PHÁT HUY VAI TRÒ SÁNG TẠO CỦA BÁO CHÍ PHỤC VỤ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

388

Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

(21/6/1925 – 21/6/2024)

1. Báo chí là một lĩnh vực hoạt động sáng tạo của xã hội! Sự ra đời của báo chí, kể từ những bản tin sớm nhất ở châu Âu, đáp ứng đòi hỏi phát triển của xã hội và nó-cũng chính là kết quả sáng tạo của con người!

Mấy trăm năm phát triển của báo chí ghi lại những nấc thang sáng tạo không ngừng của loại hình hoạt động này, nhất là khi thế giới bước vào thời đại thông tin-bùng nổ thông tin. Sự sáng tạo trong loại hình hoạt động báo chí bao gồm từ nội dung thông tin, hình thức thông tin đến phương thức truyền thông…

Báo chí nước ta, đặc biệt là báo chí yêu nước và cách mạng đã vượt qua nhiều giai đoạn và không ngừng thể hiện sức sáng tạo của nó; thể hiện nổi bật và cuối cùng là ở tác động xã hội to lớn và mạnh mẽ.

Báo chí nước ta trong thời kỳ đổi mới bắt nguồn từ đường lối đổi mới đầy sáng tạo của Đảng, đồng thời bản thân báo chí thể hiện sức sáng tạo phong phú, đưa tới sự khởi sắc vượt bậc, góp phần rất đắc lực và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới chung. Đường lối đổi mới đất nước đã khơi dậy và gia tăng nội lực sáng tạo của báo chí. Báo in, báo nói, báo hình… ngày càng nhiều, đặc biệt là báo điện tử ngày càng cuốn hút người đọc.

Khi nói về tính sáng tạo của báo chí, hiển nhiên cần xem xét tính sáng tạo của tác phẩm báo chí và hoạt động sáng tạo của phóng viên. Tác phẩm báo chí bao gồm những sản phẩm báo chí cụ thể, có tác giả (hoặc đồng tác giả) cụ thể. Đó là những bài, tin, ảnh tranh, chuyên mục, là những chương trình – tiết mục phát thanh, truyền hình. Cũng cần phải kể thêm những ấn phẩm báo chí đáp ứng những yêu cầu thông tin đột xuất.

Tính sáng tạo của tác phẩm báo chí thể hiện tập trung ở tính nhạy bén xã hội cao, thông tin đúng lúc bạn đọc (bạn nghe và xem đài) đang cần, khi vấn đề của cuộc sống đòi hỏi giải quyết, độ thông tin đậm đặc, nói những điều người ta cần biết và muốn biết. Một bài báo hay, một tin tức có hiệu quả  là bài báo, là tin tức gãi đúng chỗ “ngứa” của xã hội, của dư luận! Một nhân tố cực kỳ quan trọng làm nên sức sáng tạo của tác phẩm báo chí là phương thức thể  hiện. Đây, đó có lúc người ta xem nhẹ yêu cầu này nên dẫn đến tình trạng viết đúng nhưng công chúng ngại đọc, ngại nghe. Một tác phẩm báo chí được coi là hấp hẫn khi nó cuốn hút bạn đọc, bạn nghe (xem) bằng cả cách thức cụ thể sinh động, gợi đọc, gợi nghe. Nói cách khác, phải biết “nói chuyện” với đối tượng của báo chí qua tác phẩm báo chí. Dĩ nhiên, đó không phải là cách đối thoại thô thiển và cứng nhắc. Tính đối thoại tiềm ẩn trong tác phẩm báo chí bao gồm từ việc xác định chủ đề, lựa chọn đề tài, tinh luyện nghệ thuật ngôn ngữ của mỗi loại hình. Tác phẩm báo chí sáng tạo phải có độ rung xã hội cao, tác động xã hội lớn. Bàn về tính sáng tạo của báo chí không thể quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết cho ai, viết để làm gì?”

Mặt khác, tính sáng tạo của tác phẩm báo chí, ngoài những yêu cầu chung, cần đáp ứng đòi hỏi của từng thể loại cụ thể do những đặc điểm riêng của chúng. Tin tức quý ở sự phát hiện. Điều tra quý ở sự khám phá. Bình luận quý ở sự nhanh nhạy, sắc sảo chỉ ra quy luật vận động cụ thể của sự vật…Trong quá trình sáng tạo, rất cần chú ý đền sự tìm tòi phương thức thông tin cụ thể, có hiệu quả nhất, chú ý ngôn ngữ, văn phong cho tin bài cụ thể. Dĩ nhiên, lặp lại người khác và lặp lại chính mình đều là phi sáng tạo. Và đương nhiên, những bài viết, tin tức hành chính, công thức, khô khan, sáo mòn trùng lắp vô thưởng vô phạt (chưa kể những thông tin sai) cũng đều là phi sáng tạo. Những thông tin sáng tạo là những thông tin “trần trụi sự kiện” mà không khô héo, “khách quan” mà vẫn gần gũi với bạn đọc, ngôn ngữ sinh động, “máu huyết” như dốc hết lòng vì mục đích thông tin cụ thể và “ngấm ngầm” đối thoại, “kích thích” người đọc.

2. Người viết báo sáng tạo phải chọn được phương pháp – cách thức thể hiện tốt nhất. Đây là tầng nấc cuối cùng đi tới tác phẩm báo chí. Và đây cũng là yếu tố thể hiện trực tiếp phong cách tác giả và tác phẩm báo chí. Dĩ nhiên, mỗi thể loại báo chí thể hiện một cách khác nhau phong cách của tác giả. Song, phải chăng lịch sử báo chí Việt Nam thời nào cũng có hiện tượng “đọc lên, có thể đoán biết đó là của ai”. Điều đó không có ý nghĩa dung thứ “sự lặp lại chính mình”.

Đâu là những nhân tố thúc đẩy hoạt động sáng tạo của phóng viên?

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp được khảo sát, tạm có thể chia làm hai nhóm lớn:

Một là, động lực bên trong (của người viết, của phóng viên)- nội lực.

Hai là, động lực bên ngoài (đối với người viết, phóng viên)- tạm gọi là ngoại lực.

Về động lực bên trong của phóng viên, cần chú trọng “tự bồi dưỡng”, “tự kích thích” trên hai vấn đề quan trọng:

Một là, tinh thần say mê lý tưởng, say mê nghề nghiệp của người làm báo.

Người làm báo nào cũng cần xác định lý tưởng chính trị chân chính cho hoạt động báo chí của mình. Với báo chí nước ta hiện nay, Đảng ta đã xác định rõ con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người cầm bút cần có lòng tin vào lý tưởng đó, đấu tranh và sống chết vì lý tưởng đó.

Người cầm bút chân chính, tài giỏi bao giờ cũng là người say mê nghề báo, lấy nó làm lẽ sống, coi nó là duyên nợ cuộc đời, không thể thiếu, không thể bỏ. Ở người làm báo chiến sĩ, hai niềm say mê lớn ấy quyện vào nhau “tuy hai mà một”.

Có khi ta thấy ở những ký giả thuộc những chiến tuyến đối lập nhau đều có một hiện tượng chung là say mê nghề nghiệp, nhất là những hoạt động tác nghiệp nhiều khi giống nhau. Song, suy cho cùng, hai cái hồn say mê đó khác nhau. Nghề báo, rút cuộc là một nghề mang tính chính trị, do đó cái say nghề khác nhau phụng sự cho lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, lợi ích tập đoàn xã hội khác nhau, từ đây dẫn đến những hiệu quả xã hội khác nhau.

Niềm say mê có khi theo đuổi những lợi ích cá nhân hạn hẹp, sai trái. Viết báo có khi được danh, được lợi, được miếng đất căn nhà, nhưng ai dám nói đó là sáng tạo? Rất tầm thường, có người chỉ vì “bao thư”, một món tiền hoa hồng quảng cáo, một bữa tiệc linh đình có cả bàn tay gấu…mà viết hay không viết một điều gì đó, thậm chí gác bút. Thế thì còn đâu là sáng tạo?

Người phóng viên chân chính luôn tìm kiếm sự thật, phát hiện cái mới, tìm mọi cách tiếp cận chân lý, nói lên chân lý, dù chịu gian nan, phức tạp, đắng cay, dù bị đe dọa, dù có thể hy sinh tính mạng trước mũi súng quân thù.

Người phóng viên đích thực luôn phấn đấu để không ngừng vươn tới những nấc thang cao hơn về nghề nghiệp.

Hai là, trí tuệ và kỹ năng giành lấy, thể hiện vào tác phẩm những nhân tố sáng tạo của nhà báo.

Nhà báo đích thực phải biết tìm ra cái mới, cái sáng tạo trong cuộc sống, qua tư duy sáng tạo chủ quan, làm nên tác phẩm báo chí sáng tạo. Thiếu hiểu biết, kém tay nghề, người viết không thể sáng tạo và thường rất khó có cảm hứng sáng tạo.

Sự “tắm mình” có ý thức trong cuộc sống, trong cuộc đấu tranh vì  chân lý, vì lẽ  phải của nhân dân luôn luôn kích thích “nội lực” của người cầm bút.

Về “ngoại lực” đối với phóng viên, ngoài những điều đã phân tích ở những phần trên, ở đây chỉ đề cập sự lãnh đạo trong một cơ quan báo chí mà người đứng đầu là tổng biên tập. Đó là “lực điều hành”, là “nhân tố kích thích trực tiếp” đối với phóng viên. Tổng biên tập giỏi là người biết làm cho phóng viên tốt nhất! Người tổng biên tập trung thực, giỏi, có bản lĩnh, hội tụ các phẩm chất tốt, có tầm, tài năng, có đức, ấy là “ngoại lực” trực tiếp thúc đẩy hoạt động sáng tạo của phóng viên, kích thích tính sáng tạo của hoạt động báo chí!

Trước hết, tổng biên tập phải có đủ bản lĩnh phân biệt cái đúng và cái sai, ủng hộ phóng viên viết đúng, ngừa tránh phóng viên viết sai. Tổng biên tập phải nắm vững và kịp thời các thông tin cần thiết để xác định phương hướng xử lý thông tin cho phóng viên.

Thứ hai, tổng biên tập phải biết tổ chức công việc cho tập thể phóng viên.

Dù làm việc trực tiếp với phóng viên hay là làm việc thông qua cán bộ quản lý cấp dưới, tổng biên tập phải gợi mở cho phóng viên phương hướng tìm tòi, phát hiện và xử lý đề tài, xác định chủ đề. Trưởng phòng, trưởng ban, trưởng trang, trưởng mục tiếp nối tư duy chỉ đạo của tổng biên tập ở cấp độ của họ, bằng phương thức của họ. Tổng biên tập phải tổ chức cho phóng viên nắm chắc tình hình thực tế trong lĩnh vực họ theo dõi, làm cho phóng viên chủ động đề xuất được vấn đề, trên cơ sở đó mà bổ sung, nâng cao vấn đề. Nhiều tờ báo hiện nay có chế độ phóng viên báo cáo tuần, báo cáo miệng hàng ngày, coi đó như nghĩa vụ viết tin bài, có nhuận bút cho báo cáo viết. Nhiều báo đưa vào nền nếp việc giao ban hàng ngày, hàng tuần với cán bộ chủ chốt trong cơ quan báo. Lại có giao ban định kỳ giữa Ban Biên tập với phóng viên, biên tập viên. Chất lượng ý kiến nhận xét về nghiệp vụ, phân tích tình hình xã hội và sự chỉ đạo của tổng biên tập tại các cuộc “giao ban” có sức kích thích đáng kể đối với tư duy và hoạt động sáng tạo nghiệp vụ.

