Khu CNC TPHCM: Chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng để tạo sự khác biệt

519

(Chinhphu.vn) – Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) được đánh giá là mô hình thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia ở nước ta. Nhưng nền tảng sau 20 năm phát triển cũng đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng trong định hướng phát triển của Khu trong giai đoạn tới.

Nhà máy của Tập đoàn Intel tại Khu CNC TPHCM

Ngày 24/10/2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Đến nay, SHTP có 160 dự án đang hoạt động, trong đó, thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)… Giá trị xuất khẩu lũy kế đến năm 2021 đạt hơn 100 tỷ USD.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, bên cạnh thành công thu hút các nhà đầu tư FDI, SHTP đang dần hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao “made in Việt Nam” ngay trong Khu. Đặc biệt là làm cơ sở lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.

Thách thức tạo ra sự khác biệt

Thành công của SHTP là không thể phủ nhận. GS.TS. Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, so với vốn ngân sách đầu tư cho SHTP đến nay là hơn 10.000 tỷ đồng, thì giá trị kinh tế hàng năm thu về từ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tại SHTP đã lớn hơn rất nhiều lần.

Các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đang tạo ra 90% giá trị gia tăng của toàn Khu, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của TPHCM cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. “Các nhà đầu tư FDI như Intel, Samsung đang là những rường cột đóng góp vào giá trị xuất khẩu của SHTP. Chúng ta cũng đã có doanh nghiệp nội địa như Nagogen, USM Healthcare, BSB Nanotech… những thành tựu rất đáng trân trọng. Nhưng năng lực nội sinh đang ở đâu trong phát triển sản phẩm CNC đem lại giá trị gia tăng cao?”, GS.TS. Lê Hoài Quốc trăn trở.

Ông Lê Hoài Quốc cho biết, một trong những kỳ vọng ban đầu vào SHTP là tạo ra sự khác biệt bằng cơ chế ưu đãi để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ mới mang lại giá trị gia tăng cao. Điều này, theo ông Quốc, chưa thực hiện được. Nói cách khác, nhà đầu tư mang công nghệ cao vào SHTP nhưng những hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo thực hiện ngay trên mảnh đất SHTP để sản phẩm tiến thêm một bước là chưa nhiều, ngay cả với Intel, Samsung rất khó minh chứng giá trị trên.

BSB Nanotech, một doanh nghiệp công nghệ Việt trong Khu CNC TPHCM trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Sanofi (Pháp) trong mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mới

Chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng

Thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao là chuyện hiển nhiên nhưng theo GS. Đặng Lương Mô như vậy là chưa đủ với sứ mệnh của SHTP. Sau 20 năm, SHTP cần phải có điểm nhấn khác biệt. Là một nhà khoa học có tên tuổi trong lĩnh vực vi mạch thế giới, GS. Đặng Lương Mô vẫn đau đáu kỳ vọng SHTP sẽ thành công trong lĩnh vực này.

Ông nói, chúng ta không mơ trở thành một Silicon Valley như của Mỹ nhưng có thể nhìn sang Công viên Khoa học Tân Trúc của Đài Loan, nơi khai sinh ra nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng thế giới, điển hình là Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC đang cung cấp trên 50% chip toàn cầu. Những doanh nghiệp như TSMC đã biến Đài Loan trở thành hòn đảo công nghệ, trở thành một phần sản xuất tất yếu của chuỗi sản xuất toàn cầu.

Quan điểm của GS. Đặng Lương Mô là thúc đẩy phát triển nội sinh, và đến lúc chúng ta phải đầu tư mua công nghệ tiên tiến của thế giới. Với nhà máy của Intel Việt Nam, một trong những nhà đầu tư được kỳ vọng nhất hiện cũng chỉ thực hiện lắp ráp và thử nghiệm. “Không còn là thời đại của “học mót”, không thể cứ gia công mà học được công nghệ của người ta. SHTP muốn khác biệt phải mua công nghệ”, GS. Mô khẳng định.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kỳ vọng giai đoạn tới, SHTP sẽ trở thành khu vực có sản phẩm, công nghệ đặc trưng như nhiều nước đã làm được. “Một sản phẩm mà khi các quốc gia khác tìm kiếm sẽ đặt Việt Nam lên lựa chọn hàng đầu về sự tin cậy”, ông Trần Việt Anh nêu ý tưởng.

Những nhà đầu tư như Intel, Samsung vào Khu CNC vẫn là lắp ráp, thử nghiệm. Họ kéo theo nhiều nhà thầu phụ, do vậy nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia vào chuỗi này. Nhưng chúng ta phải có số liệu cụ thể đánh giá hệ sinh thái của mỗi nhà đầu tư FDI, họ kéo theo được bao nhiêu doanh nghiệp Việt. Trong mỗi sản phẩm FDI từ Khu CNC phải tính toán được.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho rằng, vấn đề tạo ra sản phẩm, công nghệ đặc trưng, chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng đang trở thành yêu cầu từ thực tế phát triển của Khu CNC TPHCM sau 20 năm ra đời.

Xác định giai đoạn tới cần có hướng đi, trọng tâm khác, Thành phố đã giao cho SHTP nghiên cứu mô hình “Khu công viên khoa học”. Đây là bước phát triển của SHTP, không phải là mô hình tách rời, là tiền đề thuận lợi cho chuyển đổi mô hình giá trị gia tăng, từ dựa vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp FDI là chính sang mô hình từng bước tạo ra giá trị gia tăng dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong đó chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư trong nước.

Riêng về công nghệ và sản phẩm đặc trưng, ông Thi khẳng định, trong các trọng tâm của trọng tâm phát triển của SHTP vẫn là vi mạch, cụ thể là “fablab” (phòng thí nghiệm chế tạo) sẽ tạo ra sự khác biệt cho SHTP.

“Trong ngắn hạn, SHTP tập trung vào thiết kế, là công đoạn có giá trị gia tăng cao nhất của quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn. Đây là lĩnh vực chúng ta có tiềm năng, chủ yếu cần vốn con người. Còn về sản xuất, thực tế quỹ đất của Khu CNC không còn nhiều, trong khi sứ mạng của SHTP là tập trung vào khâu có giá trị gia tăng cao mà sử dụng ít nguồn lực. Do vậy, sản xuất sẽ giới hạn trên những nhà đầu tư hiện hữu như Intel. Còn những dự án sản xuất quy mô lớn khác, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND Thành phố thu hút vào các KCN-KCX khác, nhất là KCN Ứng dụng CNC mà thành phố đang xây dựng”, ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ.

Đóng góp gần 52% giá trị xuất khẩu của TPHCM

Trong 160 dự án, có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hiện lên đến trên 10 tỷ USD, tương đương gần 230.000 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/dự án. Còn lại là dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 1,929 tỷ USD, bình quân vốn đầu tư 17,7 triệu USD/ dự án.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao từ SHTP tăng dần hàng năm. Giá trị xuất khẩu lũy kế đến năm 2021 là trên 100 tỷ USD, tương đương gần 230 triệu tỷ đồng. Riêng năm 2021, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng giá trị xuất khẩu của Khu đạt 20,9 tỷ USD, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM, dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Khu đạt 23 tỷ USD.

Băng Tâm

Nguồn: https://tphcm.chinhphu.vn/khu-cnc-tphcm-chuyen-doi-mo-hinh-gia-tri-gia-tang-de-tao-su-khac-biet-101220915170943906.htm