ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 –  TẦM VÓC THỜI ĐẠI, GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

35

Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam và loài người tiến bộ trong thế kỷ XX. Nó chứng tỏ một sự thật là, trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ có nền kinh tế chưa phát triển như Việt Nam, nhưng có chính nghĩa, có trí tuệ và tư duy sáng tạo cùng với lòng yêu nước quả cảm, thì có thể đánh thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, dù chúng có to lớn và tàn bạo đến đâu.

Ngay sau khi chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” (1954), thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, với bản chất tàn bạo và dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève, dựng lên “ngụy quân, ngụy quyền” ở Sài Gòn làm công cụ xâm lược nước ta. Đến năm 1965, Mỹ đưa máy bay ném bom miền Bắc và đưa hơn nửa triệu quân Mỹ cùng chư hầu trực tiếp vào miền Nam để tàn sát nhân dân ta.

Ở đâu “có áp bức là có đấu tranh”, “kẻ gieo gió ắt gặp bão” – đó là quy luật muôn đời của vạn vật và là lẽ sống của con người. Nhân dân ta, từ Bắc chí Nam đã nhất tề đứng dậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Do phải chịu nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường, do áp lực mạnh mẽ của phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam; và do bế tắc trong đường lối chiến lược, chiến thuật và phương thức thực hiện chiến tranh; nhất là sau chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội năm 1972”, Hoa Kỳ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và rút quân về nước.

Tuy nhiên, do bản chất tàn bạo, hiếu chiến và nham hiểm, Mỹ đã triển khai thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho “ngụy quân, ngụy quyền”; đồng thời, “móc ngoặc, đi đêm” với một số nước nhằm cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, gây khó khăn, cản trở thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

  1. Khái quát tiến trình “Đại thắng mùa xuân năm 1975”

Trước âm mưu, thủ đoạn và hành động của Mỹ – Ngụy trên chiến trường và “hậu trường”; phân tích và đánh giá một cách khoa học, khách quan, toàn diện tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch cùng xu thế phát triển của chiến tranh, Hội nghị Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam (30/9/1974 – 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 – 8/01/1975) đã ra Nghị quyết lịch sử: Quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm (1975 – 1976). Trong đó nhấn mạnh rằng, cần tranh thủ thời cơ thuận lợi, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, phải đánh thắng nhanh để giảm thiệt hại cho nhân dân, đồng thời bảo vệ tốt các cơ sở kinh tế, văn hóa,…. Như vậy, tuy kế hoạch đề ra là 2 năm, nhưng Bộ Chính trị yêu cầu quân và dân ta vừa đánh vừa tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của thời cơ; và khi thời cơ đến sớm thì nhất định phải chớp thời cơ, thần tốc giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên đi đến chiến dịch Huế – Đà Nẵng và kết thúc với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến dịch Tây Nguyên (4/3/1975 – 3/4/1975): khởi đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giáng đòn bất ngờ và chí mạng vào “Buôn Ma Thuật” – địa bàn chiến lược và nơi sơ hở nhất của kẻ địch, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch chủ yếu và quan trọng nhất ở Tây Nguyên, làm cho Mỹ – Ngụy bất ngờ, choáng váng (mọi sự kháng cự và ứng cứu của địch đều bị đạp tan), buộc địch rơi vào sai lầm chiến lược “tháo chạy khỏi Tây Nguyên” một cách hỗn loạn.

Chiến dịch Huế – Đà Nẵng (21/3/1975 – 29/3/1975): sau khi mất Tây Nguyên, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn rơi vào trạng thái hoảng loạn, đối phó lúng túng và tập trung quân cố thủ Huế và Đà Nẵng để chờ viện binh. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, quân ta nhanh chóng tiến công giải phóng Huế (26/3/1975) và ngay lập tức phát triển thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng với ba cánh quân lớn hợp vây từ ba hướng (Bắc, Tây, Nam) đánh trực diện vào Đà Nẵng, phá tan thế co cụm của địch; quân ta tiêu diệt và làm tan rã hơn 100.000 quân địch, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng (29/3/1975). Từ đó, làm thay đổi hẳn tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra cú sốc lớn và áp lực “bại trận không thể cứu vãn” cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Ảnh tư liệu

