(SGGPO) Chiều 4-1, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến theo gợi mở của đồng chí Phan Văn Mãi, về việc làm thế nào kết nối, quy tụ được trí thức để giải các bài toán của TPHCM về điểm nghẽn và kiến tạo phát triển.
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng TPHCM cần có tư duy đột phá về kinh tế đô thị TPHCM, phải là kinh tế vùng, TPHCM phải là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không bó buộc trong một địa phương.
TS Lê Thái Hỷ cho rằng nên rà lại tổ chức, hoạt động của các hội đồng ở TPHCM cho hiệu quả, bởi hiện có Hội đồng Khoa học, lại có cả các hội đồng chuyên ngành. Theo ông, các hội đồng nên chủ động đề ra các bài toán, cũng như chủ động tham gia giải các bài toán của TPHCM chứ không chỉ chờ đợi được đặt hàng.
Một số ý kiến bày tỏ trăn trở khi Hội đồng Khoa học được UBND TPHCM lập ra, nhưng chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Nhiều đại biểu đặt vấn đề các nhà khoa học hiện nay gặp khó trong việc tiếp cận thông tin, dữ liệu phục vụ cho công việc, phải “xin-cho” mới có.
Đặc biệt, một số nhà khoa học bày tỏ trăn trở cho ngành giáo dục của một thành phố đi đầu về nhiều mặt, nhưng giáo dục phổ thông chưa đi đầu. GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn bày tỏ bức xúc, mong TPHCM có tiếng nói với Bộ GD-ĐT và Hội đồng giáo sư nhà nước để đề nghị có thể uyển chuyển hơn trong phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Trong đó cần chú trọng hơn đến những công trình trực tiếp phục vụ cho sản xuất, đời sống chứ không chỉ coi trọng những bài báo, công trình công bố quốc tế.
PGS-TS Dương Hoa Xô góp ý về chính sách thu hút người tài của TPHCM, đề nghị TPHCM quan tâm hơn đến xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cho Liên hiệp Hội, bởi giờ đây chủ yếu là các vị đã nghỉ hưu…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Liên hiệp hội, Hội đồng khoa học, đội ngũ trí thức của thành phố suốt thời gian qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều luôn quan tâm trăn trở, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của TPHCM. Dù vậy, theo đồng chí, tiềm năng nguồn lực trí thức vẫn chưa được phát huy hết.
Theo đồng chí, việc này cần đến từ hai phía, Hội đồng Khoa học cũng cần chủ động “ra đề bài” cho TPHCM chứ không chỉ nhận đề bài để giải. Những góp ý này có thể gửi về cho UBND TPHCM bất kỳ khi nào, đặc biệt là hiện nay khi TPHCM đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về việc quy tụ đội ngũ trí thức, nhân lực khoa học công nghệ, đồng chí Phan Văn Mãi thẳng thắn chia sẻ: “Lãnh đạo TPHCM mở lòng, cầu thị, nhưng nhiêu đó là chưa đủ. Các công việc cụ thể để trí thức, nhà khoa học đóng góp cũng đã có. Vậy thì giờ TPHCM đang cần thêm những gì? Rất mong các đại biểu góp ý thêm cho thành phố”.
Để cung cấp thông tin, dữ liệu cho các nhà khoa học, đồng chí Phan Văn Mãi nêu, trong khi chờ Kho dữ liệu dùng chung của TPHCM hoàn thiện và có thể chia sẻ, thì Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM sẽ làm đầu mối để xây dựng các thông tin cần cung cấp. UBND TPHCM sẽ quy định và yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp.
Mai Hoa
(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ket-noi-quy-tu-tri-thuc-nha-khoa-hoc-de-phat-trien-tphcm-post674505.html)