THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT VỚI TRÍ THỨC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

672

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022)

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT VỚI TRÍ THỨC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa*

Với “Đại thắng mùa Xuân năm 1975”, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; và Sài Gòn là địa phương duy nhất cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

Những năm đầu sau giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh đứng trước vô vàn khó khăn: nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh tàn phá, hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ để lại (nạn đói nghèo, thất nghiệp, thất học, dịch bệnh, nạn trộm cướp, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…..) và chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Cùng với đó là “làn sóng chuyển lửa về quê hương” chống phá cách mạng do các thế lực thù địch thực hiện và “làn sóng di tản” ra nước ngoài của một bộ phận dân cư (trong đó có không ít trí thức tại chỗ)…

Bối cảnh nói trên, đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách là: nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống của nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, phải đập tan “làn sóng chuyển lửa về quê hương” và ngăn chặn “làn sóng di tản”; đặc biệt là phải “giữ cho bằng được lực lượng trí thức” ở lại xây dựng quê hương, đất nước.

Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nói trên, Hội Trí thức yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập (năm 1975)[1] và hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt – “Sáu Dân” (Ông Sáu, Chú Sáu, Anh Sáu,…) – một danh xưng vừa thể hiện sự kính trọng, trừu mến, thân thương vừa gửi vào đó cả niềm tin, lòng tự hào và hy vọng của người dân, trí thức Nam Bộ với Chú Sáu Dân.

(Ảnh: https://www.baotravinh.vn/)

Những ngày đầu sau giải phóng, dù bận “trăm công ngàn việc”, song Chú Sáu Dân vẫn dành cho trí thức một sự ưu ái đặc biệt: được làm việc hàng ngày với Bí thư Thành ủy từ 5 giờ đến trước 7 giờ sáng tại nhà 41 Tú Xương (trừ những ngày đi công tác). Và, công việc đầu tiên là phải “giữ cho bằng được lực lượng trí thức” ở lại xây dựng Thành phố. Đích thân Chú Sáu Dân đến các Sở, Ban, Ngành và Hội Trí thức yêu nước (có khi thức thâu đêm, có khi dưới ngọn đèn dầu vì mất điện) bàn bạc kế sách giữ lại cho Thành phố đội ngũ trí thức (trong đó có lực lượng Y – Bác sĩ) không chỉ bằng tấm lòng, niềm tin; mà còn phải đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định, con cái được học hành[2]. Và sau đó, Thành phố có chủ trương: các Bác sĩ được mở phòng khám bệnh ngoài giờ, các dược sĩ được mở đại lý bán thuốc…. Thực hiện chủ trương này đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của đa số gia đình cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời, chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của nhân dân được tốt hơn.

(Ảnh: https://hcmcpv.org.vn/)

Suốt những năm làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chú Sáu Dân thường xuyên gặp gỡ anh chị em trí thức (ở Hội Trí thức yêu nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi công việc, tranh luận những vấn đề khoa học – thực tiễn bức xúc… và đôi khi cùng các nhà khoa học trải nghiệm ở nông trường Phạm Văn Hai, công trường hồ Dầu Tiếng, thủy điện Trị An hay đến thực địa khảo sát và trao đổi về “Dự án Lấn biển Cần Giờ”… Ở đâu và vào lúc nào, chú Sáu Dân cũng luôn là “Cánh én đầu xuân”, “trung tâm của các sự kiện” và Người cuối cùng đưa ra các giải pháp khả thi để thực hiện.

Trong thời gian làm Thủ tướng, mặc dù ở xa và bận rất nhiều công vệc hệ trọng, nhưng Chú Sáu Dân vẫn luôn suy nghĩ về vùng đất trù phú Nam Bộ – nơi có đội ngũ trí thức giàu lòng yêu nước, luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển. Và từ đó, chú luôn khích lệ, động viên, lôi cuốn được nhiều nhà trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tham gia tích cực vào các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, như: “Công trình tải điện 500KV Bắc – Trung – Nam”, “Nhà máy lọc dầu Dung Quất”, “Đường Trường Sơn công nghiệp hóa”, “Thoát lũ biển Tây”, “Sống chung với lũ”…. mà nhiều khách nước ngoài đến thăm quan ngưỡng mộ. Bởi lẽ, ở chính các công trình đó đã thể hiện một cách ấn tượng “phong cách Võ Văn Kiệt”, sự kết hợp hài hòa giữa lòng yêu nước, thương dân và tư duy sắc sảo, tinh thần quyết đoán của Nhà lãnh đạo với tri thức và khát vọng cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học.

(Ảnh: https://hcmcpv.org.vn/)

Khi làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương và nhất là khi đã nghỉ hưu, Chú Sáu có nhiều thời gian tiếp xúc, làm việc với đội ngũ trí thức thành phố Hồ Chí  Minh và các tỉnh Nam Bộ. Những ý tưởng ấp ủ trong nhiều năm, những tri thức mới và cách tiếp cận mới đối với sự phát triển trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới lại ùa về…. Và, Chú Sáu say sưa chia sẻ với các vị lão thành, những nhà lãnh đạo và quản lý cùng các nhà khoa học trẻ.

Tôi có may mắn được “đi theo”, được học tập và giúp việc chú Sáu ở lĩnh vực khoa học – xã hội. Đó là thời kỳ Chú Sáu quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển bền vững ở Nam Bộ. Chú Sáu giao cho tôi tập hợp các nhà khoa học xã hội để nghiên cứu lịch sử phát triển Nam Bộ, khám phá tiềm năng và nguồn lực, tìm ra kế sách và giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các tỉnh, thành phố Nan Bộ. Đó là nhiệm vụ khó khăn, nhưng đầy thú vị; bởi lẽ từ năm 18 tuổi, tôi đã sống gắn bó với vùng “đất lành chim đậu” này. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nói trên (1998 – 2008), tôi thường gặp Chú Sáu mỗi tháng một lần để báo cáo kết quả công việc, đồng thời nhận những chỉ dẫn mới và khoảng ba tháng một lần tham gia đoàn Chú Sáu đi khảo sát thực tế (khi ở Bà Rịa – Vũng Tàu, lúc ở Phú Quốc, hay dọc kênh Vĩnh Tế An Giang, có khi ở Cần Thơ và nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, đôi khi ở Lâm Đồng, hoặc Côn Đảo…; lúc đi ô tô hay xuồng máy, nhiều lần lội ruộng trao đổi kinh nghiệm với bà con nông dân, khi tranh luận trong hội thảo về “chung sống với lũ”, “xả lũ đập tràn”, “thoát lũ biển Tây”…..). Trong những chuyến đi này, điều gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi là sức làm việc dẻo dai (mỗi ngày trung bình từ 12 đến 14 tiếng) và tư duy sắc sảo của Chú Sáu khi phát hiện ra những cái mới trong thực tiễn, cách phân tích hóm hỉnh, vừa lôgíc vừa gợi mở những vấn đề mang tính “khoa học – thực tiễn” với tấm lòng nhân hậu mang đậm sắc thái “Sáu Dân”.

Dưới sự hướng dẫn của Chú Sáu, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học, xuất bản nhiều công trình có ích về lịch sử phát triển các tỉnh Nam Bộ. Trong đó, tiêu biểu là Hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long – Hội nhập và phát triển” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đồng tổ chức vào năm 2004, được nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố với cuốn sách cùng tên vào năm 2005[3]; Hội thảo “Vĩnh Long – Lịch sử và phát triển” (Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Thành ủy tỉnh ủy Vĩnh Long đồng tổ chức) và nhiều hội thảo, cùng những công trình khác.

Sinh thời, Chú Sáu Dân không phải người Sài Gòn (quê chú ở Vĩnh Long); thậm chí trước năm 1975 nhiều người dân Thành phố còn chưa biết chú là ai. Song, từ năm 1975 đến nay, dường như không có tên tuổi nào gắn bó, gần gũi, thân thương với người dân Thành phố như tên “Sáu Dân”. Bởi lẽ, “số phận” đã gắn Chú Sáu với thành phố này; và ở đây, giới trí thức cùng nhân dân đã tiếp nhận chú là “Người của mình”; và còn bởi lẽ, chú đã hiến dân cả cuộc đời mình cho sự nghiệp tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Thành phố và cả nước.

——————————

* Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP. HCM và Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội)

[1] Xem: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh – 35 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Tổng hợp, TP. HCM, 2021, tr.19

[2] Xem: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt trong lòng trí thức, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.183

[3] Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ – Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ – Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa – Bùi Quang Huy – Lê Thế Đạt (Đồng chủ biên), “Đồng bằng sông Cửu Long – Hội nhập và phát triển”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005