(LHH-HCM) Nhằm thực hiện nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tại TPHCM; đồng thời phản ánh sát sao, sinh động, khách quan các hoạt động của Quốc hội, ngày 10/12/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM đã tổ chức “Buổi tiếp xúc cử tri trí thức với đại biểu quốc hội sau kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV”.
Báo cáo viên của buổi tiếp xúc cử tri là Ông Nguyễn Đức Sáu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Ủy viên ủy ban Tư pháp Quốc Hội; Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.
Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Văn Phước – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội – chủ trì buổi tiếp xúc cử tri; PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội; Ông Dương Nam – Tổng thư ký Liên hiệp Hội; cùng các cử tri trí thức là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội, đại diện của các Hội thành viên, các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc; các đồng chí Đảng viên của Đảng bộ Liên Hiệp hội và Công đoàn Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TPHCM.
Tóm tắt kết quả về kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Ông Nguyễn Đức Sáu cho biết, ngày 20/10/2020, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp diễn ra trong thời gian 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, kết quả như sau: Quốc hội đã thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 04 dự án luật; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn); xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo quan trọng khác.
Về công tác lập pháp, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng(sửa đổi); Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại buổi tiếp xúc cử tri trí thức, các cử tri tham dự đã chất vấn thêm về những nội dung còn chưa rõ liên quan đến Luật Môi trường, đến tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và các quy định về ngân hàng.
Cử tri trí thức đặt câu hỏi tại buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội