Phần lớn lượng nước sông Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sông quốc tế

567
Sáng 17-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” với sự chủ trì của Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nước không phải là tài nguyên dồi dào, vô hạn như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy trái đất chứa lượng nước rất lớn nhưng 97% là nước mặn, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt (nhưng 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực). Hiện khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới hiện đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Ảnh: Quochoi.vn

Việt Nam có hệ thống sông, suối dày đặc, trong đó có 109 sông chính, 126 con sông từ nước ngoài chảy vào. Tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông vào khoảng 840 tỉ m3, trong đó khoảng 520 tỉ m3 (tương ứng 63% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Cụ thể, sông Mekong có tới 90,1% lượng nước đến từ các quốc gia trên thượng nguồn, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4%, sông Mã 27,1%. “Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông”, ông Cường nói.

Theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2017 công bố, khi các công trình thủy điện của các quốc gia phía thượng nguồn hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL, dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.

Ở trong nước, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.”Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực sông, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất”, Bộ trưởng cho hay.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng để đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai với tầm nhìn 50-100 năm tới thì phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, đầu tư đúng và đủ, phối hợp liên vùng và liên quốc gia… mới có thể khắc phục được bất cập, thách thức đang đặt ra.

“Việt Nam đối mặt với hai vấn đề, một là thừa nước gây ra lũ lụt, xói mòn, hai là thiếu nước do khô hạn và xâm nhập mặn. Chúng ta phải chuyển đổi nền kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là với khu vực ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề nước của ĐBSCL, đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) chất vấn về “kế hoạch của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp về giải quyết hệ lụy, tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước ĐBSCL như thế nào?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng đặt vấn đề: “ĐBSCL bốn bề sông nước nhưng luôn phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn, một trong các lý do đó là thiếu các công trình dự trữ nước ngọt lớn, liên vùng. Tứ giác Long Xuyên là vùng trũng, nhưng cũng chưa được quy hoạch thành khu vực dự trữ nước tự nhiên cho vùng. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng?”.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập đến giải pháp để phát triển bền vững là phải xoay trục sản xuất. “Nếu như trước kia ĐBSCL trồng lúa là nhiều, sau đó là trái cây và thủy sản, tức là dựa vào nước ngọt là nhiều thì tới đây chúng ta xoay trục lại là thủy sản, trái cây và lúa. Thế giới tới đây cần nhiều thủy sản, trái cây và nhu cầu lúa gạo sẽ giảm dần”, ông nói.

Ông Cường khẳng định giải pháp trên đang được thực hiện quyết liệt, ngay cả địa phương đầu nguồn là An Giang cũng đang chuyển theo hướng này và chứng tỏ hiệu quả. Đồng thời, các công trình thủy lợi lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, đầu tư lớn như hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé có phạm vi kiểm soát hàng trăm ngàn hecta đất sản xuất.

“Khu vực Tây Nguyên hiện nay cấp nước sinh hoạt cho nông thôn chỉ đạt 40%, chất lượng hạn chế, cấp nước thủy lợi chỉ đạt 28%. Nhu cầu sử dụng nước của Tây Nguyên hiện nay lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết định hướng, tính khả thi và nguồn lực để thực hiện các giải pháp cung cấp nước cho Tây Nguyên”, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Cường khẳng định Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương – có tài nguyên 5,5 triệu ha đất rất quý, nhưng sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã phát triển quá nóng (sử dụng tới 2,6 triệu ha đất), đồng thời di dân tự do tạo sức ép quá lớn.”Do vậy phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, hiệu quả. Phải giữ bằng được diện tích rừng, nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng. Đồng thời phải đầu tư hơn nữa xây dựng hệ thống hồ chứa vì Tây Nguyên có hơn 1.000 hồ chứa nhưng chủ yếu là hồ dung tích nhỏ”, Bộ trưởng cho biết. Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để phát triển hệ thống hồ, đập chứa nước và điều tiết nguồn nước, cần nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, trong đó có đầu tư PPP như luật đã quy định. Nhật Bản diện tích rộng hơn Việt Nam chút nhưng họ có tới 18.000 hồ nước, trong khi Việt Nam mới có 7.000 hồ. “Thu hút đầu tư xã hội thì không những thu hút được nguồn lực mà còn có sự tham gia của quản trị xã hội vào lĩnh vực này”, ông Cường bày tỏ.

Nguồn tin: http://tuoitre.vn/63-luong-nuoc-song-cua-viet-nam-phu-thuoc-cac-quoc-gia-khac-20200817113720574.htm