Lễ khánh thành và ra mắt phòng chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam bộ” trong không gian Văn hoá Hồ Chí Minh

363

(LHH-TP.HCM) Chiều 23-8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khánh thành và ra mắt phòng chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam bộ” trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở (224 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Lễ cắt băng khánh thành Phòng Chuyên đề
TSKH Phan Xuân Dũng

 

Tham dự buổi Lễ có sự hiện diện của TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam; PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam; TS Đỗ Việt Hà, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu Nghị; ThS. Bùi Thị Ánh Hồng, Đại

diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật; Đ/c Phạm Ngọc Hợi, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; Đ/c Nguyễn Đoàn Lộc; UVBTV, chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối Dân –Chính- Đảng;

 

Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP, Giám đốc Nhà Văn hoá Khoa học; Ông Dương Nam, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Bên cạnh đó là sự có mặt các đồng chí Đảng ủy viên, Cấp ủy các Chi bộ trực thuộc, Đảng viên, Công đoàn, UVBTV, UVBCH Liên hiệp hội, Hội đồng khoa học TP, Công đoàn viên chức TP, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội chữ thập đỏ, Hội sinh viên việc nam TP.HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam TP.HCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, Nhà xuất bản chính trị quốc gia –sự thật, Nhà Văn hóa Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn, Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP.HCM (RICH).

PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa

Dưới đây là bài phát biểu Khai mạc và Giới thiệu sơ nét về quá trình hình thành và xây dựng công trình đầy ý nghĩa phòng chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam bộ” trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh của PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP, Giám đốc Nhà Văn hoá Khoa học

Bài phát biểu: Khánh thành và ra mắt phòng chuyên đề

“BÁC HỒ VỚI TRÍ THỨC NAM BỘ”

Kính thưa các vị đại biểu – Khách quý!

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử, giữa lúc Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9; hôm nay, ngày 23/8/2023, tại TP. HCM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trọng thể khánh thành và ra mắt Phòng Chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ” trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trước hết, cho phép tôi được thay mặt Đảng đoàn và Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới buổi lễ và chúc các vị đại biểu – khách quý sức khỏe, bình an, thành đạt và hạnh phúc.

Kính thưa các vị đại biểu – khách quý!

Cách đây 112 năm, tại Thành phố này, Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam Nguyễn Tất Thành đã rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Người đã trở về quê hương cùng với Đảng ta lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc – Kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Và sau đó, 24 năm trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác Hồ đã cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối và đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kính thưa các vị đại biểu – khách quý!

Bác Hồ kính yêu đã cống hiến trọn đời và sự nghiệp của mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta và nhân loại tiến bộ. Người là hiện thân sinh động và cao đẹp nhất của giá trị con người Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại. Khi còn sống Người luôn dấu tranh, dành tình cảm và những gì tốt đẹp nhất cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già trẻ, gái trai, miền Nam, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược. Khi đi xa, Người đã để lại toàn bộ di sản tinh thần vô giá và “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: Bác Hồ là “muôn vàn tình thương yêu đối với đồng chí đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên không sót một ai”. Đặc biệt là đối với đồng bào miền Nam, trong đó có trí thức Nam Bộ, Bác đã bộc bạch rằng: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; rằng “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.

Thật hiếm có một vị chủ tịch nước (hoặc tổng thống) nào trên thế giới lại nặng lòng với nước với dân, chăm lo từng giấc ngủ, miếng cơm, tấm áo, chỗ ở, học hành… cho người dân như Bác Hồ của chúng ta. Trong thế kỷ XX, trên thế giới, cũng không có một lãnh tụ chính trị của nước nào lại được UNESCO phong tặng đồng thời hai danh hiệu cao quý “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa thế giới” như Bác Hồ. Đồng thời cũng không có lãnh tụ Cộng sản nào trên thế giới được nhiều học giả nước ngoài suy tôn là bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Đại thi hào văn học Pháp Victo Huygô đã từng nói: “Đứng trước một trí tuệ uyên bác, tôi cúi đầu bái phục”, còn “Đứng trước một nhân cách cao thượng, tôi quỳ gối tôn thờ”. Theo đó, Bác Hồ của chúng ta ở tầm cao hơn thế. Bác Hồ của chúng ta – con người vĩ đại ấy lại có một cuộc sống đời thường rất trong sáng, giản dị, thanh bạch. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác sống như trời đất của ta; yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa; tự do cho mỗi đời nô lệ; sữa để em thơ lụa tặng già … Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khái quát: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà cảm thấy thân thiết từ lâu”.

Kính thưa các vị đại biểu – khách quý!

Sái Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – nơi “địa linh” hội tụ “nhân kiệt” bốn phương, vốn có truyền thống anh hùng trong đánh giặc ngoại xâm; năng động, sáng tạo trong xây dựng đất nước, đã được Quốc hội và đồng bào cả nước trao vinh dự mang tên Bác Hồ, được gọi là “Thành phố Hồ Chí Minh” (vào năm 1976).

Đảng bộ và nhân dân Thành phố nhận thức toàn diện và sâu sắc vinh dự và trách nhiệm to lớn này đối với nhân dân và cả nước. Vì vậy, suốt 37 năm đổi mới vừa qua Thành phố đã phấn đấu không ngừng “cùng cả nước, vì cả nước”, và đã trở thành đầu tàu kinh tế, đóng góp 22% GDP và 27% ngân sách cả nước. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố khẳng định: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.

Các tổ chức, cá nhân trao tặng sách và các bộ sưu tập quý cho phòng chuyên đề

Góp phần cụ thể hóa và hiện thực hóa một phương diện của không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong lĩnh vực hoạt động khoa học – công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đề xuất và được sự đồng ý của Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM về xây dựng phòng chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ” trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Liên hiệp hội. Đảng đoàn và Thường trực Liên hiệp hội đã giao cho Nhà văn hóa – Khoa học trực tiếp triển khai xây dựng Phòng Chuyên đề. Sau một năm triển khai thực hiện (bắt đầu từ xây dựng đề cương, khảo sát thực tế (ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Hà Nội; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (Bến Nhà Rồng); Khu Di tích Mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ở TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp và các nhà tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ ở nhiều địa phương…); tiếp đến là thiết kế bài trí không gian Phòng Chuyên đề, thảo luận ký kết hợp đồng và thực hiện thi công các hạng mục của Phòng Chuyên đề).

Trong quá trình triển khai xây dựng Phòng Chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ”, Nhà Văn hóa – Khoa học đã có thuận lợi cơ bản và gặp những khó khăn nan giải (thuận lợi là: luôn nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, sự động viên khích lệ của Đảng đoàn và Thường trực Liên hiệp hội, sự cộng tác giúp đỡ về vật chất và tinh thần của một số cơ quan; khó khăn nan giải là: kinh phí  không có, phải hoàn toàn tự túc bằng sự giúp đỡ từ một số hội thành viên và các nhà khoa học, thiếu nguồn cung cấp các hiện vật, liên quan trực tiếp đến cuộc đời và hoạt động của Bác Hồ, như mô hình tái hiện Nhà sàn, Lăng Bác, nhà ở của Bác ở quê v. v…).

Tuy nhiên, bằng nỗ lực tối đa của Nhà Văn hóa – Khoa học cùng với sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả của một số cơ quan (Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và chi nhánh TP.HCM, Trung tâm Ric) đến nay Phòng Chuyên đề đã hoàn thành cơ bản với các hiện vật và hình ảnh theo chủ đề: Bác Hồ với gia đình, Bác Hồ với Tổ quốc, Bác Hồ chịu ảnh hưởng của các bậc tiền nhân và sự ảnh hưởng của Bác tới những nhân vật nổi tiếng; Bác Hồ với các nhà khoa học, Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Bác Hồ với học sinh miền Nam…) cùng với các phần trưng bày (tái hiện hiện vật; các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin và của Bác Hồ; các tác phẩm của các nhà khoa học thể hiện tinh thần học tập và làm theo lời Bác).

Phòng Chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ” không chỉ là nơi trưng bày các tác phẩm, hiện vật giới thiệu về Bác Hồ, mà còn là trung tâm nghiên cứu và tổ chức các hoạt động văn hóa – khoa học sau:

–        Thứ nhất, nghiên cứu, giữ gìn và phổ biến những giá trị Di sản của Bác Hồ (nhất là 5 bảo vật quốc gia và giá trị Di sản liên quan trực tiếp với nhân dân và trí thức Nam Bộ).

–        Thứ hai, nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm định kỳ (hàng quý) và hội thảo (mỗi năm) về nội dung và phương thức lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, nhất là giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giới trí thức và các tầng lớp nhân dân; trước mắt tổ chức tốt Hội thảo khoa học “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ” vào trung tuần tháng 10 năm 2023.

–        Thức ba, nghiên cứu về xây dựng văn hoá, đạo đức, văn hóa chính trị; về giá trị văn hóa, giá trị con người, giá trị gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

–        Thứ tư, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa – khoa học (nói chuyện về Bác Hồ và các vĩ nhân…) cho thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên.

Kính thưa các vị đại biểu – khách quý!

Trong thời gian tới, Phòng Chuyên đề sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ quan chức năng, các nhà tài trợ để không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho đội ngũ trí thức và nhân dân.

Các đại biểu tham dự Lễ khánh thành và ra mắt chụp hình lưu niệm

Nhân dịp khánh thành và ra mắt Phòng Chuyên đề “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ”, tôi xin trân trọng cám ơn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ tận tình trong suốt những năm qua, tạo điều kiện để Liên hiệp hội TP.HCM hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trân trọng cám ơn sự cộng tác và giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan và các nhà khoa học ở trung ương và TP.HCM (nhất là Nxb. Chính trị quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tại TP.HCM, Trung tâm Rich, …), tạo điều kiện thuận lợi để Nhà văn hóa khoa học hoàn thành về cơ bản Phòng Chuyên đề.

Trân trọng cám ơn các đại biểu – quý khách, cám ơn Đài truyền hình TP.HCM (HTV9) và Báo Sài Gòn Giải phóng đã cử người tham dự lễ và đưa tin.

Cám ơn các đồng chí, anh chị em cơ quan, văn phòng Liên hiệp hội, văn phòng Trung tâm Ric đã tận tình làm việc, tạo điều kiện cho thành công của buổi lễ.

Xin cám ơn tất cả và chúc các đại biểu – khách quý mạnh khỏe, bình an, nhiều niềm vui và hạnh phúc!

Trân trọng!

(PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)