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (9/4/1975 – 30/4/1975): trước sức mạnh tấn công như vũ bão của quân ta, tin vui thắng trận dồn dập bay về Thủ đô, ngày 31/3/1975 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng tiến công – tổng công kích vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc được bắt đầu. Bộ Chính trị nhấn mạnh: phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng Tư, không để chậm. Để nhanh chóng hiện thực hóa quyết tâm chính trị đó, Bộ Chính trị chỉ đạo phải tập trung lực lượng nhanh nhất, mạnh nhất giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được mang tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Sáng sớm ngày 30/4/1975, năm cánh quân của ta từ năm hướng đồng loạt tấn công vào Sài Gòn – Gia Định theo phương thức thần tốc, tạo bạo, sáng tạo và linh hoạt để giành thắng lợi nhanh nhất, lớn nhất và bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân một cách tốt nhất. Với cách đánh như trên, quân ta đã tập trung được sức mạnh tiêu diệt địch ở vòng ngoài; đồng thời nhanh chóng thọc sâu đánh mạnh các mục tiêu quân sự ở nội thành, làm cho địch không kịp tiếp ứng và nhanh chóng tan rã.

Như vậy, sau 55 ngày đêm thần tốc và quyết chiến, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta đã toàn thắng. Chúng ta đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đạp tan “ngụy quân”, lật đổ “ngụy quyền”, bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ cho Sài Gòn – Gia Định gần như nguyên vẹn. Đó là sự phát triển sáng tạo khoa học – nghệ thuật của “chiến tranh nhân dân” và phương pháp kết thúc chiến tranh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

  1. Giá trị và ý nghĩa lịch sử của “Đại thắng mùa xuân năm 1975”

Với Đại thắng mùa xuân năm 1975, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 – 1975); đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên phát triển “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc; cùng với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 (chống quân Nguyên – Mông), chiến thắng Chi Lăng năm 1427 (chống quân Minh), chiến thắng Đống Đa năm 1789 (chống quân Thanh), chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 (chống quân Pháp), đã ghi những mốc son vàng chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Nhân dân đón chào quân giải phóng vào trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những chân lý bất hủ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó cũng là thắng lợi tất yếu của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo, giương cao ngọn cờ “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng (miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời trực tiếp chống chiến tranh phá hoại của Mỹ; miền Nam trực tiếp đánh Mỹ – Ngụy, tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân….) nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi to lớn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại mới với ý chí tự lập, tự cường dân tộc cùng những nguyên lý bất hủ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Đó còn là thắng lợi của đức tính cần cù, lòng quả cảm, trí tuệ thông minh, tư duy sáng tạo của con người và dân tộc Việt Nam. Nhà báo Pháp R.Ghilan đã viết: “Nhân tố của cuộc chiến tranh này là cái nhân tố mà không có một bộ máy điện tử nào của Mỹ có thể tính nổi, nhưng đó lại là nhân tố quyết định: khả năng chịu đựng gian khổ phi thường của người Việt Nam. Khả năng này là phẩm chất vốn có của con người Việt Nam nhờ ý chí tự cường và lòng yêu nước cực kỳ mãnh liệt”.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi của công lý và chính nghĩa, của đạo lý và tiến bộ xã hội, của chủ nghĩa nhân văn và lương tri thời đại (do Việt Nam đại diện) trước cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và tàn bạo (do Mỹ thực hiện ở Việt Nam). 49 năm đã đi qua (kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975), thế giới và cả Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã phủ kín thảm xanh trên những “cánh đồng bom đạn”, đã biến chiến trường xưa thành thị trường hội nhập sôi động. Và, với khát vọng phát triển phồn vinh, bền vững cùng tinh thần “táo bạo, thần tốc, quyết chiến, quyết thắng” của “Đại thắng mùa xuân năm 1975”, nhân dân ta đã và đang từng bước thực hiện thắng lợi các quyết sách chiến lược của sự nghiệp đổi mới (đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sách dân tộc và chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển…) để đi đến mục tiêu “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong muốn của Bác Hồ.

Như vậy, thời gian càng lùi xa và không gian càng rộng mở, cùng với những biến đổi to lớn và sâu sắc ở Việt Nam và trên thế giới, càng làm cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn, khoa học và sâu sắc hơn về tầm vóc thời đại, giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn của Đại thắng mùa xuân năm 1975. Đồng thời, khơi dậy ý thức tự lập, tự cường dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta hôm nay.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM