(SGGP) – Ngày 4-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị (IRUS) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ”.
Ông Đặng Quốc Toản, đại diện Công ty CP Năng lượng dầu khí châu Á, đơn vị nghiên cứu, cho biết, Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có diện tích khoảng 325.123ha thuộc vùng Nam Biển Đông, quy mô công suất khoảng 6.000MW. Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ chia làm 4 giai đoạn đầu tư (từ năm 2025-2040), giảm phát thải hơn 200 triệu tấn carbon trong vòng đời của dự án.
Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia, điểm đấu nối tại trạm BA 500kV Đa Phước, sản xuất green hydrogen, ammonia và cung cấp điện sạch cho đường sắt tốc độ cao chạy tàu của Dự án tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ. Đồng thời, dự án sẽ cung cấp điện, hydrogen xanh cho các đô thị, khu công nghiệp, phương tiện giao thông vận tải để giảm phát thải khí carbon. Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm trong suốt vòng đời và thu về hàng tỷ USD cho các nhà thầu trong nước. Từ đó, góp phần chính vào chiến lược trung hòa carbon của TPHCM nói riêng và đất nước nói chung tới năm 2050.
ĐỨC TRUNG
Nguồn: Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG (sggp.org.vn)
Một số hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội)