh. Đồng chí kiên quyết từ chối quà “cây nhà lá vườn” lãnh đạo địa phương, ban ngành gửi tặng. Trường hợp đặc biệt không thể từ chối phải nhận thì phân chia lại cho anh chị em giúp việc cùng đi. Giản dị tới mức khi tối từ nhà số 7 Nguyễn Cảnh Chân đi bộ sang nhà số 4 Văn phòng Trung ương làm việc (vì ở đó yên tĩnh, sẵn sách báo để nghiên cứu, tham khảo), đồng chí đều tự phục vụ, kể cả đến nước uống. Khi làm việc với đồng chí, đồng bào, kể cả với những người bất đồng chính kiến, người giúp việc, đồng chí rất kiên trì lắng nghe để chắt lọc những điều hay, lẽ phải. Khi cần phải nói lại, đồng chí bình tĩnh đưa ra những lý lẽ thuyết phục cảm hóa người nghe.

Là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng bản thân và gia đình đồng chí vẫn sống giản dị, đạm bạc, từ chối chế độ đãi ngộ đặc quyền đặc lợi; cẩn thận đến mức đi thực tế đồng chí yêu cầu thanh toán tiền ăn, tem phiếu gạo cho nhà nghỉ của Đảng ở địa phương. Con trai trưởng, anh Đào Duy Quát, tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1963, cùng lúc nhận được hai giấy gọi: một giấy gọi đi học đại học nước ngoài, một giấy gọi nhập ngũ. Đồng chí đã nhất trí với cách lựa chọn của anh Quát, là thanh niên khi đất nước đang chiến đấu chống ngoại xâm, “trước hết hãy tham gia quân ngũ, lập thân rồi lập nghiệp; để lập thân lúc này không đâu bằng quân đội”.

Một phong cách làm việc khoa học

Liên tục giữ vai trò tư lệnh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng từ năm 1955 đến năm 1998, từ Phó vụ trưởng, Vụ trưởng Huấn học (Ban Tuyên huấn Trung ương); Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) liên tục 17 năm; Ủy viên thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (1965 -1980); Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; rồi Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng đã hình thành một phong cách làm việc thực sự khoa học, chu đáo, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Đồng chí đã tự mình viết hàng chục cuốn sách tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hàng trăm bài báo định hướng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Đồng chí được đào tạo cơ bản về lý luận: học khoa triết học tại Trường Lý luận Mác – Lênin ở Trung Quốc; học lớp nghiên cứu sinh kinh tế – chính trị dài hạn đầu tiên ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) do các giáo sư, viện sĩ Liên Xô giới thiệu. Tuy nhiên những tri thức phong phú của đồng chí Đào Duy Tùng có được phần lớn là tự nghiên cứu, tự học tập, đọc trực tiếp các tác phẩm kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết tâm đến mức những năm 1955 đến 1965, đồng chí đã tự bổ túc thêm tiếng Pháp để đọc trực tiếp các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Pháp, vì chưa có bản dịch bằng tiếng Việt.

Ảnh tư liệu

Trực tiếp đi thực tế các cơ sở, các vùng miền của đất nước, gặp gỡ đồng chí, đồng bào cơ sở, phong cách làm việc gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm một cách cẩn trọng, khoa học, chu đáo đó của đồng chí đã giúp tránh được lối giáo điều, sách vở, nắm được bản chất vấn đề, xử lý công việc có hiệu quả. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, được phân công kế tục làm Thường trực Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh mới, đồng chí đã cùng Tiểu ban bổ sung, chắt lọc một cách thận trọng, trung thực ý kiến của các cấp ủy Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, từ 120 trang xuống còn hơn 20 trang. Bản thảo mới ngắn gọn, súc tích, mạch lạc, dễ hiểu, dễ làm đã được Đại hội VII thông qua. Đối với các văn kiện khác của Đảng do đồng chí phụ trách cũng có cách làm nghiêm túc như vậy. Là cán bộ cao cấp, lại có nền học vấn đầy đặn, đồng chí luôn tìm tòi phát triển lý luận về công cuộc đổi mới và trình bày trong tổ chức. Theo quy định của Đảng, đảng viên có quyền bảo lưu ý kiến của mình nếu khác với ý kiến số đông của tập thể. Đảng tôn trọng và không phân biệt đối xử với trường hợp này. Đương nhiên đảng viên có ý kiến khác phải nói và làm theo ý kiến của tập thể. Đồng chí Đào Duy Tùng luôn giữ cách ứng xử như vậy.

Là thường trực Bộ Chính trị  – Ban Bí thư, phải xử lý công việc hàng ngày của Đảng rất lớn nên rất bận, đồng chí thường bố trí họp Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng xuất bản Mác – Ăngghen toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập vào thứ 7, chủ nhật, đôi khi cả vào buổi tối do các thành viên các hội đồng này có nhiều ủy viên kiêm chức, phải bố trí làm việc vào những ngày đó để mọi người có thời gian dự họp. Trước khi họp, căn cứ vào tờ trình đồng chí đều tự nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng những vất đề khó, phức tạp, nên khi kết luận các vấn đề thường rõ ràng, mạch lạc, dễ tiếp thu chỉnh lý, tổ chức thực hiện. Là nhà chính trị – tư tưởng, đồng chí rất mẫn cảm với thời cuộc, rất quan tâm xem xét, xử lý các vấn đề vĩ mô đến những việc cụ thể. Chẳng hạn như khi Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô bị giải thể, những người làm công tác Đảng bị thất nghiệp hoàn toàn. Những người phụ trách Kho lưu trữ của Quốc tế cộng sản đã cho mọi người được sao chép các văn bản, kể cả tài liệu vốn được coi là tuyệt mật, để thu tiền kiếm sống qua ngày. Trước tình hình đó, đồng chí đã chỉ đạo cử những chuyên gia lưu trữ giỏi các ngoại ngữ và cấp ngoại tệ để cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga sưu tập tài liệu về Bác Hồ và Đảng ta. Kết quả, chúng ta đã thu thập được nhiều tài liệu quý. Trong đó có bản Báo cáo viết tay của Bác Hồ gửi Quốc tế Cộng sản về thời gian, địa điểm, thành phần đại biểu dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó giúp đính chính lại thời gian và thành phần tham gia Đại hội thành lập Đảng mà trước đây bị lầm lẫn… Cách làm việc khoa học và biện chứng của đồng chí Đào Duy Tùng là như thế.

Để kết luận, xin theo cách nói của Danh sĩ Thân Nhân Trung: Đồng chí Đào Duy Tùng là một hiền tài của đất nước.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Đồng chí Đào Duy Tùng – Nhà tư tưởng, lý luận lỗi lạc của Đảng (dangcongsan.vn)