Thứ ba, dù cơ chế làm việc nào, dù phân cấp quản lý đến đâu, tổng biên tập đều phải nắm chắc “đầu vào”, “đầu ra” của tờ báo. Cách làm việc tốt của tổng biên tập phải đảm bảo cho tác phẩm sáng tạo của phóng viên được “vào” tờ báo và được “ra” với bạn đọc (bạn xem, nghe đài). Ý tưởng này hoàn toàn không có nghĩa dung túng cách làm việc ôm đồm, bao biện.

Thứ tư, tổng biên tập phải biết tổ chức lực lượng. Tổng biên tập có vai trò lớn trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ phóng viên, tạo ra ngày càng nhiều cây viết “thiện chiến”, được bạn đọc (bạn xem và nghe đài) tin cậy, yêu mến. Cần tìm nhiều cách bồi dưỡng, nâng cao trình độ của phóng viên, gợi trong phóng viên khát khao học tập, khát khao sáng tạo, khát khao chiếm lĩnh những đỉnh cao nghề nghiệp. Phát huy sở trường khác nhau của các phóng viên phải được xem như một tiền đề thúc đẩy hoạt động sáng tạo của họ. Cần có cơ chế tôn trọng lao động của phóng viên, tổ chức lực lượng nghiệp vụ (biên tập viên, cán bộ quản lý dưới tổng biên tập) cùng với tổng biên tập nâng cấp, hoàn thiện tác phẩm của phóng viên, dùng các biện pháp nghiệp vụ làm cho tác phẩm khi đăng tải phát huy được tối đa tác động xã hội. Các phóng viên sẽ hào hứng biết bao, sẽ “hết mình” khi thấy người lãnh đạo công bằng, vô tư, khen đúng, chê đúng, xử lý kiên quyết; không sợ người giỏi, không thiên vị!

Theo quy định của Đảng và Nhà nước, tổng biên tập cùng với tập thể xây dựng một hệ thống “đòn bẩy”, bao gồm chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ, chế độ nhuận bút, chế độ khen thưởng, chế độ kỷ luật. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí nước ta đã có quy định chỉ tiêu nghĩa vụ tin bài tùy theo năng lực và cấp bậc phóng viên, theo yêu cầu của báo. Vượt mức nghĩa vụ, được hưởng thêm thù lao; không đạt mức nghĩa vụ, bị nhắc nhở hoặc xử phạt. Nhiều cơ quan báo chí khen thưởng hàng hàng tuần đối với tin bài hay.

Việc trang bị phương tiện làm việc cho phóng viên là nhân tố khích lệ rất thiết thực trong hoạt động nghề nghiệp.

Cuối cùng, để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của phóng viên, tổng biên tập phải là người gương mẫu về mọi mặt, là cái chuẩn của phóng viên. Các phóng viên khó tìm được cảm hứng sáng tạo từ người tổng biên tập (và cán bộ lãnh đạo khác của cơ quan báo chí) lệch lạc, yếu kém, độc đoán hoặc mị dân. Đặc biệt, khi có sai sót xảy ra của phóng viên, tổng biên tập phải có bản lĩnh, có tinh thần chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ” với phóng viên và cấp dưới!

3. Báo chí nước ta đã và đang phát triển mạnh mẽ trên con đường đổi mới và hội nhập. Với hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 20.000 người đang làm việc trong các cơ quan báo chí, trong đó trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ… hiện nay, báo chí thực sự là lực lượng hùng hậu, là công cụ sắc bén, tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ truyền thông, báo chí nước ta đang đứng trước những thử thách lớn, đòi hỏi phát huy hơn nữa tính sáng tạo, chủ động để đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, phục vụ ngày càng có hiệu quả vào công cuộc đổi mới đất nước.

Thạc sĩ Đỗ Thị Lan Anh
Nhà Văn hóa – Khoa học