ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC MỌI THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

839
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản (Đông Dương cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn và An Nam cộng sản Đảng) thành lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Từ đây, cách mạng Việt Nam được chỉ dẫn bởi lý luận khoa học mácxít, được lãnh đạo bởi Đảng cách mạng mácxít chân chính.
1. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã có cương lĩnh chính trị, đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn nên đã tập hợp, đoàn kết được tất cả các lực lượng yêu nước đi vào cuộc đấu tranh “đuổi thực dân, giải phóng đồng bào”.

Thông qua các cao trào cách mạng “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (1930 – 1931), “Dân chủ Đông Dương” (1936 – 1939) và “Giải phóng dân tộc” (1939 – 1945) mà lực lượng cách mạng quần chúng không ngừng lớn mạnh… Và đến Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã nắm bắt đúng thời cơ cách mạng, phát động Tổng khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân trong vòng hai tuần lễ. Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó cũng là thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong đó có sự hòa hợp giữa “Ý Đảng” với “Lòng Dân”. Vì vậy, dù mới chỉ có 15 tuổi với 5.000 đảng viên, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công cuộc cách mạng “long trời lở đất” làm cho kẻ thù khiếp sợ và bạn bè năm châu nể phục; đồng thời, tạo điều kiện bảo đảm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

2. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến của dân tộc

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta phải đối diện với tình trạng “thù trong, giặc ngoài” (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Trong bối cảnh vận mệnh cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch đã đưa ra và thực hiện các quyết sách: “Hũ gạo cứu đói” và “Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, phong trào “Bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ và “Tuần lễ vàng” góp phần chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp (không thể tránh khỏi).

  • Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ Tịch đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; trong đó chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Tuân theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, cả dân tộc muôn người như một, nhất tề đứng lên bước vào cuộc “kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện”, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” theo phương châm “phòng ngự – cầm cự – tổng phản công” để giành thắng lợi. Với đường lối kháng chiến đúng đắng cùng sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Hồ Chủ Tịch, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã toàn thắng với “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève và rút quân về nước, tôn trọng nền hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và Đông Dương. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã nhảy vào xâm lược nước ta (lập ra “ngụy quân”, “ngụy quyền” ở miền Nam), buộc chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

  • Đặc điểm lớn xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ là: Đất nước ta bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị – xã hội đối lập nhau. Bên cạnh đó là nền kinh tế của nước ta chậm phát triển lại bị chiến tranh tàn phá, đời sống của nhân dân rất khó khăn; trong khi đó chúng ta phải đương đầu với tên đế quốc “đầu sỏ”, tên “sen đầm quốc tế”, có tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ và mang bản chất tàn bạo, đang đứng đầu hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới.
  • Mang trong mình bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn, trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác – Lênnin; tư tưởng Hồ Chí Minh, với Tổ quốc và Nhân dân; trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới cùng so sánh lực lượng giữa các bên theo phương châm “biết địch, biết ta…” Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo, không chỉ phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn đáp ứng xu thế của thời đại. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Để biến đường lối cách mạng nói trên thành hiện thực, Đảng ta đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiến hành chiến tranh nhân dân với nội dung và hình thức toàn diện, đa dạng, phong phú… lập nên những chiến công hiển hách: “Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968”, “Chiến dịch Nguyễn Huệ hè 1972”, “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris lập lại Hòa bình ở Việt Nam. Đặc biệt là, với “Đại thắng mùa xuân năm 1975” Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử phát triển của dân tộc và nhân loại ở thế kỷ XX.

Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ khẳng định chân lý cách mạng sáng ngời của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới, không chỉ là minh chứng đầy thuyết phục về sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình và sáng suốt của Đảng ta và Hồ Chủ Tịch, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.

3. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước

Đại hội VI của Đảng (tháng 12 năm 1986) đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước dựa trên lập trường mácxít và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những đặc điểm mới của thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đồng thời “luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”.

Trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ “trước hết là đổi mới tư duy” và trong đổi mới tư duy thì đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội là khâu đột phá. Từ đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, chúng ta đi đến đổi mới tư duy kinh tế và đổi mới hiện thực kinh tế. Nếu đổi mới tư duy lý luận là khâu đột phá, thì đổi mới tư duy và đổi mới hiện thực kinh tế là trọng tâm của công cuộc đổi mới. Và dưới ánh sáng của tư duy kinh tế mới, chúng ta đoạn tuyệt với nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ đổi mới đời sống kinh tế (làm nền tảng vật chất của xã hội) tất yếu phải đi đến đổi mới chính trị; trong đó, vấn đề cơ bản là xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”. Đồng thời, phải đổi mới văn hóa mà cốt lõi là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội).

Như vậy, Đảng ta đã đưa ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện; trong đó, nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế – xã hội là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…. Đồng thời, nghiên cứu và giải quyết tốt các mối quan hệ biện chứng phản ánh quy luật đổi mới và phát triển của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. “Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất… giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…”.

Thực hiện đường lối đổi mới và các quyết sách nói trên, 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng, to lớn và có ý nghĩa lịch sử… Tất cả những điều đó thể hiện một sự thật là: Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang là Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

 

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và hướng tới Đại hội XIII của Đảng; trong thời khắc thiêng liêng này, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Lãnh tụ thiên tài của dân tộc và cách mạng Việt Nam, Người anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

 PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa

        Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh