Tăng cường năng lực cho Liên hiệp Hội các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia hoạt động tư vấn phản biện trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

295

(LHH-TPHCM) – Hội thảo “Tăng cường năng lực cho Liên hiệp Hội các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia hoạt động tư vấn phản biện trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” diễn ra Hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/12/2023, với sự chủ trì của TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh.

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Liên hiệp Hội các tỉnh Đông Nam bộ, các Hội thành viên và đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên của Liên hiệp Hội TP.HCM và các nhà Khoa học.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tế cho thấy rằng trong những chủ trương chính sách, những dự án phát triển kinh tế xã hội không thành công thì một trong những nguyên nhân chính là do không làm tốt công tác tư vấn phản biện.

TS. Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học-kỹ thuật tỉnh chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Đối tượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên là các chính sách, các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường (gọi chung là đề án) có  tính chất phức tạp, ưu tiên trọng điểm hoặc đa ngành do các cơ quan xây dựng thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội KHKT Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là thế mạnh của Liên hiệp hội Việt Nam nhằm mục tiêu phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các dự án đầu tư quan trọng của đất nước. Hoạt động này được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm và đánh giá cao.

Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên đã tổ chức cho đông đảo các nhà khoa học đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, KH&CN, GD&ĐT, y tế, bảo vệ môi trường,… Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức phản biện Luật Giáo dục bổ sung, sửa đổi, đánh giá chất lượng, tính khoa học và sư phạm của chương trình giáo dục, sách giáo khoa và thiết bị dạy học các trường phổ thông. Nhiều dự án đầu tư trọng điểm thuộc nhiều lĩnh vực đã được Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên tổ chức phản biện, trong đó nổi bật là đánh giá Kế hoạch năm năm 2006-2010 theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB); đánh giá hiệu quả khu công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh; đánh giá hiệu quả quản lý các khu công nghiệp ở một số địa phương Việt Nam;…

Nhà Khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Nhiều Liên hiệp hội địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ,… đã tư vấn và phản biện cho nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương. Liên hiệp hội TP.Hồ Chí Minh thực hiện tư vấn, phản biện cho 79 dự án phát triển của thành phố.

Nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đúc kết Hội thảo, TS. Lê Công Lương nhận định: “Để triển khai thực hiện rộng rãi, có nề nếp và thường xuyên về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội nói chung và về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói riêng, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên cần khẩn trương tiến hành các việc sau đây: Tham mưu, đề xuất sửa đổi Quyết định 14/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tư vấn phản biện và giám định xã hội và Thông tư 11/TT-BTC; làm việc với các UBND tỉnh, các Bộ, sở, ban ngành hữu quan để xây dựng một quy chế phối hợp trong các hoạt động này”.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài hội, phân loại theo các lĩnh vực chuyên môn và sử dụng các tiêu chí thích hợp để có thể đánh giá năng lực thực sự của từng chuyên gia trong các lĩnh vực. Các Liên hiệp Hội cần thành lập trung tâm, hoặc Ban TV-PB&GĐXH (Đối với các Hội thành viên), tăng cường cán bộ có năng lực để điều phối, theo dõi, tổ chức hoạt động, hoàn thiện quy chế hoạt động về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội.

Chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Mặt khác cần biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tiến hành hội thảo, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia chủ chốt và đội ngũ cán bộ của tổ chức hội, trước mát tập trung vào các khái niệm, phương pháp, kỹ năng liên quan đến TV-PB&GĐXH cho các dự án đầu tư, các dự án phát triển; (Các Hội thành viên chuẩn bị tổ chức lớp và mời các chuyên gia của LHHVN giảng dạy). Trao đổi thông tin kinh nghiệm hoạt động TV-PB&GĐXH (các văn bản pháp quy các dự án quy hoạch và phát triển, một số tài liệu tham khảo chuyên ngành vv…).

—————

Tải các bài trình bày tại Hội thảo của TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp Hội Việt Nam, tại đây:

TVPB của LHH ĐIA PHUONG , , BVMT và PTBV . , Quy trinh TV PB , XD Báo cáo TV PB

—————

(Tin, ảnh: Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM).