Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen “PH.ĂNGGHEN – NHÀ BÁC HỌC LỖI LẠC, NHÀ LÝ LUẬN CÁCH MẠNG KIỆT XUẤT, LÃNH TỤ THIÊN TÀI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG TOÀN THẾ GIỚI”

778
Ngày 28 tháng 11 năm 2020, nhân loại tiến bộ cùng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế long trọng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Phriđrích Ăngghen (28/11/1820 – 28/11/2020) – Nhà bác học lỗi lạc, nhà lý luận cách mạng kiệt xuất, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Phriđơrich Ăngghen nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Bamen (Đức) trong một gia đình chủ xưởng dệt (có nhà máy ở Đức và Anh), Ph.Ăngghen sống gần gũi với công nhân và những người lao động. Với trái tim nhân hậu và tầm nhìn xa trông rộng, Ph.Ăngghen đã sớm từ bỏ lập trường giai cấp tư sản xuất thân của mình để trở thành nhà lý luận cách mạng kiệt xuất, một lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, dành cả cuộc đời đấu tranh cho chân lý, chống áp bức bất công, vì hòa bình, tự do, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.

Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen là đã cùng C.Mác (Nhà Bác học vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới) dày công nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cách mạng, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại, kiến tạo nên hệ thống tri thức lý luận khoa học cách mạng (trong đó có triết học, kinh tế – chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học). Đồng thời, hai ông đã đưa lý luận đó thâm nhập vào quần chúng và trở thành lực lượng vật chất thúc đẩy phong trào cách mạng toàn thế giới và tiến bộ xã hội.

Với trí tuệ uyên bác và sự mẫn cảm về chính trị, cùng với sự trải nghiệm sâu sắc trong phong trào công nhân, Ph.Ăngghen đã sớm phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và xây dựng thành công chủ nghĩa công sản trên phạm vi toàn thế giới – Đó là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác” (V.I.Lênin).

Không chỉ sớm phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen còn vạch ra và luận chứng sâu sắc về vai trò của đội tiên phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Đồng thời, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã cống hiến toàn bộ trí tuệ uyên bác, nghị lực phi thường và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Ph.Ăngghen không chỉ là tấm gương sáng ngời về khát vọng khoa học và ý chí cách mạng, về sự gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân, về nghị lực phi thường trong lĩnh vực tự nghiên cứu, tự học tập, rèn luyện với tinh thần độc lập, sáng tạo và tận tụy phục vụ nhân dân; mà còn là hiện thân sinh động và mẫu mực của lối sống thủy chung trong sáng với đức khiêm nhường đã lay động hàng triệu con tim nhân hậu trên thế giới. Cảm phục trước đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại và “tình bạn vĩ đại và cảm động” của hai Người bạn, V.I.Lênin đã viết “Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của gia cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phriđrích Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phriđrích Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.

Với tư cách là nhà khoa học, nhà lý luận cách mạng, Ph.Ăngghen có những đóng góp kiệt xuất trong việc hình thành chủ nghĩa Mác, nhất là phát triển triết học mácxít. Cùng với các tác phẩm viết chung với C.Mác, Ph.Ăngghen còn nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm lớn như: “Những phác thảo phê phán môn kinh tế chính trị học”, “Tình cảm giai cấp công nhân Anh”, “Chống Đuyrinh”, “Biện chứng của tự nhiên”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, “Luivich Phoiơbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”,… Trong những tác phẩm trên, Ph.Ăngghen đã phân tích, trình bày một cách sâu sắc những trí thức lý luận về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học; đồng thời, bút chiến và phản bác đanh thép những luận điểm sai trái của giới bồi bút tư sản và những phần tử cơ hội, xét lại, giáo điều,… Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăngghen không chỉ lãnh đạo giai cấp vô sản quốc tế, mà còn làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác.

Một trong những đóng góp quan trọng của Ph.Ăngghen đối với sự phát triển của phép biện chứng mácxít là ở chỗ ông đã tạo ra một phong cách tư duy biện chứng, độc đáo và luôn nhấn mạnh rằng, “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”; rằng, khi mà hiện thực đã thay đổi thì tư duy và quan niệm của chúng ta về hiện thực cũng phải thay đổi tương ứng. Theo đó, khi đề cập đến vấn đề “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” trong những thập niên 80 – 90 của thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen luôn nhấn mạnh rằng, cần phải cẩn trọng và suy nghĩ thật kỹ, tuyệt đối không được nôn nóng và vội vàng; bởi vì đây là “vấn đề khó nhất trong tất cả những vấn đề còn tồn tại” ở một thời kỳ phức tạp mà “các điều kiện không ngừng thay đổi”.  Ông viết: “Cái gọi là “xã hội xã hội chủ nghĩa, theo ý kiến tôi, không phải là cái gì đó nhất thành bất biến, mà cũng như mọi chế độ khác, nó cần phải được xem xét như một xã hội được thay đổi và cải tạo thường xuyên…”

Sinh thời, Ph.Ăngghen kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều hóa chủ nghĩa Mác, biến chủ nghĩa Mác thành những công thức bất biến cứng nhắc….; đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với bất cứ ai và lực lượng nào coi thường thực tiễn xã hội và tiến bộ khoa học. Một khi mà tình hình thay đổi và cuộc sống đặt ra những vấn đề mới thì bản thân Ph.Ăngghen cũng thay đổi; ông đã xem xét lại ngay cả quan điểm của mình và công khai thừa nhận sai lầm của ông và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng (1848 – 1852) khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về sách lược và phương pháp cách mạng của phong trào công nhân… Ngay cả một số luận điểm và nhận định trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” cũng được Ph.Ăngghen và C.Mác thừa nhận rằng, nếu được viết lại thì có những chỗ cần bổ sung và “cũng phải viết khác đi”; đồng thời, yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin (trong đó có những tư tưởng kiệt xuất của Ph.Ăngghen) vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt tới chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung các nguồn lực và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh