Hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 4

353

(Vusta) Ngày 9-9 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 4, khóa VIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong khuôn khổ hội nghị có hội thảo “Đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội trí thức”. Đến dự hội nghị có đại diện các Ban Đảng, Chính phủ cùng 142 ủy viên hội đồng Trung ương khóa 4.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, đã có 153 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 Hội ngành toàn quốc, 596 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước; phát triển đất nước phải dựa và bằng khoa học và công nghệ.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, mục đích của cuộc hội thảo cũng là nhiệm vụ mà Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcvàchuẩn bị cho nghị quyết mới về công tác trí thức.

Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao phát biểu

Hội nghị đã nghe Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao thay mặt Thường trực Liên hiệp Hội Việt Nam báo cáo công tác quy hoạch nhân sự khóa VIII và khóa IX; giới thiệu nhân sự để bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VIII; thực hiện quy trình thủ tục kết nạp hội thành viên Liên hiệp Hội Việt Nam.

Ngay sau khi hội nghị thực hiện các nội dung của Hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 4, khóa VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, các đại biểu đã tham dự hội thảo chuyên đề thảo “Đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội trí thức”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật được vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam; nhận định những tồn tại, hạn chế trong hoạt động; đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách phát huy vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội trí thức trong thời gian tới nhằm góp phần vào xây dựng và phát riển đất nước.

Trước thực tế không đủ nguồn tài chính để chi trả việc khen thưởng (dù là rất khiêm tốn) đối với cá nhân, tập thể trí thức có thành tích trong xây dựng và bảo vệ đất nước; có sự bất bình đẳng về mức thưởng so với chất lượng giải thưởngcủa một số giải thưởng (do không sử dụng ngân sách nhà nước)… Nguyên Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh lại các mức thưởng tương xứng với các hình thức khen thưởng, tránh tình trạng việc đãi ngộ chỉ mang tính hình thức không có nhiều tác dụng động viên, khích lệ người được khen thưởng. Ông cũng đề xuất quy định thống nhất mức đãi ngộ bằng vật chất đối với các loại hình giải thưởng trên cơ sở chất lượng và tầm ảnh hưởng của các giải thưởng…

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VII Phạm Văn Tân phát biểu tham luận

Đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TƯ, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng, có 2 nguyên nhân. Đó là sự lúng túng về nhận thức trong xác định khái niệm về trí thức và lúng túng trong lựa chọn mô hình hoạt động của hội trí thức. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội trí thức, ôngđề xuất 2 giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến chính sách bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình, động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động. Chủ tịch

Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng phát biểu tham luận

Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Dũng đã chỉ ra các vấn đề để hoạt động khoa học, công nghệ có hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước: Đừng để các công trình nghiên cứu khoa học trở thành các hồ sơ lưu trữ không có hiệu quả thực tế gì với đất nước, với dân số gần 100 triệu dân không có lý do gì cho đến nay ta không sản xuất được 01 gram nào chất kháng sinh và vitamin, và ta vẫn phải bổ ngoại thệ ra nhập một khối lượng lớn hàng năm; Các nhà khoa học phải có trách nhiệm với sự nghiệp của ngành giáo dục, cách tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho các giáo viên đang đứng lớp; Các nhà khoa học, đội ngũ tri thức hãy quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp vì Việt Nam là nước nông nghiệp với đa số người dân là nông dân; Các nhà khoa học không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta đã và đang làm gì để đáp ứng với cuộc cách mạng này cũng như làm gì để thúc đẩy các ngành khoa học này? – ông Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi.

Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Dũng phát biểu tham luận

Trong nghiên cứu y học, có rất ít doanh nghiệp y dược tham gia các đề tài nghiên cứu vì độ rủi ro cao; thể chế về nghiên cứu y học cũng chưa đầy đủ; những quy định về thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm về trang thiết bị… chưa được luật hóa; chưa có chính sách thỏa đáng cho người làm nghiên cứu khoa học y học… Để tạo thuận lợi cho người làm nghiên cứu khoa học y học, theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam Nguyễn Văn Kính, cần có chế độ thỏa đáng cho công tác nghiên cứu và cho những người nghiên cứu trong lĩnh vực y học để thu hút nhân tài; tạo môi trường nghiên cứu khoa học y học lành mạnh với các cơ sở nghiên cứu có trang thiết bị hiện đại và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt các đề tài nghiên cứu y học…

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan nhằm góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách tổng kết và chuẩn bị cho nghị quyết mới về công tác trí thức.

LH.

(Nguồn: https://vusta.vn/hoi-nghi-hoi-dong-trung-uong-lien-hiep-hoi-viet-nam-lan-thu-4-p91327.html)