(TT&CS) – Ngày 19/5/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải.
Chất thải thành năng lượng: Tiềm năng lớn
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TP HCM, cho biết, theo một ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, năm 2016, toàn cầu phát sinh hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn. Đến năm 2030 con số này dự kiến là 2,6 tỷ tấn và tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050.
33% rác thải vẫn bị đổ đống lộ thiên, trong khi đây có thể nguồn nguyên liệu đầu vào cho một ngành công nghiệp sản xuất khác và năng lượng. Ảnh minh họa
Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tạo ra khoảng 50% khối lượng rác thực phẩm và chất thải xanh, trong khi các quốc gia có thu nhập cao hơn chỉ tạo ra 32% khối lượng.
Các chất thải có thể tái chế như giấy, bìa cứng, nhựa, kim loại và thủy tinh chiếm đến 50% ở các quốc gia thu nhập cao, so với chỉ 16% ở các nước thu nhập thấp.
“Tại Việt Nam, phương pháp xử lý chất thải phổ biến nhất vẫn là bãi chôn lấp, chiếm khoảng 37% lượng chất thải được xử lý, trong khi 33% vẫn bị đổ lộ thiên và 19% được chuyển đến cơ sở thu hồi vật liệu thông qua tái chế và làm phân. 22% còn lại được xử lý bằng công nghệ nhiệt hiện đại,” GS.TS Nguyễn Văn Phước chia sẻ.
Trong khi đó, biến chất thải thành năng lượng có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang hệ sinh thái năng lượng bền vững như một nguồn năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính, một lựa chọn đáp ứng nhu cầu sạch, kinh tế tuần hoàn xanh.
Kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng phát triển bền vững
Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng tất yếu của tất cả quốc gia trên thế giới, nhất là trong điều kiện các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều.
PGS.TS.Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn với mục đích kéo dài tuổi thọ của vật chất và giảm thiểu đến mức loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Các hệ thống tuần hoàn áp dụng những quy trình tái sử dụng (reuse), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling). Như vậy, số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào cũng như phế thải đầu ra được giảm thiểu tối đa.
Nền kinh tế tuần hoàn là đẩy mạnh tái chế và sẽ trở thành nền kinh tế thống trị trong vài thập kỷ tới. Bằng cách tạo ra các bước tuần hoàn nhỏ hơn gần với nguồn phát sinh chất thải hơn, các giải pháp cuối đời đắt tiền hơn có thể cho giá trị cao hơn về tỷ lệ phục hồi tài nguyên, từ 10% tiến gần đến 80%.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn như Thụy Điển, Anh, Pháp, Hà Lan… Những quốc gia này đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, tiếp cận thân thiện với môi trường vì một tương lai không rác thải, mọi thứ đều tái chế.
Việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” truyền thống sang “kinh tế tuần hoàn” là một trong những ưu tiên của giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thực tế, Việt Nam đã tiếp cận kinh tế tuần hoàn thông qua một số mô hình như vườn – ao – chuồng, thu biogas từ chất thải chăn nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, tuần hoàn nước, tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích.
Tuy rằng các hoạt động này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng tỷ lệ tuần hoàn vật chất còn thấp nên chưa được hệ thống hóa, kết nối thành nền kinh tế quay vòng.
Chất thải thành năng lượng thường được coi là một lựa chọn tốn kém để xử lý chất thải và tạo ra năng lượng khi so sánh với các giải pháp sản xuất bằng năng lượng hóa thạch khác hay vẫn chưa được đánh giá cao so với các giải pháp tái tạo khác như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
GS.TS. Nguyễn Văn Phước cho rằng, với sự sẵn có và nguồn cung cấp nguyên liệu chất thải rắn “ổn định”, với các phương án công nghệ và khung chính sách thích hợp, biến chất thải thành năng lượng cũng là một lựa chọn khá toàn diện.
Các công nghệ tái chế chất thải rắn thành năng lượng tập trung chủ yếu vào kỹ thuật nhiệt và sinh hóa, bao gồm: đốt trực tiếp, sinh cơ học kết hợp (xay, cắt, tách, sàng lọc kết hợp làm khô, ủ phân hoặc phân hủy kỵ khí…), chôn lấp rác và thu khí từ bãi chôn lấp, nhiệt hóa, khí hóa plasma…
Đồng thời, theo các chuyên gia, nếu tất cả chất thải rắn được quản lý và phân loại, chúng ta có thể thu hồi nhiều năng lượng hơn và tái chế nhiều vật liệu hơn.
Hiện nay, thực phẩm và rác thải xanh là loại rác thải lớn nhất toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng rác thải toàn cầu. Các loại tái chế khác như giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh chiếm 38%. Chất thải rắn đô thị có thể tái chế thành phân bón, năng lượng, nhiên liệu, hóa chất thậm chí là thực phẩm.
An Quý
(Nguồn: https://kienthuc.net.vn/tin-vusta/kinh-te-tuan-hoan-xu-huong-tat-yeu-cua-cac-quoc-gia-1702766.html)
Ảnh: Ban Truyền thônthông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội